
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 31/3/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 029: Tu học Phật pháp chú trọng ở khai ngộ
Tu học Phật pháp chú trọng ở khai ngộ. Đây là cương lĩnh tu học, tuy nhiên, ngày nay, mọi thứ đã thay đổi, người ta tu học Phật pháp là để tai qua nạn khỏi, để khỏe mạnh sống lâu, để đạt được danh vọng lợi dưỡng càng nhiều càng tốt. Nếu chú trọng ở những thứ đó thì việc tu học của chúng ta không phải là học Phật pháp. Trong 10 nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, sau mỗi nguyện đều có câu nói “không hề mệt mỏi”, luôn luôn nỗ lực thực hành các đại nguyện đã phát ra. Chúng ta học Phật trong một thời gian dài, mới hiểu được thế nào là Phật pháp? Thế nào là mượn danh Phật pháp, hữu danh vô thực?
Tu học Phật pháp mà không khai ngộ thì việc tu hành, học tập của chúng ta không phải là học Phật pháp mà là học tà pháp. Theo Hòa Thượng chỉ dạy một người khai ngộ, tâm nhất định phải thanh tịnh và thậm chí một khi đã khai ngộ rồi, họ cũng không cần ai ấn chứng. Nếu cần người ấn chứng là sai rồi.
Hòa Thượng nói: “Một người khai ngộ thì không cần ấn chứng. Chính mình sẽ biết được rõ ràng, tường tận, trong tâm nhất định không có tham sân si. Đây là khai ngộ. Nếu bạn vẫn tham sân si mạn, vẫn thị phi nhân ngã, vẫn phân biệt, chấp trước thì bạn vẫn là đang mê. Đây là tiêu chuẩn của người tu học Phật pháp. Thị phi nhân ngã không còn, tham sân si mạn không còn, tâm địa thanh tịnh, giữ gìn thanh tịnh bình đẳng, thấy sắc nghe tiếng, bạn có thể thể hội được cảnh giới này. Bạn nhìn một sự việc bạn sẽ thấy được rất sâu, thấy được rất xa. Khi bạn giác ngộ rồi, bạn tiếp xúc một sự việc, bạn sẽ tường tận đối với nó, bạn sẽ biết ứng phó đối với nó như thế nào!
“Thí dụ khi chúng ta tu Tịnh Độ thì gọi là nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn chính là thiền định. Nơi giáo hạ gọi là chỉ quán, chỉ quán cũng là thiền định. Tên gọi tuy khác nhau nhưng ý nghĩa tương đồng, trong Phật pháp gọi là con đường cùng đồng trở về.”
Trong khai ngộ, có rất nhiều tầng bậc, khai ngộ của Phật đạt ở mức cao nhất. Nếu chúng ta nhận biết đâu là tham sân si ngạo mạn và cắt bỏ được những tập khí này thì đó chính là khai ngộ. Chúng ta học Phật pháp là để lìa xa hoàn toàn mọi thứ “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần” ở thế gian. Chúng ta không nên hiểu lầm rằng nhất định phải mong cầu thì mới có và không mong cầu thì không có. Bản thân tôi ở đây từ rất lâu không có mong cầu điều gì mà hằng ngày luôn phải nghĩ đến việc cho đi. Rau, đậu, mướp, bí xanh, hiện tại ra đầy trái nên nếu không cho đi thì sẽ bị hỏng. Người bất tài vô dụng mới mong cầu còn người có tài, hữu dụng sẽ nỗ lực làm ra tài vật.
Hòa Thượng Hải Hiền là tấm gương về vấn đề này, Ngài không cần cầu mà vẫn có tài vật. Ngài có cũng không sử dụng mà để dành cho chúng sanh. Đời sống hằng ngày của người tu là áo đủ ấm, cơm đủ ăn, nhà có thể che được nắng mưa. Tu học Phật pháp có mấy người hướng đến mục tiêu này? Họ khởi tâm động niệm là tham sân si, thậm chí luôn tự cho mình hơn người, chẳng cần phải học ai.
Có một người gửi email cho tôi, mong tìm được đạo tràng Tịnh Độ để tu học, để cúng dường. Tôi thấy họ còn trẻ mà lời thỉnh cầu có đạo tâm nên đã theo số điện thoại mà gọi điện lại cho họ. Sau khi gọi điện, tôi mới biết rằng họ cũng đã thưa thỉnh ở nhiều nơi. Tuy nhiên, họ không biết quán chiếu rằng lời nói, việc làm, cuộc sống của những người nơi họ muốn đến nương tựa như thế nào? Khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật hằng ngày của những người đó có như lí như pháp không? Như lý như pháp là thân không “Sát Đạo Dâm”, ý không “Tham Sân Si”, miệng nói ra “không được nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, nói lời thêu dệt”. Những người nơi đó toàn nói lời hoa mỹ, lời thêu dệt, tán thán những thứ không thật.
Dần dần tôi thấu hiểu lời Phật dạy rằng chúng sanh hữu duyên sẽ được gặp Phật pháp. Bản thân tôi, trình độ và mối quan hệ không có mà chỉ bằng tâm chân thành. Sư bà Liễu Quán, 87 tuổi đã mời tôi đến dạy tiếng Hán cho những vị sắp đi du học ở Đài Loan. Tôi đã quyết định thử sức mình vì nếu có thể nỗ lực hơn cái mình có thì chắc chắn sẽ khơi dậy được chính mình. Tôi nhận lời thì Sư bà nói rằng không có tiền trả cho tôi. Nghe câu nói này, nếu không có tâm chân thành thì chắc tôi đã từ chối vì con tôi lúc đó không có tiền đóng học. Tôi nói với Sư bà là dù có tiền hay không tôi đều dạy như vậy.