Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 16/06/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 106: Thế nào mới gọi là thật tin?
Đa số những người đến với Phật, quy y Phật cho rằng mình đã tin Phật, tuy nhiên, họ chưa hiểu rằng thật tin thì phải thật làm, là phải chân thật y giáo phụng hành, ngày ngày thay đổi chính mình. Những người đến với Phật một mặt tin rằng có Phật, mặt khác cũng cho rằng Phật sẽ ban phước, sẽ gia trì bảo hộ. Vậy ý niệm Phật ban phước, gia trì bảo hộ là mê tín. Đa phần người học Phật bị rơi vào trạng thái mê tín này.
Nếu đa phần rơi vào mê tín thì lợi ích chân thật không có. Do đó, nhiều người học Phật đã bỏ Phật để tin theo tà ma, quỷ quái. Ma có thể hiển lộ thần thông, có thể làm những việc tưởng chừng rất lợi ích ngay trước mắt nên những người này tin tưởng mà chạy theo. Cho nên chúng ta phải quán sát lại xem mình đã thật tin chưa hay mình đang nửa tin nửa ngờ. Nửa tin nửa ngờ sẽ không giúp chúng ta có kết quả mĩ mãn, sẽ khiến chúng ta dao động trước những yêu thuật.
Gần đây tôi nghe có người nói rằng một vị tu hành có thần thông đã giúp một người bị đụng xe nằm bất động bằng cách đọc lầm rầm câu gì đó. Ngay sau đó, người bị đụng xe đứng dậy đi lại bình thường. Việc làm này khiến có người tin rằng người tu hành kia đã chứng đạo. Đây thật ra là trò vụn vặt chứ không phải là cái gì lớn lao! Tuy vậy, trò tiểu xảo đó vẫn có thể gạt được những người tin Phật, học Phật đã 10 năm rồi. Điều này khiến chúng ta đặt câu hỏi là suốt thời gian học Phật 10 năm, họ đã tin vào cái gì?
Những ngày qua chúng ta tổ chức trại hè, các con tham dự trại hè chuyển đổi chỉ trong một ngày từ sáng đến chiều. Sự chuyển đổi đó được các phụ huynh cho rằng là một điều kỳ diệu. Họ không biết rằng phía đằng sau đó là một tập thể trên dưới một lòng, làm việc với sự hy sinh phụng hiến, mang tâm chân thành yêu thương để đối đãi với các con. Đôi khi trong cuộc sống, họ chưa gặp được sự thương yêu chân thành, kể cả cha mẹ yêu thương con cũng yêu thương mù quáng chứ không phải là tình yêu chân thật, cho nên con trẻ không cảm động mà nhiều trẻ còn khởi tâm thù ghét. Nếu trẻ cảm nhận được tình yêu chân thật của cha mẹ thì khi cha mẹ sai bảo bất kỳ điều gì như ăn, mặc v..v… trẻ sẽ nghe lời, nhưng nhiều trẻ lại rất khó chịu. Do đó, thầy cô đến với trẻ bằng tình yêu chân thật, vô vụ lợi, không có điều kiện nên có thể chuyển đổi được trẻ.
Phụ huynh cho rằng trại hè đã tạo nên sự kỳ diệu nhưng thật ra có gì là kỳ diệu đâu. Tôi từng nói rằng thật làm thì sẽ có kết quả chân thật. Không thật làm mà muốn tìm được kết quả chân thật thì đó chỉ là mê tín! Trại hè ở Yên Bái hôm qua, đang lúc bế mạc thì có một trận cuồng phong nổi lên tốc hết mái bạt. Các thầy cô và các tình nguyện viên đã buộc lại nhanh chóng để buổi tri ân được tiếp tục diễn ra. Hành động đó, chắc chắn sẽ khiến người dân, các con và thầy cô ở địa phương ghi nhận vì đây là việc làm từ sự chân tình.
Chúng ta học Phật là để tiếp nhận giáo huấn của Phật và thực tiễn giáo huấn đó vào khởi tâm động niệm, hành động tạo tác đối nhân xử thế tiếp vật của mình chứ không phải học Phật để nương nhờ, ỷ lại. Trong bài học, Hòa Thượng kể rằng khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế chỉ có một phần ba số người trong thành Ca Tỳ La Vệ được nghe Phật giảng Kinh nói pháp, một phần ba số người được nghe nói rằng có Phật và một phần ba còn lại chưa từng được nghe chút thông tin về việc Phật xuất hiện trên thế gian. Chúng ta thường cho rằng người nhìn thấy Phật, nghe Phật nói qua Kinh pháp vài lần là người có duyên. Nhưng Hòa Thượng cho rằng không phải như vậy, người có duyên phải là người có thể tin, có thể hiểu, có thể làm và có thể chứng thực.
Người xưa nói rất rõ rằng: “Chí thành cảm thông” – tâm chí thành dâng cao thì trên cảm thông với Phật Bồ Tát và dưới cảm thông đến các chúng sanh ở các tầng không gian. Cho nên ở giữa biển trời mênh mông này để gặp được Phật pháp chân thật, nghe được Hòa Thượng giảng pháp hay gặp được Văn hóa Truyền thống, chuẩn mực Thánh Hiền thì chỉ cần có tâm chân thành.
Hòa Thượng nói: “Hiện tại người tin Phật rất nhiều nhưng người có thể lý giải được giáo huấn của Phật thì không nhiều. Người có thể y giáo phụng hành, nghe lời làm theo lại còn ít hơn nữa. Nếu ta đem từng tầng, từng tầng mà đào thải thì sau cùng cũng chẳng còn được mấy người. Cho nên chúng ta nỗ lực mà phản tỉnh. Trong bốn giai đoạn Tín Giải Hành Chứng, chúng ta hãy quán sát xem mình đang ở giai đoạn nào?” Trước tiên là tin, sau đó là hiểu chưa? Tiếp tới là thật làm không? Và cuối cùng là chân thật có thể hội, có thành tựu không? Tin có ba giai đoạn gồm Mê tín, Chánh tín và Chân tín. Tin mà nửa tin nửa ngờ là Mê tín. Tin rồi, hiểu rồi mà chưa làm chưa được, làm mãi chưa giống là Chánh tín. Chân tín là chân thật làm theo giáo huấn của Phật, ngày ngày sửa đổi tập khí xấu ác của mình.
Hòa Thượng tiếp lời: “Thông thường người tin Phật đại khái là mê tín. Tại sao lại mê tín? Vì bán tín bán nghi nên gọi là mê tín! Nếu bạn nửa tin nửa ngờ thì không thể nói rằng bạn không tin. Bạn có tin đấy nhưng bạn chưa thật tin! Cho nên phần nhiều người bước vào cửa Phật đều do mê tín mà đến! Vì sao chúng ta đến với Phật mà lại gọi là mê tín? Vì chúng ta hoàn toàn không biết Phật dạy chúng ta điều gì! Chúng ta không nhận rõ được, mơ mơ, hồ hồ về những gì nên làm và những gì không nên làm. Ban đầu đến với Phật không hề biết gì về Phật, nhưng rồi liền tin. Người ta bảo quy y Phật thì quy y Phật, bảo thọ giới thì thọ giới nhưng thọ giới lại không giữ giới.”
Có những người nói mình tin Phật mà không thật làm. Ví dụ như Phật dạy bố thí tiền tài thì nhất định có tiền tài nhưng những người này tuy là có bố thí, song vẫn để dành lại vì sợ đói, sợ ngày mai không có gì ăn. Làm như vậy là chưa tin vào lời Phật dạy. Hòa Thượng khẳng định rằng phần nhiều người bước vào cửa Phật đều do mê tín mà đến, do đó, chúng ta phải hiệu đính lại niềm tin của mình. Có thể ban đầu chúng ta mê tín nhưng thông qua học tập, thông qua sự giảng dạy của Hòa Thượng, thông qua tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền, chúng ta dần dần nhận ra được thế nào là mê tín, thế nào là chánh tín và thế nào là chân tín!
Có một cô đến ngồi ở hiệu sách nơi tôi làm việc, khuôn mặt cô buồn thiu. Hỏi ra mới biết rằng cô đã quy y cửa Phật được 30 năm nhưng cô chưa từng đọc lại nội dung trong tấm điệp quy y. Trên đó, ghi là “Đệ tử quy y Phật không quy y theo tà thần, quỷ vật. Người quy y Phật phải thọ trì, gìn giữ năm giới. Quy y Phật. Quy y Pháp. Quy y Tăng. Phật là giác mà không mê, pháp là chánh mà không tà, tăng là tịnh mà không nhiễm. Ngoài Giác, Chánh, Tịnh, người quy y Phật phải không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.” Cô ấy có quy y nhưng chưa từng đọc yêu cầu trên điệp quy y và chưa từng làm theo nên cô vẫn buồn phiền và khổ đau.
Có những người đến với cửa Phật, được người ta khuyên là hãy quy y thì liền quy y, hãy thọ giới thì liền thọ giới, nhưng phần nhiều lại không làm theo lời dạy. Bản thân tôi cũng vậy. Năm 12 tuổi tôi đã ngày ngày đến chùa tụng Kinh, nhưng không biết gì về lời Phật dạy. Dần dần niềm tin đó bị phôi phai, gần như không còn tin nữa, rồi phạm phải sai lầm. Cho đến khi gặp được pháp của Hòa Thượng, qua bài giảng của Ngài, tôi mới nhận ra, mới tỉnh ngộ, mới nhìn lại tập khí xấu ác của chính mình để tìm cách đối trị.
Hòa Thượng nói: “Đối với Phật không hề biết một tý gì thì liền đến với Phật rồi! Cho nên chúng ta đã tin Phật, đã đến với Phật thì yêu cầu phải hiểu, phải nhận biết rõ giáo huấn của Phật đã dạy. Sau khi nhận biết rõ thì phải thật làm. Sau khi thật làm thì sẽ có kết quả. Thật làm thì mới gọi chân tín, chánh tín. Không thật làm thì làm sao gọi là chân tín, chánh tín! Đó mới không là mê tín! Còn không được như vậy thì bạn vẫn là mê tín. Khi bạn thật tin rồi, bạn sẽ cung kính đối Phật Bồ Tát, cung kính đối với Kinh điển, bạn sẽ hoan hỷ học tập.”
Chúng ta hãy xem lại mình để thấy chúng ta có ưa thích, vui vẻ khi học tập không hay do có người thường nhắc nhở, hoặc do sĩ diện mới lên lớp học. Thực ra, con người ngày nay có một chút ràng buộc cũng tốt vì họ thường thích lười biếng, chểnh mảng, giải đãi và khó đạt được sự chuyên cần, tinh tấn, siêng năng.
Hòa Thượng nói: “Ngày ngày phải có thể phản tỉnh, phải có thể sửa đổi thì mới là người học Phật. Nếu không phản tỉnh, không sửa đổi mà chỉ tin thôi thì chắc chắn không được lợi ích gì! Giữa mê tín, chánh tín và chân tín, chúng ta phải đạt được chân tín. Chân tín là gì? Là y giáo phụng hành, nghe lời dạy mà làm theo để ngày ngày phản tỉnh, ngày ngày sửa đổi. Quan trọng hơn nữa là phải buông bỏ thân tâm thế giới này, phải chân thật ngưỡng vọng đến thế giới Tây phương Cực Lạc, hy vọng một ngày sớm nhất chúng ta thấy được Phật A Di Đà. Bạn đạt được tâm nguyện này thì mới là thật tin, là chân tín.”
Hòa Thượng khẳng định nhiều người học Phật nhưng không lý giải được lời giáo huấn của Phật. Lời chỉ dạy này mang lại nhiều cảm khái. Ngài cũng từng nói rằng: “Ngày nay người giảng Kinh nói pháp quá ít”, càng ở vùng sâu vùng xa lại càng ít hơn nữa. Ở những vùng này, con người rất hiền lương, chất phác, tính tình rất gần với bổn thiện của họ, không có ý niệm lợi dụng ai. Trẻ nhỏ ra đường gặp người lớn lúc nào cũng cúi đầu chào hỏi. Nếu con trẻ được dạy bảo, chắc chắn chúng sẽ trở thành người tốt, người thiện lành. Còn các con ở những vùng khác khi tham dự trại hè, trong không gian hội trường, chúng còn chào lễ phép nhưng ngoài không gian hội trường, chúng nhìn thấy người lớn mà như không thấy, không biết chào hỏi. Sự lễ phép, cung kính chưa dưỡng thành tập tánh tự nhiên trong con trẻ.
Nguyên nhân là do chưa có người dạy, nếu có người dạy, chúng sẽ ngoan. Ở thành thị, con trẻ chúng ta chịu quá nhiều sự ô nhiễm. Thứ đang ngấm vào chúng là sự vô lễ và ngạo mạn. Con trẻ nơi vùng sâu vùng xa không ngạo mạn. Chúng chẳng có gì để ngạo mạn. Áo quần, giày dép còn thiếu thốn, đời sống, cơm cháo còn không đủ! Sự ngạo mạn lại xuất hiện trong những em ở những gia đình ăn uống đủ đầy, áo quần giày dép dư dả, do đó mà chúng xem thường tất cả, trong mắt chúng không có ai. Trong số này có những đứa con có cha mẹ là người học Phật, lúc này có lẽ nước mắt không chảy từ trong khóe mắt mà từ trên tóc đổ xuống.
Trại hè của chúng ta tổ chức đồng loạt ở ba nơi Yên Bái, Hòa Phú-Đà Nẵng và Bắc Ninh đều có kết quả tốt đẹp mỹ mãn. Riêng ở Yên Bái, học sinh là 700 người, phụ huynh cũng gần 700 người, khiến trại hè nơi đây như một lễ hội của cả một vùng. Nơi đâu chúng ta cũng làm với tâm chân thật, tâm hy sinh phụng hiến, luôn nghĩ đến điều tốt đẹp nhất cho người chứ không vì lợi ích cá nhân mà làm. Với tâm thái vô tư vô cầu, hy sinh phụng hiến như thế, cho nên khi công việc chưa được triển khai, chúng ta đã biết chắc kết quả sẽ như thế nào! Kết quả sẽ mỹ mãn! Mọi khâu tổ chức đều được chúng ta chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng tốn kém chứ không phải sợ tốn kém, sẵn sàng vì các con và những người đến tham dự. Tại Yên Bái, màn hình led được dựng lên rất hoành tráng, gây ấn tượng cho các con và các phụ huynh. Ngoài ra, chúng ta còn tặng 20 chiếc xe đạp cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Đó là sự chuẩn bị tốt nhất cho các con. Cho nên chúng ta phải quán sát xem mình đang thật làm hay mình vẫn có mưu đồ tính toán? Có phải chúng ta thật làm cho người thì ít mà thật làm cho mình thì nhiều? Hành động như thế là tư lợi, không phải là thật làm.
Hòa Thượng dạy chúng ta chân tín là nghe lời làm theo để ngày ngày phản tỉnh, ngày ngày sửa đổi và còn phải buông bỏ thân tâm thế giới này, ngưỡng vọng đến thế giới Tây phương Cực Lạc, hy vọng một ngày sớm nhất thấy Phật A Di Đà. Tâm nguyện này thì mới là thật tin, là chân tín. Từ lời dạy đó của Hòa Thượng, chúng ta hiểu rằng mình làm mọi sự mọi việc là do từ bi mà xuất phương tiện chứ không phải làm mọi việc để dính mắc vào đó, không phải làm nhiều việc để rồi cảm thấy mình là người có công. Tuy nhiên, chúng ta còn rất xa so với tiêu chuẩn về chân tín mà Hòa Thượng nói. Mặc dù vậy, chúng ta đã biết hướng đi này nên nhất định phải đi cho bằng được, không thể xem thường.
Một người đã có thể buông bỏ thân tâm thế giới này thì những việc họ làm, những việc họ nghĩ đều chân thật hy sinh phụng hiến. Nếu không buông bỏ được thì những việc làm và suy nghĩ của họ chỉ là ảo danh ảo vọng, tự tư tự lợi, chỉ là xây đắp cho bá đồ tham cầu của họ mà thôi. Ở thế gian, không có gì là thật nên không cần chấp trước. Hòa Thượng thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần lời Phật dạy trên Kinh Kim Cang: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Đừng để đến khi nhận ra sự hư vọng thì quá muộn, không còn đủ thời gian để chạy nước rút, làm lại tự đầu.
Bài học này khiến chúng ta phải xét kỹ lại ba giai đoạn của niềm tin gồm ban đầu là Mê tín, bước đến là Chánh Tín và sau cùng là Chân Tín. Từ Mê tín bước sang Chánh Tín là cả quá trình dài. Chúng ta hiện đang nhập nhằng giữa mê và chánh, thiên nhiều về mê hơn là chánh. Hòa Thượng nói rằng: “99% chúng ta có nguy cơ rơi vào tà kiến!” cho nên chúng ta phải biết giữ mình, “bạn lành nương cậy, thầy tà tránh xa”. Bạn lành là những người luôn luôn có tinh thần tiến thủ, hướng đến sự tốt đẹp, ngày ngày đều đang nỗ lực khắc phục, thay cũ làm mới. Những người không chịu thay mới, chỉ bám vào cái cũ là người chấp trước, không phải là bạn lành.
Đệ Tử Quy dạy chúng ta rằng: “Gần người hiền, tốt vô hạn. Đức tiến dần, lỗi ngày giảm.” Khi gần người hiền, chúng ta nhất định sẽ học theo việc làm của họ, nhờ đó, đức hạnh của ta ngày một tiến lên và lỗi ngày một giảm đi. Cho nên chúng ta phải biết bảo hộ chính mình, tức là chúng ta ngày ngày tiếp cận những người tinh tấn, siêng năng, nỗ lực thay đổi, làm mới mình và tránh xa những người lười biếng, chểnh mảng, nhếch nhác. Có như vậy, chúng ta mới có sự tiến bộ!
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!