
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 19/3/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 017: Nhìn thấu mới là chân thật học Phật
Nếu có thể nhìn thấu suốt được mọi việc thì mới có thể làm được đến nơi đến chốn, nếu lờ mờ trước mọi sự mọi việc, nửa tin nửa ngờ thì không thể có được kết quả tốt đẹp. Chúng ta hãy tự quán chiếu bản thân mình sau nhiều năm học Phật, đã chân thật nhìn thấu mọi sự mọi việc hay vẫn đang trong trạng thái lờ mờ. Hòa Thượng nói người tu hành rốt ráo thì chỉ cần ba đến năm năm là có thành tựu. Thời gian tu của chúng ta đã nhiều hơn và chỉ thu hoạch được những điều nhỏ nhỏ là chuyển đổi được một số tập khí xấu ác. Phiền não vọng tưởng tuy có ít đi nhưng chúng vẫn luôn trực chờ để phát khởi.
Vậy nhìn thấu là thế nào? Hòa Thượng khẳng định: “Nhìn thấu là tường tận chân tướng của mọi sự mọi việc. Ngày ngày, ta nhìn thấu mọi sự mọi việc thì đó mới chân thật là người học Phật! Trước tiên, ta phải nhìn thấu được thế gian, nhìn thấu được thế giới này. Trên Kinh Kim Cang nói rõ ràng phàm cái gì có hình tướng thì đều là hư vọng. Thế gian này không phải là thật, chúng ta phải hiểu chân tướng sự thật này.
“Buông xả không phải là không làm gì cả! Đây là bảo bạn đừng dính mắc trên tâm, chứ không phải bảo bạn buông xả trên sự, trên vai trò, trách nhiệm. Sự việc càng làm được tinh tấn, dũng mãnh, viên mãn nhưng trong tâm như không hề có việc gì, không có một chút dính mắc, không có một chút tư lự, không hề có vọng tưởng, phiền não thì đó mới chân thật là buông xả! Không những thân tâm thế giới này phải buông xả mà quan trọng nhất là đem phân biệt, chấp trước, vọng tưởng của chính mình buông xả nốt thì bạn mới nhanh có được thành tựu. Tâm này của bạn mới chân thật đạt đến thanh tịnh.
“Phật dạy bảo chúng ta dùng trí tuệ để quán sát cảnh giới! Làm theo trí tuệ của mình thì mới có thể nhìn được thấu, buông được xuống. Tại vì sao hiện tại chúng ta không buông được xuống? Vì không nhìn được thấu! Bạn chân thật nhìn thấu mọi sự mọi việc rồi thì rất dễ dàng buông xả! Người không thể buông xả được đều là do chưa nhìn thấu! Người học Phật phải nhìn thấu chân tướng mọi sự mọi việc, nếu không được như vậy thì chúng ta chưa học Phật.”
Chúng ta hiện tại mới nhìn thấy trên tướng và nhìn sai đi sự thật rất nhiều. Có người đi qua đường ray tàu hỏa, hay đi ngang qua một ngôi nhà, mà họ lại nói là họ không nhìn thấy gì. Trạng thái như ngây như dại này là ma đưa đường, quỷ dẫn lối. Trạng thái này diễn ra rất nhanh, đôi khi chỉ là thoáng chốc, nhưng nếu xảy ra vào thời điểm chúng ta đang lái xe hay đang làm một việc gì đó, thì hậu quả sẽ khôn lường. Người có tâm định tĩnh thì rất ít khi rơi vào trạng thái này. Định tĩnh càng cao thì trạng thái này càng ít đi.
Biểu hiện của người không định tĩnh là lúc nào cũng bô lô ba la, về đến nhà là mở ngay ti vi để đó, hễ ở một mình là ôm chặt điện thoại không buông ra. Nếu còn trẻ đã như vậy thì khi càng có tuổi, lên làm bà, làm mẹ vợ, mẹ chồng, thì tâm càng không thể định tĩnh. Cho nên Hòa Thượng bảo nhìn thấu chân tướng sự thật, chính là nhìn thấu sự việc này, đừng để đến lúc chúng ta không còn khả năng định tĩnh thì sẽ buông trôi, luôn sống trong vọng động. Kết quả của vọng động là bất an.
Phật muốn chúng ta nhìn thấu để chúng ta nhìn mọi sự mọi việc nhẹ nhàng, không quá cố chấp, không quá đau thương, cuối cùng là buông được xuống. Nhìn thấu giúp chúng ta làm những việc cần làm, không dùng thời gian làm những việc không cần thiết, để rồi tăng thêm sự hối tiếc và khổ đau. Kiếp người từ lúc sinh ra cho đến lúc rời khỏi thế gian này triền miên với nhiều. Nếu có sự vui vẻ chỉ là ngắn ngủi tạm thời. Thậm chí, giới siêu giầu cũng có khổ đau được giấu kín phía sau những chiếc siêu xe. Ai cũng vậy, đều sẽ phải đưa tiễn rất nhiều người mà mình thương yêu và tôn kính. Cảnh đau thương đó luôn diễn ra trong suốt cuộc đời. Cho nên nhìn được thấu mới là chân thật học Phật.
Định luật “Sanh Lão Bệnh Tử” là chắc thật, không thể thay đổi được. Cái chết là bước đi cuối cùng của kiếp con người không ai có thể thay đổi được. Phật cũng không thể giúp được, Ngài có thể dùng thân tứ đại để đến với chúng sanh nhưng thân tứ đại ấy cũng đi theo dòng sinh tử. Chúng ta chưa nhìn thấu chân tướng sự thật nên mới khổ đau đến cùng tận.