
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 28/03/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
BÀI 26
NIỀM VUI CHÂN THẬT CỦA CON NGƯỜI LÀ GÌ?
Nhiều người thế gian cho rằng có nhiều tiền tài, danh vọng thì sẽ vui. Nhiều người trong chúng ta đã được xem bộ phim “Người giàu cũng khóc”, niềm vui của “năm dục sáu trần”, không phải là niềm vui chân thật mà đó chỉ là niềm vui tạm thời. Người có trí tuệ thì sẽ không tìm niềm vui trong năm dục. Có những đứa trẻ được Bố Mẹ nâng niu, yêu chiều nên khi lớn lên, những đứa trẻ đó khiến Cha Mẹ đau khổ thậm chí giết hại Cha Mẹ của mình. Niềm vui ở thế gian là niềm vui tạm thời, sau niềm vui đó là khổ đau. Chúng ta đừng chìm đắm trong niềm vui của ngũ dục.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta không có trí tuệ của Phật Bồ Tát thì chúng ta mượn nhờ trí tuệ của Ngài”. Chúng ta nghe lời, làm theo, “y giáo phụng hành” lời dạy của Phật Bồ Tát thì chắc chắn chúng ta không phải khổ đau bởi “năm dục sáu trần”. Nếu chúng ta biết cách dụng tâm thì tiền tài, danh vọng là công cụ rất tốt để chúng ta làm lợi ích, phục vụ chúng sanh. Thí dụ, cùng là con dao, người đồ tể dùng dao để mổ bò, heo; nhưng những người ăn chay thì dùng con dao để thái rau củ.
Người thế gian nói: “Sắc không mê người mà là người tự mê sắc”. Tiền không mê người mà là người tự mê; “Danh vọng lợi dưỡng” không mê người mà là người tự mê. Có người sợ “danh vọng lợi dưỡng” như sợ bệnh truyền nhiễm, đây đều là do chúng ta tự nhiễm, “danh vọng lợi dưỡng” không thể tự nhiễm vào chúng ta. Chúng ta nhận ra điều này thì chúng ta mới có thể thoát khỏi sự ràng buộc của chúng. Thí dụ, chúng ta đặt một đống vàng hay một người “sắc nước hương trời” cạnh một người đã mất thì cũng sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Người thế gian tưởng rằng “danh vọng lợi dưỡng” là thật nên họ tìm mọi cách có được chúng nên họ bị chúng sai sử, trói buộc. Đây là họ tự trói mình. Chúng ta yêu thích, nghiện một thứ nào đó thì đây đều là chúng ta tự mình trói mình. Ví dụ, người nghiện uống cà-phê, nghiện hút thuốc nếu không được thỏa mãn thì họ sẽ cảm thấy rất khó chịu, họ đã bị chúng sai sử. Khi tôi ra Hà Nội, tôi thường pha cà-phê cho mọi người nhưng khi ở nhà, tôi gần như không bao giờ uống. Chúng ta bị những thứ bên ngoài sai sử là do chính chúng ta.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta không bao giờ có thể thỏa mãn được “năm dục sáu trần”. Người muốn thỏa mãn “năm dục sáu trần” giống như người đang khát mà uống nước biển, càng uống sẽ càng khát thậm chí có thể tử vong. Chúng ta không bao giờ có thể thỏa mãn được tập khí của mình. Có người ban đầu, một ngày chỉ hút một vài điếu thuốc nhưng dần dần, mỗi ngày họ hút ba bao thuốc, họ đã hoàn toàn bị thói quen này khống chế. Có người ban đầu, mỗi ngày uống một ly cà-phê, sau đó, mỗi ngày họ uống hai, ba ly cà-phê, nếu không được uống thì họ cảm thấy rất khó chịu, đây là họ bị thói quen làm cho bấn loạn, ngu muội. Người kiểm soát được tập khí, thói quen là người chân thật tỉnh táo, là người có niềm vui chân thật. Người chìm đắm trong “năm dục sáu trần” thì không thể có niềm vui chân thật. Thí dụ, có người sau khi có một chiếc siêu xe thì họ muốn có hai chiếc, có hàng trăm thậm chí hàng nghàn chiếc.
Chư Phật Bồ Tát đến thế gian để phục vụ chúng sanh, Bồ Tát Quán Thế Âm dùng thiên thủ, thiên nhãn để tiếp cận chúng sanh; Bồ Tát Địa Tạng phát nguyện: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật. Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề”. Hòa Thượng nói: “Phục vụ chúng sanh là niềm vui chân thật”. Chư Phật thành Phật không phải để an hưởng cảnh giới của Phật, các Ngài thành Phật để hoàn thiện năng lực, để phục vụ chúng sanh được một cách tốt nhất.
“Năm dục sáu trần” là năm căn gốc dẫn chúng ta vào Địa ngục. Phần lớn chúng ta cũng đã từng chìm đắm, mất rất nhiều thời gian, công sức cho “năm dục sáu trần”. Nếu chúng ta biết cách dụng tâm thì tiền tài, danh vọng là công cụ rất tốt để chúng ta làm lợi ích, phục vụ chúng sanh. “Năm dục sáu trần” như con dao hai lưỡi, rất sắc bén, nếu chúng ta không khéo dùng thì chúng ta sẽ bị đứt tay. Nhiều người tưởng rằng mình có đạo lực, công phu, có thể sai sử “năm dục sáu trần” nhưng sau cùng, họ vẫn bị “năm dục sáu trần” sai sử.