
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 02/4/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 031: Cảm tình là cội gốc của phiền não
Trong Kinh Phật có câu: “Ái bất trọng bất sanh Ta Bà. Niệm bất nhất bất sanh Tịnh Độ” cho thấy người trầm luân trong sanh tử là do nghiệp ái quá nặng. Hằng ngày, chúng ta thường dùng cảm tình để làm việc. Hòa Thượng nói: “Bạn tương ưng với lí trí thì bạn không mê, nếu bạn tương ưng với cảm tình thì mê rồi. Phật pháp dạy bảo chúng ta phải đem cảm tình biến thành lí trí, biến thành trí tuệ. Phật pháp dạy bạn phải lí trí, không nên chủ quan, xem thường mà động khởi cảm tình. Cảm tình là mê, lí trí là giác. Phải lấy lí trí làm chủ, không nên lấy cảm tình làm chủ. Đây là việc quan trọng hơn bất cứ điều gì!
“Người ta biết rõ cảm tình là cội gốc của phiền não, không nên chấp trước nó, vướng bận nó. Thế nhưng, cuối cùng họ vẫn rơi vào cảm tình để làm việc. Vì sao Phật không nói đến chữ “ái”- yêu thương chúng sanh mà lại nói là Phật từ bi với chúng sanh. Xuất phát điểm của yêu thương và từ bi là khác nhau. Từ trong lí tánh sanh ra sự yêu thương thì gọi là từ bi, còn từ trong cảm tình mà sanh ra thì gọi là yêu, là “ái”.”
Từ lời dạy này của Hòa Thượng, chúng ta quán chiếu thì biết chúng ta mê chứ không giác, nên đây là căn nguyên của phiền não và đau khổ. Chúng ta thật là một kẻ đáng thương vì biết rõ nguyên nhân của khổ đau, của sanh tử nhưng vẫn cam chịu, vẫn mang vác, ôm ấp, bao che nó mà không cách gì rời bỏ nó được. Phần nhiều trong ta, cảm tình luôn thắng lí trí. Nguyên nhân là do công phu của chúng ta chưa đủ độ sâu, chưa đủ độ dày. Cho dù người đó là ai, tu được bao nhiêu năm mà vẫn dễ rơi vào cảm tình làm việc thì biết được họ chưa cắt được gốc phiền não.
Có người hằng ngày giảng cho học trò nghe về vô thường nhưng chiếc xe của họ bị người khác va chạm làm vỡ thì họ lại mong muốn bồi thường mà không quán chiếu về sự vô thường, đây là cảm tình không phải lí trí. Phật Bồ Tát phát khởi tình yêu của các Ngài từ lí tánh, còn chúng sanh phát khởi tình yêu từ trong cảm tình. Tình yêu phát khởi từ lí tánh thì không có khống chế, chiếm hữu, ngược lại, phát khởi từ cảm tình thì chấp trước, dùng mọi cách để giữ lấy. Cho nên nhiều người tu hành đã nhiều năm, vẫn bị dính vào cảm tình mà làm việc, vẫn ngỡ rằng mình đang từ bi, vì vậy mà khổ đau nhưng không biết nguyên nhân vì sao.
Ví dụ, khi chúng ta lo cho một ai đó, quan tâm đến họ nhưng họ lại phản mình thì chúng ta không nên tức giận. Ở hoàn cảnh này, nếu chúng ta không đau khổ, chấp trước thì sự yêu thương cua chúng ta đối với họ xuất phát từ lí tánh, là “việc tốt cần làm nên làm không công không đức”. Do đó, khi không có khống chế, chiếm hữu sẽ không có chấp trước, không có được mất, hơn thua, tốt xấu, nên không có đau khổ. Chẳng ai ban an vui hay mang đau khổ đến cho chúng ta mà chính chúng ta tự mình làm, tự mình chịu - tự tác tự thọ, chúng ta có đầy đủ quyền năng để ban an vui cho chính mình.
Nếu không nhận ra điều này, chúng ta luôn sống trong trạng thái ủy thác, nương nhờ, luôn ỷ nại vào Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, thần v…v. Khi đối mặt với sanh tử, chúng ta mới thấu hiểu được rằng chỉ có một mình chúng ta chiến đấu với nghiệp lực. Chúng ta hãy quán sát trong khi làm việc, chúng ta khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật có dính mắc không? Nếu có dính mắc, có phiền não đắn đo, thì đó là cảm tình và nếu không dính mắc, không có phiền não đắn đo, thì đó là lí trí. Biên giới này rất gần, rất vi tế nên nếu không quán chiếu kỹ thì cũng không nhận ra. Nếu chúng ta thấy mình tự tại, an vui với tâm thanh tịnh, không vướng bận chút gì, chính là chúng ta không bị rơi vào cảm tình. Cho nên, từ bi xuất phát từ lí tánh còn tình yêu xuất phát từ cảm tình và cảm tình là cội gốc của phiền não.
Hòa Thượng tiếp lời: “Các vị phải nên hiểu rõ từ bi và tình cảm, tình yêu chỉ là một sự việc. Yêu là chìm đắm trong năm dục sáu trần, đó là ô nhiễm. Từ bi là từ nơi tâm thanh tịnh, cho nên không có ô nhiễm. Có rất nhiều người làm việc cho rằng đó là Phật sự. Nếu là Phật sự thì việc đó phải dùng tâm thanh tịnh mà làm, còn nếu không dùng tâm thanh tịnh thì đó không phải là Phật sự. Phàm phu thấy biết sai lầm, luôn là mang cảm tình để làm Phật sự, dùng cảm tình để giao tế, ứng đối. Dùng tâm này để tu tâm thanh tịnh thì làm sao tu được thành công.