34Thứ Hai, 17/03/2025, 13:05
14 · PHTT - Lòng Người Ô Nhiễm Hơn Hoàn Cảnh - 14

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 16/3/2025.

****************************

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Bài 014: Lòng người ô nhiễm hơn hoàn cảnh

Sự gia tăng của “Tham Sân Si” trong lòng người đã khiến hoàn cảnh sống của con người càng lúc càng nghiêm trọng hơn. Nhiều quốc gia trên thế giới đang kêu gọi bảo vệ môi trường, tuy vậy, ô nhiễm môi trường sinh thái vẫn đang diễn ra nghiêm trọng. Hòa Thượng nói rằng ngày xưa khi có đàn chim bay qua thì che rợp cả một vùng, nếu tùy tiện, lấy một cành cây ném lên thì có vài con rớt xuống. Ngày nay, không còn như vậy. Dần dần con người sống trong không khí, nguồn nước, đất đai ô nhiễm.

Con người tưởng chừng sự ô nhiễm đó là do hoàn cảnh mang lại nhưng thật ra nguyên nhân ô nhiễm là do “Tham Sân Si” của chính họ, có thể khẳng định lòng người đang ô nhiễm một cách nghiêm trọng hơn rất nhiều so với sự ô nhiễm của hoàn cảnh. Chính con người đã hại chết chính mình. Thực vật, rau xanh được sinh trưởng không theo tự nhiên, đều có sự tác động của con người. Nếu ăn những thức ăn như vậy, con người làm sao khỏe được! Động vật cũng vậy, thức ăn cho cá khiến những con cá bị biến đổi gen.

Nếu con người hiểu được tác hại của sự biến đổi trong hoàn cảnh môi trường và sự thay đổi của trật tự tự nhiên thì họ sẽ hết sức cẩn trọng. Con người đừng tưởng rằng mình vô can với chính mình khi gây nên sự biến đổi của tự nhiên. Một ví dụ về sự can thiệp này chính là trào lưu chỉnh sửa nhan sắc. Theo Hòa Thượng, đây là hành động làm thay đổi môi trường, phá hoại hoàn cảnh, sinh thái tự nhiên của con người. Hệ quả của việc này, chính con người phải nhận lấy.

Con người tự tạo nên môi trường khác biệt thì con người phải sống trong môi trường khác biệt, chính mình hại chết chính mình. Đất đai ngày nay đang bị hoang hóa do sự phun xịt thuốc diệt cỏ quá nhiều, thậm chí đến cây con, mới chỉ vương hơi thuốc cũng bị chết hết. Ai đã làm ra? Ai đã tạo nên một môi trường, một hoàn cảnh ngày càng ác liệt hơn như thế này? Chính là lòng người.

Các chương trình quảng cáo cổ súy việc sử dụng máy rô bốt hút bụi thay vì dùng chổi quét nhà đã cho thấy một đại họa trong viễn cảnh ở tương lai. Ở bề ngoài, đời sống của thế hệ sau, dựa vào khoa học kỹ thuật, dường như sung sướng hơn. Song mặt trái của việc này, là giả sử khi trục trặc xảy ra, máy móc có sự cố, khiến mọi thứ tắc nghẽn thì họ sẽ không làm gì cả, không biết lao động, không biết cầm cây chổi ra sao, không biết quét nhà như thế nào?

Trong khi đó, Hòa Thượng dạy chúng ta là con người thân phải động, tâm phải tịnh. Chúng ta quan sát trục bánh xe quay rất nhanh nhưng tâm của trục thì đứng im. Thân lao động, làm việc, vận động để các bộ phận cơ quan được chuyển động, giúp máu huyết tuần hoàn. Tuy nhiên, ngày nay, dần dần thân thể con người không động mà tâm lại động loạn, động đến mức không thể kiểm soát được.

Hòa Thượng nói rằng: “Người ta nói hoàn cảnh, môi trường ngày nay ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng thật ra, ô nhiễm của lòng người còn nghiêm trọng hơn rất nhiều lần. Chúng ta đi đâu, đến đâu cũng thấy lòng người hết sức ô nhiễm.” Chúng ta có thể chiêm nghiệm lời chỉ dạy này của Hòa Thượng thông qua việc quán sát tâm mình. Liệu một ngày chúng ta giữ được tâm “định”, giữ được tâm “tịnh” được bao nhiêu giây hay là chúng ta luôn chìm trong loạn động? Có thể nói chúng ta chìm trong loạn động đến toàn phần.

Thứ làm chúng ta ô nhiễm là 16 tên giặc “tham sân si mạn”, “năm dục sáu trần”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”. Cho nên, nếu chúng ta quán sát thấy mình còn đầy đủ những tên giặc này thì tự biết mình vẫn là một phàm phu tầm thường, từ đó cần phải phản tỉnh, cần phải nỗ lực.

Sự ô nhiễm còn thể hiện ở việc hễ khởi tâm động niệm là chúng ta nghĩ đến chính mình, đều là vì mình. Qua đây mới thấy chúng ta là một phàm phu tội lỗi. Còn Hòa Thượng, Ngài cũng là một phàm phu nhưng là phàm phu tiêu chuẩn, giống như trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã đề cập. Ngài có thể khống chế được tập khí phiền não của bản thân nên vượt qua sự tầm thường của phàm phu. Là phàm phu tiêu chuẩn nghĩa là đã rất gần để bước sang vị trí Thánh Hiền hay Bồ Tát.

Con người không dừng lại ở nhu cầu thiết yếu như cơm đủ ăn, áo đủ mặc, có ngôi nhà để tránh mưa, tránh nắng. Họ không dừng lại ở chỗ “cần có” mà đang vươn dài nhu cầu của mình thành cái “nên có, phải có, đáng được có, đáng nên có”. Lúc ban đầu, người ta chỉ cần “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” nhưng khi đạt được lều tranh thì hai trái tim đã bắt đầu thay đổi theo một hướng khác. Vậy thì chúng ta thấy ô nhiễm là từ nơi con người.