33Thứ Tư, 26/03/2025, 21:33
24 · PHTT - Phật Không Dùng Năng Lực Siêu Nhiên Để Độ Người - 24

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 26/3/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 024: Phật không dùng năng lực siêu nhiên để độ người

Năng lực siêu nhiên chính là năng lực của thần thông, thứ vốn có sẵn trong ta như lời Lục Tổ Huệ Năng từng nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ, nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. Tự tánh vốn sẵn đầy đủ, đây là lời của tổ sư mà cũng là lời của Thích Ca Mâu Ni Phật. Vì sao Phật Bồ Tát có đầy đủ năng lực này, còn chúng ta thì không? Vì chúng ta đang bị phiền não che lấp thứ vốn có bên trong.

Phật biết ngọn nguồn nên không dùng thần thông mà dùng đức hạnh để giáo hóa chúng sanh. Tại sao Phật không dùng thần thông? Vì Ma không tu đức, không có đức hạnh, không thể trải qua một đời sống nghiêm túc nên họ thích dùng thần thông, thích dùng năng lực siêu nhiên để chiêu dụ con người.

Rất nhiều người lại tin vào năng lực siêu nhiên, chính vì thế mà họ bị gạt cả tiền lẫn tình. Vì sao họ bị lừa? Vì họ thích ỷ lại, thích nương nhờ, thích việc siêu nhiên, bên cạnh đó họ chỉ chú trọng ở bề ngoài mà không tự mình nỗ lực tu tập. Bản thân chúng ta hằng ngày tu hành niệm Phật nghe pháp nhưng phiền não vọng tưởng, tập khí xấu ác của chúng ta vẫn lây rây mãi, rất khó để đối trị, vẫn đang trực chờ cơ hội để dấy khởi. Vậy nếu ai đó nói có thể giúp chúng ta đối trị được, thì việc này có đáng tin hay không?

Cho nên nếu không tự thân tu tập, không trải qua đời sống nghiêm túc, ít muốn biết đủ, không tạo một rào cản thì sẽ không thể khống chế được các tập khí của chúng ta. Năng lực siêu nhiên, thần thông là việc riêng của một ai đó nhưng chính những điều này không thể giúp ích được cho bản thân họ và cho chúng ta. Phật từng nói thần thông không liên quan đến nghiệp lực, một khi nghiệp lực đến thì không cách gì tránh được.

Mục Kiều Liên là đệ tử thần thông bậc nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni mà còn bị ngoại đạo lăn đá đè chết và bằm thân của Ngài. Ngày vua Tỳ Lưu Ly đem quân sang tàn sát dòng họ Thích, Phật Thích Ca bị đau đầu ba ngày. Trong đời quá khứ, vua Tỳ Lưu ly là con cá to và binh sĩ của vua là những con cá nhỏ. Phật lúc ấy là một cậu bé đã gõ lên đầu con cá lớn ba cái. Dòng họ Thích khi ấy là người dân trong làng, tát ao cá và bắt được cả cá to lẫn cá nhỏ để ăn.

Cho nên ai đó có thần thông, có năng lực siêu nhiên nhưng những điều đó chưa chắc đã giúp ích cho họ nên họ sẽ chẳng giúp ích được cho ai. Vậy thì, chúng ta không nên ỷ lại, nương nhờ. Mấy năm trước, nhiều người truyền tai nhau sự cảm ứng trong các buổi lễ tam thời. Yêu ma quỷ quái nhập lên nhưng họ lại cho là thần kỳ. Cuối cùng sự thần kỳ đó chẳng giúp ích được cho ai, phiền não vẫn phiền não, khổ đau vẫn khổ đau. Thậm chí người trực tiếp làm các buổi lễ vẫn phạm vào “Sát, Đạo, Dâm”.

Phật dạy chúng ta cần tu “Giới Định Tuệ”, diệt trừ “Tham Sân Si”. Đây là điều quan trọng. Nếu chúng ta trải qua những ngày tháng nghiêm túc và sống trong lời giáo huấn của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, chúng ta có thể bảo vệ được bản thân mình. Hòa Thượng nói: “Mình sẽ an ổn giữa những người bất ổn”. Người sống không đúng giới luật, không đúng chuẩn mực, không đúng pháp luật thì luôn bất an. Người ra đường đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm sẽ không an. Những người lừa đảo ngày nay thường đánh vào nỗi sợ của con người. Nếu chúng ta sống đúng luật pháp, sống đúng chuẩn mực thì sẽ không sợ hãi.

Nếu chúng ta không Tham, không Sân, không Si, chúng ta sẽ minh tường mọi sự mọi việc. Lúc ấy, không cần năng lực siêu nhiên nào tới giúp. Muốn học cấp hai thì phải học cấp 1, muốn học cấp một thì phải trải qua mầm non. Không thể nào mà tự nhiên bước vào đại học, chúng ta phải trải qua quá trình học tập dần dần. Một điều rất dễ hiểu như vậy nhưng nhiều người không chịu hiểu. Họ nghe theo người có năng lực siêu nhiên, co thể nói ra 10 điều đúng cả 10. Tuy nhiên xét cho kỹ thì những điều họ nói ra toàn là để thỏa mãn tham dục tham cầu, tư lợi cá nhân như “danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần”, thậm chí là thỏa mãn “tham sân si mạn”. Họ không nói những điều giúp làm tăng trưởng giới hạnh, đức hạnh của chúng ta. Đức hạnh thì phải do chính mình tu tập, nỗ lực dài lâu mới đạt được. Không thể có chuyện tự nhiên hóa thành một người có đức hạnh.