20Thứ Tư, 02/04/2025, 15:45
30 · PHTT - Phật Pháp Đã Cứu Đời Tôi - 30

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 01/4/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 030: Phật pháp đã cứu đời tôi

Hòa Thượng chia sẻ rằng lúc trẻ Ngài không tin Phật, cho rằng Phật giáo là mê tín. Thật vậy, ở thế gian, đa phần người ta tin Phật đều là tin một cách mê tín nên việc làm của phần đông Phật tử đều không đúng pháp, dẫn đến xã hội có sự hiểu lầm. Đa phần người ta đến với Phật là để cầu xin, cúng bái.

Thế gian lưu truyền câu nói rằng “Thuộc một bộ Kinh A Di Đà thì sống đến già cũng không hết” tức là chỉ cần thuộc một bộ Kinh A Di Đà thì đi làm thầy cúng sẽ không hết việc vì dương gian có nhiều người chết. Phật giáo nếu chỉ để cúng cho người chết và cầu an cho người sống thì không ai hiểu chân thật nghĩa của Phật giáo, cho nên đa phần người ta kết luận Phật giáo là mê tín.

Một điều rất quan trọng là ở vùng sâu vùng xa lại không có người giảng dạy Phật pháp. Các tự viện không có quý thầy thường theo cách cúng của nhân gian, cũng cả thần tài, thổ địa, ngũ hành vv…vv. Có lần tôi đến một ngôi chùa ở Hà Nam, người ta cúng Phật bằng thịt heo. Nơi đó, từ lâu không có quý thầy, quý cô tới giảng pháp mà các thầy cúng trong vùng nói sao thì dân làm vậy. Khi tôi đến giảng dạy Phật pháp, họ rất trân trọng. Họ nghe được thì mới vỡ òa ra và vô cùng cảm thán vì từ lúc nào đến giờ chưa từng được nghe. Tôi đã mời họ lên dự lễ tri ân cha mẹ ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Họ đi rất đông, kín ba chiếc xe ô tô. Sau này, họ không còn cúng mặn mà chuẩn bị đồ cúng chay rất nghiêm túc.

Cho nên, giáo dục là vô cùng quan trọng, đặc biệt là giáo dục Phật đà, giáo dục của Thành Hiền, luân lí đạo đức, giáo dục nhân quả, phải được cắm gốc từ trong các gia đình. Hòa Thượng nói: “Khi tôi còn trẻ, sanh ra ở nông thôn, 10 tuổi đã rời nông thôn chuyển lên sống ở thành thị. Khi ở nông thôn, tôi đã được tiếp nhận giáo dục truyền thống, đã cắm được gốc cho nên khi lên thành phố, tuy rằng là phồn hoa đô thị có nhiều cám dỗ nhưng gốc đã cắm được rất sâu, nên có bị tiêm nhiễm nhưng chỉ là bên ngoài. Lúc nhỏ ở nhà, tôi được mẹ dạy rất kỹ. Mẹ thường dẫn đi chùa, đi lễ thăm quan, được thăm quan Thập Điện Diêm Vương và nhìn thấy Thập Điện Diêm Vương thì thật khủng khiếp. Cho nên người xưa nói ba tuổi nhìn thấy 80, bảy tuổi nhìn thấy trọn đời.

Chúng ta hiện nay giáo dục con mà con chưa ngoan là tại chúng ta. Trên Kinh nói: “Người trước không dạy nên đừng trách người sau”. Lúc nhỏ tôi cũng được thăm quan Thập Điện Diêm Vương, từ đó, tôi không dám nói dối, không dám trộm cắp. Chỉ nhìn thôi đã khiếp vía, tối ngủ còn nằm mơ. Đây chính là cách để giáo dục nhân quả, một cách bình dân ở nơi nông thôn. Ba tuổi mà trẻ được cắm gốc Văn hóa Truyền thống, chuẩn mực đạo đức thì chúng ta có thể thấy tuổi 80 sau này. Học trò Khai Minh Đức hết 5 tuổi ra trường là đã biết được bổn phận, biết hành hiếu. Do đó, cắm gốc đạo đức, giáo dục chuẩn mực cho con trẻ là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, rất nhiều người có tài, có năng lực lại không quan tâm đến việc này mà chỉ quan tâm đến ngọn, bỏ gốc.

Trong xã hội hiện đại, trẻ nhỏ từ ba đến năm tuổi, thường được cha mẹ chú trọng đến nhảy múa, ca hát, đàn ca sáo nhị. Nếu trẻ thành công thì chúng sẽ cống cao ngã mạn, sống trong hào quang, dưới ánh đèn của sân khấu đầy hư danh ảo vọng. Cả đời của chúng thật đáng thương! Người cha người mẹ thích ảo danh ảo vọng, thích ánh đèn sân khấu và thích sự tán tụng của người khác thì mới làm như vậy, ngược lại, họ sẽ không chọn cách làm này, không đi theo con đường hư danh này. Người sống trong ảo danh ảo vọng, dưới ánh đèn sân khấu thường rất khổ tâm, từ vị trí cao mà bị chuyển xuống vị trí thấp hơn thì họ rất đau khổ dù đó chỉ là danh. Từ nhỏ đến lớn, trẻ đã được chọn cách sống hư danh như vậy nên không có gì hoán cải được. Còn chúng ta, nếu cho chúng ta vị trí đó, chúng ta cũng không thèm muốn.

Hòa Thượng tiếp lời: “Tôi đã được tiếp nhận giáo dục từ nhỏ nên được cắm gốc chắc chắn. Tôi hiểu được, tôi có thể thể hội được. Tôi có thể giữ gìn được không bị ô nhiễm ở nơi phồn hoa đô thị. Y học gọi là hệ miễn dịch và tôi có được hệ miễn dịch này.” Hòa Thượng cho biết Ngài đã lên thành phố ở 10 năm, lúc đó Ngài vẫn cho rằng tôn giáo là mê tín, không như lúc nhỏ, có lòng tin, còn đi theo mẹ. Đến khi gặp được giáo sư Phương Đông Mỹ, thầy đã giới thiệu Phật pháp cho Hòa Thượng, lúc đó Ngài mới thoát nhiên đại ngộ, mới bừng tỉnh rằng 10 năm trở về trước, Ngài đã bị ngoại cảnh bên ngoài dẫn đạo sai lầm.