30Thứ Hai, 31/03/2025, 15:03
28 · PHTT - Tràn Đầy Pháp Hỷ - 28

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 30/3/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 028: Tràn đầy pháp hỷ

Người chân thật học Phật mới tràn đầy niềm vui còn người thế gian lại tràn đầy phiền não. Pháp hỷ không phải là niềm vui thế gian do bên ngoài kích thích, mà là niềm vui lưu xuất trong nội tâm, giống như mạch nước ngầm trào lên từ lòng đất. Niềm vui phụ thuộc vào bên ngoài sẽ mau chóng mất đi nếu những thứ bên ngoài không còn. Lục Tổ Huệ Năng từng nói với Ngũ tổ rằng: “Trong tâm con thường sanh trí tuệ”. Người thường sanh trí tuệ sẽ luôn tràn đầy pháp hỷ.

Hòa Thượng nói: “Trong cuộc sống, trong công tác, trong đối nhân xử thế tiếp vật, chúng ta giác mà không mê thì chính là Phật pháp, không thứ nào không là Phật pháp. Như thế chúng ta mới chân thật khế nhập, nhờ đó mới được pháp hỷ tràn đầy.

Chúng ta đọc Kinh là để cho chúng ta nghe, không phải là để cho Phật nghe. Chúng ta nghe để làm gì? Nghe để nhắc nhở, cảnh giác chính mình rằng chúng ta phải giác mà không mê. Mỗi ngày đọc, mỗi ngày học là để phản tỉnh chính mình, thường ghi nhớ, không được quên đi.

Khi bạn chân thật khế nhập được Phật pháp rồi, bạn được pháp hỷ rồi thì sẽ có một hiện tượng mà bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng. Đó là bạn làm việc sẽ không hề biết mệt mỏi. Ngày trước làm một chút việc thì đã mệt, còn ngày nay làm được rất nhiều việc mà không hề mệt mỏi. Khi chúng ta làm mà không cưỡng cầu thì sẽ hoàn toàn khác, không giống với người khắc tâm cưỡng cầu. Người vô tâm tức tâm không dính mắc thì làm sao mà mệt! Nói rõ hơn là khi làm việc tâm địa vẫn thanh tịnh, không có chấp trước, không có khởi tâm động niệm. Vậy thì đây gọi là làm mà không làm, không làm mà làm.

Hòa Thượng dạy chúng ta đọc Kinh là để nhắc nhở bản thân giác mà không mê. Người xưa cũng từng nói: “Ba ngày không đọc sách thì diện mạo đã thay đổi”. Còn người ngày nay, sáng đọc chiều đã quên mất hoặc lúc đang ngồi học thì nhớ, sau khi ra khỏi lớp học thì lại quên. Bản thân tôi luôn trân trọng giờ học này, tôi quên hết cả thân tâm thế giới mà đặt chọn tâm mình vào buổi học, mọi việc đều gác qua một bên. Khi học xong tôi mới quay trở lại thực tại ê chề. Nhiều năm trước tâm cảnh tôi đều là như vậy.

Nếu chúng ta giác mà không mê thì nơi nơi chốn chốn đều là đang diễn Phật pháp, nghĩa là không có nơi nào là tự tự ích kỷ, không có được mất, hơn thua, lời lỗ, tốt xấu, phải quấy, tất cả đều đúng như lời giáo huấn của Phật.

Trong Bồ Tát đạo, các Ngài tu Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Tuệ. Đối với người, các Ngài áp dụng Lục Hòa, Tứ Nhiếp pháp nên nơi nơi chốn chốn đều là Phật pháp. Phật dạy Bồ Tát tu hành chính là bố thí, vậy nếu muốn đến quả vị Bồ Tát thì chúng ta cũng phải tu bố thí. Hằng ngày chúng ta đang cho đi, nhưng đều là có điều kiện. Làm như vậy là sai rồi, biết đến bao giờ chúng ta mới thành tựu được Bố thí Ba la mật.

Do đó, chúng ta hãy phản tỉnh theo lời dạy của Hòa Thượng rằng nơi nơi chốn chốn, đối nhân xử thế tiếp vật, làm việc, thảy đều là Phật pháp thì chúng ta mới có pháp hỷ sung mãn. Nếu không làm được như vậy, nơi nơi chốn chốn sẽ là phiền não bủa vây chúng ta. Vì sao? Vì mọi việc của chúng ta đều là được mất, thành bại, hơn thua, lời lỗ, tốt xấu. Đây là việc quan trọng chúng ta phải chú ý.

Tu hành một thời gian, chúng ta tưởng rằng mình đã có khả năng chuyển đổi, đã không còn những phiền não này, nhưng thật ra là vẫn còn. Một con chó con hay một con khỉ được chúng ta mặc áo, cắt tỉa lông và hóa trang cho chúng, sẽ không làm chúng thay đổi, bởi chúng vẫn là một con chó con, vẫn là một con khỉ. Tập khí xấu ác của chúng ta cũng như vậy sau mười mấy năm, 20 năm tu hành.

Chúng ta chỉ cần buông lỏng bản thân thì tập khí xấu ác liền quay trở lại vị trí cũ, như thế có nghĩa là chúng ta chưa thực sự điều phục, chưa khống chế được tập khí. Cũng vậy chỉ cần di chuyển viên đá đang đè trên cỏ thì cỏ dưới cục đá vẫn còn nguyên gốc, lớn rất nhanh.

Người xưa nói tập khí của bản thân thì đuổi cùng diệt tận, còn với người thì phải khoan dung ba phần. Từ lời dạy này, chúng ta không để bản thân mình rơi vào hoàn cảnh hay môi trường nào đó khiến tập khí có thể sanh khởi. Đồng thời phải luôn cảnh giác một điều là lúc ở môi trường này thì tập khí không sanh khởi nhưng ở môi trường khác thì chúng lại trỗi dậy. Vì không có sự phản tỉnh nên đây là chính là mấu chốt vì sao có rất nhiều người tu hành nhưng không thành tựu.