29Thứ Tư, 19/03/2025, 12:08
16 · PHTT - Chúng Ta Phải Tin Tưởng Nhân Quả - 16

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 18/3/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 016: Chúng ta phải tin tưởng Nhân Quả

Sau một thời gian dài học Phật, đa phần hành giả cho rằng mình đã tin Phật, đã tin sâu Nhân-Quả nhưng thật ra, họ mới chỉ tin trên hình thức. Nếu tin sâu thì hành giả phải thật làm, tức là chỉ làm những gì phù hợp với Nhân-Quả còn những gì trái với Nhân-Quả, dù là nhỏ nhất, cũng không dám làm. Người dám làm nghĩa là người đó tin một cách hời hợt, qua loa, chưa biết sợ Nhân-Quả.

Cần phải lấy đây làm chỗ khích lệ, nhắc nhở bản thân. Mỗi lần khởi tâm động niệm là đã kết thành Nhân-Quả, do đó, nếu không kiểm soát khởi tâm động niệm thì sẽ cho kết quả rất đáng sợ. Ví dụ, nếu thấy một người ác mà khởi tâm rằng, người ác không nên sống trên đời làm gì, thì ý niệm này đã kết thành Nhân-Quả đáng sợ. Nếu người khởi lên ý niệm này có siêu năng lực, liếc mắt nhìn là chiếc xe buýt được nhấc bổng lên, thì chính khởi tâm đó sẽ làm người khác tổn hại đến mức nào?

Bài học hôm nay nhắc chúng ta hãy kiểm soát lại bản thân mình để biết mình đã thật sự tin sâu Nhân-Quả chưa? Đặc biệt là ngay khởi tâm động niệm cũng phải hết sức dè dặt, ngoài những niệm thiện, những niệm lợi ích chúng sanh, sẽ không dám khởi những niệm bất thiện hoặc những ý nghĩ tổn hại đến người khác. Một ngày từ sáng đến chiều, chúng ta khởi bao nhiêu ý niệm thiện, bao nhiêu ý niệm ác thì biết ngay chúng ta tin sâu Nhân-Quả đến đâu!

Hòa Thượng dạy chúng ta vẽ một vòng tròn một nửa bên phải ghi rõ 10 điều thiện: “Thân không Sát Đạo Dâm, Ý không Tham Sân Si, Miệng không nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, nói lời thêu dệt” và nửa bên trái ghi 10 điều ác. Chúng ta đặt một cây kim ở giữa như kim đồng hồ và quán sát xem một ngày chúng ta thiên về bên nào. Nhờ đó, sẽ nhận biết được hằng ngày, chúng ta đang tích công bồi đức, tu tập thiện pháp hay là đang tu tập ác pháp, phá hoại phước báu của chính mình. Phước báu mà bị phá thì đương nhiên công đức cũng không có.

Công đức là khi tâm chúng ta thanh tịnh, nếu tâm không thanh tịnh thì mọi việc tốt chúng ta làm chỉ có phước báu. Vua Lương Võ Đế từng hỏi Bồ Đề Đạt Ma rằng “Trẫm đã cất được mấy trăm ngôi chùa, độ mấy ngàn tăng chúng xuất gia tu hành, vậy thì có được bao nhiêu công đức?” Tổ Bồ Đề Đạt Ma trả lời rằng: “Chẳng có công đức chút nào!” Vì câu trả lời này mà Vua đã không hộ pháp cho Tổ Bồ Đề Đạt Ma mặc dù Ngài vừa từ Ấn Độ qua. Câu chuyện này cho thấy, chúng ta không được phép vì một sự việc nào đó mà nói sai sự thật.

Tuy nhiên, chúng sanh thời này lại “Thích nghe gạt chứ không thích nghe khuyên”. Giống như Vua Lương Võ Đế đã giận Tổ Bồ Đề Đạt Ma mà không hộ pháp cho Ngài khiến Ngài phải đi vào núi, quay mặt vào vách đá tọa thiền 9 năm để chờ nhân duyên gặp học trò truyền pháp. Rõ ràng Vua Lương Võ Đế có vô lượng vô biên phước báu nhưng công đức thì không có. Tâm phải thanh tịnh mới có công đức. Công đức mới có thể giúp chúng ta vượt thoát sanh tử. Cho dù có vô lượng phước báu thì phước báu đó chỉ để chúng ta hưởng thụ ở nhân gian, ở cõi trời Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới chứ không thể thoát khỏi luân hồi.

Chúng ta biết đến nhân quả nhưng vẫn đang xem thường và tùy tiện. Đặc biệt là thông qua công việc hằng ngày, đáng lẽ chúng ta có thể tạo ra nhiều phước báu, nhưng vì một chút tùy tiện, chểnh mảng mà lại tạo tội nghiệp, không mang lại lợi ích cho chúng sanh. Giả sử nếu tôi lên lớp không đúng giờ do thất trách, chểnh mảng thì hậu quả rất lớn. Nếu làm đúng, không chểnh mảng, không thất trách, chúng ta sẽ mang lại lợi ích cho chúng sanh, tạo ra nhiều phước báu. Nhân quả rất minh minh bạch bạch.

Có nhiều người vẫn còn loay hoay chưa biết cách nào để tu phước, tích phước, tiết phước còn chúng ta, ngay trong đời sống và công việc của mình, chỉ cần nỗ lực dụng tâm một chút, dẹp bớt đi sự lười biếng, chểnh mảng, nhếch nhác là đã có thể tạo được phước. Ví dụ chỉ cần phát tâm trợ giảng tại các lớp kỹ năng sống ở các tỉnh thành, các vườn rau, các lò đậu từ Nam chí Bắc là đã tạo ra phước báu. Cách đây 5-10 năm trước, chúng ta chưa có gì, nhưng hiện tại, chúng ta đang chân thành cho đi một cách vô điều kiện, cho tất cả mọi tầng lớp không phân biệt. Chúng ta hoan hỉ tặng, người ta hoan hỉ nhận, đôi bên đều hoan hỉ.