
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 24/3/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 022: Làm ra tấm gương tốt cho mọi người
Trên Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy chúng ta rằng: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, tức là chúng ta phải làm ra được tấm gương cho mọi người, làm ra được mô phạm để người khác nhìn vào mà bắt chước. Chư Phật làm ra tấm gương cho Bồ Tát, Bồ Tát làm ra tấm gương cho tất cả chúng sanh. Chúng ta là người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền, chúng ta cũng phải làm ra tấm gương cho những người đồng học. Từ đó, chúng sanh mới có chỗ nhìn vào để phản tỉnh.
Vì sao họ có thể phản tỉnh? Vì tự tánh của chúng sanh vốn thuần tịnh, thuận tịnh, chúng sanh vốn dĩ là Phật, đã là có sẵn như vậy, không phải tu mới có. Trên Kinh Đại Thừa cũng nói: “Khi đạt đến đạo Bồ Đề rồi thì chẳng có gì để đắc”. Đây là điểm khiến chúng ta có niềm tin rằng mọi chúng sanh đều có năng lực thành Phật, đều có năng lực để giác ngộ quay đầu. Nhà Phật có câu “Phật không xả bất cứ một ai”, nghĩa là đối với người chưa muốn quay đầu để được độ thì Phật sẽ chờ đợi, chứ không bỏ bất kỳ ai. Nếu như chúng sanh nơi nơi, trong mọi hoàn cảnh, đều thấy các tấm gương thì chắc chắn họ sẽ giác ngộ mà hồi đầu.
Tuy nhiên, đáng tiếc là chúng sanh ít được thấy các tấm gương tốt, tấm gương điển phạm, tác sư tác phạm. Chính vì thế mà một người biết sống trong tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ và cho đi lại được xem là một việc hiếm lạ hoặc bị người khác hiểu xấu đi. Con người đã quên mất rằng tinh thần giúp đỡ lẫn nhau này đã được truyền từ đời này sang đời khác, từ thời cha ông chúng ta cho đến nay. Vì họ coi là hiếm lạ nên họ cứ thắc mắc rằng nếu cho mãi như thế thì lấy gì mà cho, hoặc họ nghi ngờ chúng ta chia sẻ là để mưu cầu điều gì đó.
Trong hoàn cảnh như thế, nếu một năm họ chưa tin, chúng ta cần phải nỗ lực thực hành trong năm năm, trong 10 năm, 20 năm, thậm chí thực hành suốt cả cuộc đời này để con người có được niềm tin. Bản thân tôi đã thực hành việc cho đi gần cả 10 năm rồi, tôi không xin xỏ ai, tự bàn tay mình làm ra. Đi đến bất kỳ nơi đâu, tôi cũng có quà tặng. Chúng ta, ở tất cả mọi nơi, đều bỏ công sức của mình trong một tâm yêu thương thì nơi nơi chúng ta đều có thứ để cho tặng. Vì cuộc đời này có quá ít những tấm gương, cho nên, chúng ta phải làm ra tấm gương hy sinh phụng hiến, tấm gương làm lợi ích cho mọi người vô điều kiện.
Ở vị trí là người làm công tác giáo dục, chúng ta cũng phải làm ra tấm gương. Tuy nhiên, ngày nay người làm giáo dục luôn đặt vấn đề có thu nhập và lợi nhuận trong công việc của họ. Nhìn lại thời xưa, nghề thầy thuốc và thầy giáo là hai ngành nghề nghèo mà thanh cao, được người xưa tán thán nhất. Thầy giáo thời xưa lo cơm, lo áo cho học trò nếu học trò thiếu cơm, thiếu áo mà không nghĩ đến việc thu học phí. Thầy thuốc thời xưa là lương y như mẹ hiền, với một mục tiêu làm sao trị bệnh được cho người, giúp người vượt bệnh khổ. Ngược lại, ngày nay, đây lại là hai ngành nghề mang lại sự giàu có.
Lúc trẻ tôi đi học, đặc biệt là đi học tiếng Hoa, đã phải đóng rất nhiều tiền, nên sau này, tôi luôn nghĩ đến việc làm cách nào đó để đưa ra những bài học miễn phí đến với mọi người. Từ động lực đó tôi đã làm ra trang web Nhi đồng học Phật. Chư Phật làm tấm gương cho Bồ Tát. Bồ Tát làm ra tấm gương cho tất cả chúng sanh. Chúng ta là người học Phật, thì làm gương cho tất cả mọi người trong tất cả các ngành nghề, trong mọi hoàn cảnh đời sống.
Thầy Lý Bỉnh Nam, lúc đi làm, khi lấy một cái phong bì nhỏ cũng xin phép cấp trên. Ngài nói với cấp trên rằng vì Ngài là người học Phật nên khi lấy bất cứ thứ gì không phải của mình thì phải xin phép và nếu không xin phép thì trở thành người ăn trộm. Theo giới cấm của nhà Phật, không những không được tự tay lấy mà ngay đến ý niệm lấy cũng không được khởi. Ý niệm nghĩ tưởng đến việc lấy không xin phép đã là phạm lỗi. Trong chuẩn mực Thánh Hiền, Đệ Tử Quy dạy rằng: “Cầm vật rỗng như vật đầy; Vào phòng trống như có người”.
Do đó, người học Phật, người học chuẩn mực Thánh Hiền ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng làm ra tấm gương, tác sư tác phạm, để người ta nhận ra được rằng người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền thật khác so với những người khác. Chúng ta làm thầy cô giáo học Phật, thầy cô giáo học chuẩn mực Thánh Hiền cũng phải như vậy, mang tinh thần của Phật của Thánh Hiền vào trong công việc của mình. Mỗi người có niềm tin, tôn giáo riêng của mình, vậy thì, nếu là người học Phật, các thầy cô đem từ bi của Phật vào công việc dạy học và nếu là tín đồ Thiên Chúa giáo thì các thầy cô đem từ bi bác ái của Chúa vào trong công việc.