
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 17/3/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 015: Tích công bồi đức là việc quan trọng
Trong nhân gian hễ có được một việc gì đó hanh thông hoặc may mắn thì người ta liền cho rằng: “Người đó có phước! Ông bà nhà đó có phước!”. Quả thật, phước báu là chủ đạo, định đoạt cuộc sống đời này và đời vị lai của chúng ta. Bởi vậy, người nhân gian thường nói: “Người sống nhờ phước”. Tiền định nghĩa là phước báu trong vận mạnh sẽ định đoạt cuộc sống của chúng ta, chứ không phải là ông trời hay một vị Phật, vị Bồ Tát nào. Vậy tại sao chúng ta không ngày ngày tích cực tạo phước mà lại tạo ác?
Trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, Phật chỉ ra phương pháp để hành giả tu hành tu tích phước báu, lấy việc tu tích phước báu là việc trước tiên. Trong Kinh của Tịnh Độ có khẳng định rằng: “Đâu phải thiện căn phước đức, nhân duyên ít mà được sinh sang nước kia”, do đó tích công bồi đức là việc vô cùng quan trọng. Chúng ta không cần khắc ý, phan duyên mà chỉ cần ngày ngày y theo lời giáo huấn của Phật mà làm thì chính là đang tích công bồi đức.
Phước thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam phước, Phật dạy chúng ta việc làm đầu tiên để tích phước là hiếu thảo với cha mẹ. Trong Hiếu Kinh nói rằng một người sinh ra đời mà không được gặp Phật nhưng lại có thể hiếu thảo, phụng dưỡng, thờ cúng cha mẹ thì người đó nhất định được sanh về cõi lành. Như vậy, chưa cần phải tu tập gì mà chỉ cần hiếu dưỡng là đã được về đường lành.
Việc làm thứ hai để tu phước là phụng sự sư trưởng, có nghĩa là y giáo phụng hành chứ không phải ngày ngày dâng cơm nước, món ngon vật lạ hay đấm lưng bóp chân bóp tay mới là phụng dưỡng. Tuy vậy, đã là người học trò, người con có tâm hiếu, tâm kính thì vẫn phải biết làm, biết cách chăm sóc trưởng bối, sư trưởng.
Việc làm thứ ba là từ tâm bất sát, không tùy tiện sát hại chúng sanh. Chúng sanh không đáng phải chết, chúng chỉ đi tìm một chút thức ăn cho một bữa ăn hay con muỗi đến chỉ là chích một chút là đi ngay, chúng không có túi để cất chứa. Điều này hoàn toàn khác với con người bởi họ luôn để dành cho ngày mai, tháng sau, năm sau, thậm chí cho kiếp sau. Tích chứa nhiều quá đến kiếp sau chưa chắc được làm người mà phải làm một con mọt, con mối, con chuột để sử dụng những khoản tích chứa đó.
Tiếp theo là tu “Thập Thiện Nghiệp” chính là tích công bồi đức thiết thực nhất. Mọi việc làm thiện phải trên nền tảng của ba nghiệp thanh tịnh thì mới là tích công bồi đức. Nếu không trên ba nghiệp “thân khẩu ý” thanh tịnh, thân vẫn “sát đạo dâm”, miệng vẫn “nói dối, nói lỗi đôi chiều, nói lời hung dữ, nói lời thêu dệt” hay ý vẫn “tham sân si” thì việc thiện mình làm không phải là thiện, chẳng những không mang lại lợi ích mà còn phương hại đến chúng sanh.
Do đó, Phật vô cùng từ bi xây dựng cho chúng ta nền tảng vững chắc để chúng ta dần dần bước vào Thánh đạo. Phật không dạy chúng ta một cách hời hợt mà là cắm gốc chắc chắn. Còn Ma đạo sẽ dạy chúng ta không có nền tảng, làm chúng ta tăng trưởng “tham sân si”, tăng trưởng ảo danh ảo vọng, tăng thêm “tự tư tự lợi”, chìm đắm trong năm dục. Bất kỳ ai dạy người khác, giúp người khác thỏa mãn tập khí phiền não như thế cũng là để người đó thỏa mãn bá đồ cá nhân. Người học Phật một cách nghiêm túc mới nhận ra, còn người học hời hợt sẽ không nhận ra điều này.
Tích công bồi đức phải được xây dựng trên 10 thiện. Xa rời 10 thiện mà làm việc, mà đối nhân xử thế tiếp vật, mà hành động tạo tác thì không thể tích công bồi đức được, không phải là Thánh đạo mà là Ma đạo. Hòa Thượng từng dạy rằng ngày ngày, từng giây từng phút, người có thể an trú tâm mình trong Thập thiện mới là người chân thật học Phật. Rời xa Thập thiện để làm việc thiện thì bề ngoài hình thức là thiện nhưng bên trong tâm người đó không phải là chân thiện, mà là đang mưu cầu một bá đồ nào đó. Do đó, mọi việc làm của chúng ta phải được xây dựng trên ba nghiệp thuần thiện, thuần tịnh. Nếu không phản tỉnh việc này, chúng ta sẽ lạc vào tư duy cho rằng mình đang tích công bồi đức.
Khi chân thật tích công bồi đức thì trong mạng sẽ có phước báu và công đức. Phước báu giúp con người có đời sống hanh thông, như thể có sự an bài. Một lần, tôi đi công tác gần nửa tháng mới về, nên ở nhà không còn chút thức ăn nào, rau dại cũng không có, mỳ thì hết, gạo thì mốc, tôi khởi niệm là “Hôm nay mình không có gì ăn!” Trong lúc tôi đang loay hoay dọn dẹp thì có người trông rất lạ, không hề quen biết, đã mang một túi bí ngồi đến tặng cho tôi. Tôi rất ngạc nhiên vì sao người này lại biết tôi đang không có gì ăn! Tôi nghĩ hoài không ra, chắc chắn là có sự gia trì. Họ có thể không biết nhưng long thiên thiện thần biết, chúng sanh ở các tầng không gian khác đều biết. Trong thời gian tôi phiên dịch đĩa của Hòa Thượng, tôi rất cần một chiếc tai nghe thì em tôi mang đến cho tôi một chiếc. Tuy chiếc tai nghe không đắt tiền nhưng đã giúp tôi thu âm rất nhiều bài giảng của Hòa Thượng. Rõ ràng là long thiên thiện thần biết chuyện, biết nhu cầu của chúng ta đang vì lợi ích chúng sanh.