
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 23/3/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 021: Tất cả đều do tâm biến hiện ra
Trên Kinh Kim Cang Phật nói rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng; Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Không chỉ trên Kinh Kim Cang mà trên rất nhiều Kinh điển, Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp là để cho chúng sanh nhận ra rằng mọi sự, mọi việc đều là giả, là không thật, như là giấc mộng, sấm chớp hay bong bóng nước. Cho nên Hòa Thượng nói mọi việc đều do chính tâm chúng ta sinh ra.
Một người tinh tấn dũng mãnh không phải do trích thuốc kích thích mà là do tâm của họ muốn vậy. Chúng ta học Phật, làm theo lời Phật được phước, được khỏe mạnh và an vui là điều bình thường, là điều đương nhiên xảy ra. Tuy nhiên, ý nghĩa chân thật của việc học Phật là phải thấy được chân tướng vũ trụ nhân sanh, phải thấy được rằng mọi sự mọi việc đều diễn ra trong quy luật vô thường, “Sanh lão Bệnh Tử”, “Thành Trụ Hoại Không”. Nhân sanh là ta và tất cả mọi người, vũ trụ là hoàn cảnh xung quanh ta. Cho nên, một khi thấy được chân tướng thì chúng ta không vì những việc đang diễn ra mà khổ đau nữa.
Chúng ta hãy quán sát xem từ xưa đến giờ có gì là bền vững không? Ngay cả núi đá cũng có thể chết, có thể bị hoại, có thể mủn ra thành cát bụi. Thân thể của con người cũng rất mong manh, mong manh hơn cả đá, do tứ đại hợp thành, đều là không thật. Tuy vậy, ngày đêm, chúng ta đang chiều chuộng, dung dưỡng, cung phụng cho cái thân này. Kết quả là đến một ngày, mắt thì mờ, chân thì mỏi nhức, răng thì rụng rời, bao tử thì không thể tiếp nhận mọi thức ăn, thân thể không còn nghe theo chúng ta nữa. Cuối cùng, chính cái thân này cũng phải rơi vào quy luật “Sinh Lão Bệnh Tử”.
Lớn như vũ trụ cũng không nằm ngoài quy luật “Thành Trụ Hoại Không”, nhỏ như thân thể con người rồi cũng sẽ tan rã. Cho nên Phật mới nói những gì có tướng đều là hư vọng, là giả. Tuy vậy, buồn vui, thương ghét, giận hờn vẫn đang thường xuyên diễn ra rất thật trong mỗi con người. Đôi lúc, phản tỉnh một chút, chúng ta cũng thấy chúng là giả nhưng khi lâm trận, khi bản thân đang bị phiền não, chúng ta lại quên mất, lại chấp chúng là thật, do đó, chúng ta thường hành xử theo tập khí, không hề khống chế chúng.
Khi tỉnh ngộ, phản tỉnh, chúng ta lại hối hận, lúc này chúng ta đã làm sai khá nhiều rồi. Cứ thế chúng ta tiếp tục làm sai đến hết cuộc đời này và nhiều đời khác nữa, chất chồng lên nhau. Chúng ta liên tục hành động tạo tác một cách tùy tiện rồi phản tỉnh, phản tỉnh rồi lại hành động tạo tác một cách tùy tiện, cứ thế lây rây mãi. Chính vì vậy mà chúng ta mãi khổ đau, khổ đau đến cùng tận. Thế nên có bài hát nói rằng: “Người không có tình yêu không phải là con người, người không có khổ đau cũng không phải là con người”.
Nhận diện được như thế thì điều quan trọng là chúng ta biết kiểm soát khổ đau và biết đặt tình yêu của mình vào chỗ nào đúng đắn. Cảm xúc con người là tự nhiên nhưng phải biết kiểm soát. Người không cảm xúc là người gỗ đá, đã là người gỗ đá thì tu hành không thể thành tựu. Là người, thường sẽ có buồn vui, thương ghét, giận hờn nhưng nhất định phải kiểm soát chúng, phải nhìn thấu mọi sự mọi việc ở thế gian này không thật, chỉ là một vở kịch đang diễn ra. Một vở kịch trên sân khấu đều do đạo diễn yêu cầu các diễn viên hoàn thành vai diễn. Người xem kịch có thể đau khổ nhưng những diễn viên đâu có đau khổ như vai diễn của họ đâu.
Trước đây, tôi từng nghĩ rằng nếu đến một ngày tôi phải sống một mình, chắc tôi không thể chịu đựng nổi. Tuy nhiên, thời gian qua đi, những người thân yêu, chăm sóc mình lần lượt ra đi, đã cho tôi một bài học rằng mọi thứ chúng ta yêu thích muốn gìn giữ đều không bền vững, đều chỉ là tạm, là giả, “còn duyên thì hợp, hết duyên thì tan”. Do đó, chúng ta không nên cưỡng cầu, không thể có chuyện bằng mọi cách cứu sống người đã chết.
Có câu chuyện khi Phật còn tại thế kể về một nữ La Sát ngày ngày bắt trẻ con làm thức ăn, gây đau khổ cho những người khác. Tuy nhiên khi con của nữ La Sát này chết, cô ta đã đau khổ tột bực và tìm đến Phật ai cầu, nói rằng sẵn sàng làm mọi việc miễn là cứu được con mình. Phật nói hãy tìm cho Ngài một nắm tro trong nhà nào chưa từng có người chết, thì Ngài sẽ cứu được con của cô ta. Nữ La Sát đã đi mỏi mòn mà không thể tìm thấy. Lúc ấy Phật mới giảng đạo cho nữ La Sát nghe về định luật “Sinh Lão Bệnh Tử” hay định luật “Thành Trụ Hoại Không” của vũ trụ.