
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 29/03/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
BÀI 27
NẾU CON NGƯỜI KHÔNG CÓ THAM, SÂN, SI
Nếu con người không có tham, sân, si thì tất cả thiên tai nhân họa sẽ không xảy ra. Từ vô lượng kiếp con người đã có tập khí tham, sân, si. Chúng ta muốn loại trừ những tập khí này nhưng chúng ta không làm được nên chúng ta mãi khổ đau, nguyên nhân của khổ đau là do tham, sân, si. Chúng ta biết rất rõ tham, sân, si là nguồn gốc của mọi khổ đau nhưng chúng ta không thể đoạn trừ vì những tập khí này đã theo chúng ta từ vô lượng kiếp. Phật nói chúng ta là: “Kẻ đáng thương!”. “Kẻ đáng thương” không phải ai khác mà chính là chúng ta!
Hòa Thượng từng nói: “Người chân thật tu hành thì ngày ngày cảm thấy lời của Phật, của Cổ Thánh Tiên Hiền nói là để nhắc nhở chính mình, không phải để nhắc nhở người khác”. Trong khi giảng “Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú”, Hòa Thượng nói, trong đại giảng đường có vô lượng vô biên người niệm Phật vãng sanh nhưng mỗi người đều cảm thấy như Phật A Di Đà đang giảng pháp cho mình nghe, như là một Thầy đang dạy cho một trò. Nếu chúng ta được dạy theo phương pháp này thì chắc chắn chúng ta sẽ thành tựu. Trong đại giảng đường của thế giới Tây Phương Cực Lạc có vô số chúng Bồ Tát nhưng mỗi người đều cảm thấy như Phật A Di Đà đang giảng pháp cho chính mình, mỗi người đều được nghe pháp mà mình muốn nghe, cần nghe. Chúng Bồ Tát ở thế giới Tây Phương Cực Lạc nhanh được thành tựu quả vị vì mỗi người đều nghe được pháp mà mình ưa thích, pháp giúp đối trị tập khí, phiền não của chính mình. Thí dụ, người nào thích nghe “Kinh Kim Cang”, “Kinh A Di Đà”, “Kinh Hoa Nghiêm” thì được nghe Kinh đó. Ở bên Phật A Di Đà, mỗi người đều có cơ hội được thăng tiến rất nhanh, không bị đọa lạc.
Chúng ta dễ đọa lạc, khó có thành tựu vì khi chúng ta nghe pháp, chúng ta thường cảm thấy những lời này là để nhắc nhở người khác không phải nhắc nhở mình. Chúng ta học tập, nghe lời răn dạy của Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức là để đối trị với tập khí xấu ác của chính mình.
Trong các tập khí “tham, sân, si, mạn”, tập khí “tham” là đầu nguồn, dẫn khởi mọi tội lỗi. Chúng ta bị đọa lạc là do tập khí tham này. Nếu chúng ta tham thì chúng ta không thể về cõi Phật, cõi Trời hay thậm chí là cõi người. Tập khí tham đã dẫn đến thiên tai, bão lũ, chiến tranh trên thế giới.
Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Lăng Nghiêm” Phật nói, tâm tham là nước, tâm sân hận là lửa, ngu si là gió, tâm phẫn hận, bất bình là địa chấn. Bốn loại nước, lửa, gió, động đất đều là do tâm của con người chiêu cảm đến. Người ngày nay không tin những lời này, họ cho những lời này là mê tín”. “Tham” chiêu cảm đến nạn nước. “Sân hận” chiêu cảm đến nạn lửa. “Ngu si” chiêu cảm đến nạn gió.
Hòa Thượng nói: “Nếu như ở thế gian con người không có tâm tham thì nước sẽ kết thành băng, nước sẽ không tan chảy; con người không có tâm sân hận thì không có núi lửa, không có cháy rừng; nếu con người không ngu si thì sẽ không có bão. Nếu mỗi người đều tâm an, lý đắc thì trái đất sẽ không có động đất”. Ngày nay, các nhà khoa học dự báo, nhiệt độ trái đất tăng, băng vĩnh cửu đang dần tan chảy, nước biển dâng cao, các thành phố ven biển sẽ dần bị ngập. Ngày nay, hoàn cảnh sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, tâm con người đã dẫn đến sự ô nhiễm của hoàn cảnh. Gần đây, ở nước ngoài, một vụ cháy rừng đã khiến nhiều ngôi nhà của các diễn viên nổi tiếng Hollywood bị cháy.
Nếu mỗi người trong gia đình đều tâm an, lý đắc, bình lặng thì gia đình sẽ an. Nếu trong gia đình, có người tâm không bình lặng thì không khí trong gia đình sẽ bất an. Người xưa nói: “Nhường một bước thì trời cao, biển rộng”. Nếu các thành viên trong gia đình không nhường nhịn thì gia đình sẽ không hòa thuận. Nếu gia đình hòa thuận thì mọi việc đều tốt đẹp. Nếu tâm người trên trái đất bất hòa, bất an thì sẽ ảnh hưởng đến hoàn cảnh tự nhiên.
Phật nói: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”. “Chánh báo” là tâm người. “Y báo” là hoàn cảnh xung quanh. Người thế gian không biết rằng, chúng ta khởi một ý niệm thiện hay một ý niệm ác thì ý niệm đó liền châu biến pháp giới. Chúng ta cho rằng chúng ta “vô can” đối với hoàn cảnh mà không biết rằng hoàn cảnh xung quanh xấu ác là do chính chúng ta. Thí dụ, nếu mọi người vứt rác một cách tùy tiện thì cống sẽ tắc, nước sẽ ứ đọng trên đường, chỉ cần một người nhặt hết rác ở mặt cống thì nước sẽ được thoát. Hoàn cảnh không tự ô nhiễm mà đều do con người.