/ 6
10

NHẬN THỨC PHẬT GIÁO

(Giáo dục hạnh phúc mỹ mãn)

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Thành phố Brisbane-Úc

Thời gian: Ngày 09/01/1996

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

Tập 4


Chư vị đồng tu, xin chào mọi người! Hôm qua đã giới thiệu đến nhập môn Phật pháp, khoa mục thứ nhất là Tam phước được nói trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, ba điều này vô cùng quan trọng. Bất luận là tu học theo một tông phái nào, một pháp môn nào cũng không thể thiếu được. Đúng như những gì Phật đã nói trong kinh: “Chánh nhân tịnh nghiệp của ba đời chư Phật”, câu này đã nói được rất rõ ràng. Ba đời là chỉ quá khứ, hiện tại, vị lai, pháp môn tu hành thành Phật rất nhiều nhưng đều phải xây dựng trên nền tảng này.

Có được cái nền tảng này rồi, nhưng nhất định phải biết hiện nay chúng ta vẫn chưa thành Phật, vẫn chưa rời khỏi thế giới này. Thật ra mà nói, dẫu cho thành Phật rồi vẫn không thể tách rời chúng sanh, Phật phải phổ độ chúng sanh, làm sao có thể xa rời chúng sanh cho được! Nếu như muốn chung sống với chúng sanh, vậy làm sao mới có thể ở được tốt, chung sống hòa thuận? Phật đã chế định cho chúng ta sáu điều giới. Thật ra mà nói thì sáu điều giới này không chỉ dùng trong đoàn thể Phật giáo, mà nó còn dùng phổ biến rộng rãi trong tất cả đoàn thể. Trong nhà Phật nói về “chúng”, bạn xem khi chúng ta quy y Tam bảo có câu “quy y Tăng chúng trung tôn”. Ý nghĩa của “chúng” này chính là ngày nay chúng ta gọi là xã đoàn, đoàn thể, khi mọi người cùng nhau tụ hội lại thì đây gọi là chúng.

Tất cả đoàn thể lớn nhỏ của thế gian hay xuất thế gian, ở trong xã hội này của chúng ta mà nói thì đoàn thể nhỏ nhất là gia đình, gia đình là một đoàn thể; đoàn thể lớn là quốc gia, quốc gia cũng là một đoàn thể. Còn tổ chức lớn hơn nữa thì ngày nay chúng ta có Liên Hiệp Quốc, đây chính là nói rõ thế giới này là một đoàn thể, là một đoàn thể mà chúng ta cùng nhau sinh sống trên địa cầu này.

Tại sao lại nói trong tất cả các đoàn thể thì đoàn thể Phật giáo là đoàn thể tôn quý nhất? Bởi vì đức Thế Tôn đã chế định sáu điều giới luật cho đoàn thể Phật giáo, mỗi một phần tử trong đoàn thể nhất định phải tuân thủ. Vì vậy, trong tất cả đoàn thể thì đoàn thể Phật giáo đích thực là đoàn thể tôn quý nhất, đáng được đại chúng tôn kính, là mô phạm cho đại chúng.

Trong sáu điều giới luật này, điều thứ nhất chính là “kiến hòa đồng giải”, cũng chính là điều mà người thời nay gọi là xây dựng nhận thức chung. Hay nói cách khác, bất kỳ một thành viên nào trong đoàn thể này nhất định phải có tư tưởng, kiến giải, cũng chính là cách nghĩ, cách nhìn giống nhau, đây mới là nền tảng của sự hòa mục. Nếu như cách nghĩ, cách nhìn của mỗi người đều khác nhau, khi mọi người ở chung sẽ khó tránh khỏi có ý kiến riêng, khó tránh khỏi có xung đột. Đoàn thể như vậy sẽ không thể hòa mục, cho nên đem nó xếp ở vị trí thứ nhất.

Đương nhiên chữ “kiến” trong “kiến hòa đồng giải” cũng có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Thí dụ nói trong một gia đình thì lấy việc hưng vượng gia đình làm mục tiêu, nếu như có cái nhận thức chung này thì gia đình ấy sẽ rất hạnh phúc. Còn nếu như là một công ty thương nghiệp thì mục đích của họ là kiếm tiền, chỉ cần mọi người có thể đoàn kết thì sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, đây chính là nhận thức chung của họ. Từ đây có thể biết, đoàn thể không giống nhau thì mục tiêu sẽ không giống nhau.

Trong nhà Phật có một tiêu chuẩn tuyệt đối, tiêu chuẩn này khiến chúng ta cảm thấy đức Phật Thích-ca Mâu-ni quả thật là vô cùng thông minh, vô cùng có trí tuệ. Vì vậy, người học Phật khi bước vào cửa Phật rồi thì những thứ như danh văn lợi dưỡng[1], ngũ dục[2] lục trần[3] của thế gian hết thảy đều buông xuống, chúng ta phải từ chỗ nào để xây dựng quan điểm chung? Nếu như đức Phật nói với chúng ta: “Các bạn đều mê hoặc điên đảo, kiến giải sai lầm, tôi đây là bậc đại trí đại giác, mọi người phải y theo kiến giải của tôi để làm kiến giải [cho mình]”. Cách nói như vậy có làm cho chúng ta phục hay không? Đương nhiên sẽ có một số người thừa nhận Phật là đại thánh nhân, người có trí tuệ viên mãn, nhưng sẽ có một số người cảm thấy chưa hẳn. Chúng ta tán thán trí tuệ, đức năng của đức Phật Thích-ca Mâu-ni là vạn đức vạn năng. Có không ít người nghe đến câu nói này cho rằng đây chỉ là lời khen ngợi đức Phật mà thôi, không phải là sự thật! Vậy thì kiến giải này sẽ có khoảng cách rất lớn, làm sao có thể xây dựng được nhận thức chung.

/ 6