/ 6
7

NHẬN THỨC PHẬT GIÁO

(Giáo dục hạnh phúc mỹ mãn)

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Thành phố Brisbane-Úc

Thời gian: Ngày 10/01/1996

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

Tập 5


Hàn Quán Trưởng phát biểu: “Kính thưa sư phụ, các vị pháp sư, các vị đồng tu, đại đức. Xin chào mọi người! Tôi vẫn chưa quen lắm với Úc Châu, còn khá lạ lẫm. Chẳng qua là năm ngoái có tới một lần, và rất có thiện cảm với Úc Châu. Tôi cảm thấy hình như đồng bào người Đài Loan chúng ta bên đây không ít, có thể nói người Trung Quốc không ít. Nơi đây có người Trung Quốc sinh sống nên tôi cho rằng cần có một đạo tràng tu hành, để mọi người có nơi tu hành, mọi người cùng tụ lại một giảng đường, mỗi ngày đều an vui tự tại, vậy thì sư phụ cũng có thể thường xuyên đến giảng một số khai thị cho mọi người, trong lòng mọi người sẽ cảm thấy rất thoải mái, đời sống rất có ý nghĩa.

Cho nên năm nay, chân thật vì một nhóm đồng tu Úc Châu nên chính thức phát tâm, chúng tôi phát tâm mua một đạo tràng mới, thế nhưng hiện tại vẫn chưa sử dụng, hiện tại chúng ta đang sửa chữa nó, tu sửa lại một chút, sư phụ rất vui. Sư phụ của chúng ta đây là pháp sư giảng kinh, có lẽ ai cũng biết, trong nhà Phật đều biết ngài là một vị pháp sư nghèo, không có nhiều tiền, ngài chỉ có vẻn vẹn 200 ngàn đôla liền đem ra quyên góp hết cho đạo tràng, hy vọng đạo tràng có thể mở rộng hơn một chút, rộng rãi hơn một chút, vậy thì mới có thể tiếp đón được thêm nhiều người đến học Phật, đây là việc làm mà ngài vui nhất; đồng thời hy vọng từ nay về sau mọi người có thể dụng công thật tốt, học Phật thật tốt, vậy thì rất vui rồi, chính là vì điều này. Sư phụ cũng cho rằng, việc làm lần này rất có ý nghĩa, cho nên ngài cảm thấy rất vui, tôi lại càng vui hơn, cảm ơn mọi người”.

Thời gian trôi qua thật nhanh, lần tọa đàm này của chúng ta đến hôm nay là viên mãn. “Nhận Thức Phật Giáo”, chủ đề này cũng là đơn giản giới thiệu cho quý vị. Những điều nói ở phía trước có một số ý nghĩa quan trọng vẫn chưa nói hết, chúng ta tận dụng một tiếng rưỡi đồng hồ sau cùng này làm một bổ sung rõ ràng hơn.

Tối nay còn có một số vị đồng tu phát tâm thọ Tam quy ngũ giới, cũng ở nơi đây sẽ cử hành nghi thức đơn giản nhưng long trọng. Ý nghĩa của Tam quy ngũ giới chúng tôi có một băng thu âm, cũng có một quyển sách nhỏ cung cấp cho quý vị làm tham khảo. Ngày mai chúng tôi sẽ có một buổi diễn giảng ở Gold Coast (Úc), thế nên các đồng tu hy vọng tôi nhân cơ hội này đem Tam quy y giải thích một cách tường tận.

Chúng ta làm một tổng kết về Phật pháp: “Phật pháp là giáo dục thù thắng nhất, cứu cánh nhất, viên mãn nhất của Phật-đà đối với hết thảy chúng sanh. Mục đích dạy học của Phật pháp là khai mở trí tuệ đức năng vốn đầy đủ trong tự tánh của chúng ta”. Trên kinh Đại thừa, Phật nói với chúng ta: “Hết thảy chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”, hay nói cách khác, trong tự tánh của chúng ta vốn có đầy đủ trí tuệ, đức hạnh, tài nghệ, năng lực, cho đến phước báo cùng với hết thảy chư Phật là giống nhau, không hai không khác.

Nếu như chúng ta muốn biết hoàn cảnh đời sống vật chất của Phật, thì trong kinh Vô Lượng Thọ, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ chúng ta xem thấy thế giới Tây Phương Cực Lạc, trong kinh Hoa Nghiêm thấy được hoàn cảnh sống của đức Phật Tỳ-lô-giá-na. Thân của các ngài là thân ánh sáng màu vàng, thân kim cang bất hoại, vĩnh viễn không già, không bệnh, không có sinh tử. Trên kinh nói với chúng ta rất rõ ràng về hoàn cảnh cư trú [của các ngài], cung điện lầu các là do bảy báu tạo thành, đất đai của thế giới Tây Phương Cực Lạc là làm bằng lưu ly. Ngày nay, chúng ta gọi lưu ly là ngọc phỉ thúy, ngọc có màu xanh, trong suốt. Đường đi đắp bằng vàng ròng, chúng ta xem thấy đường đi được làm bằng vàng ròng là chỉ cho sự giàu sang, người thế gian chúng ta không thể sánh bằng. Trong kinh nói, Thiên vương trên trời, phước báu của Đại Phạm Thiên vương cũng không thể sánh bằng với người dân bình thường ở thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Vậy thì ở trong kinh, Phật nói những lời này có phải là để dụ hoặc chúng ta hay không? Hoàn cảnh sinh hoạt của Phật tốt đẹp như vậy. Những gì Phật nói là lời chân thật, tuyệt đối không có dụ hoặc, lừa gạt, không có những lời này. Bạn xem trong năm giới có “không nói dối”, đức Phật làm sao có thể nói dối cho được? Sự thật của nó như thế nào thì nói như vậy. Cho nên trong kinh Kim Cang nói: “Như lai thị chân ngữ giả”, “chân” chính là không giả dối, không hư ngụy. “Thật ngữ giả”, “thật” là thật thà, trung thực. “Như ngữ giả”, “như” chính là sự thật như thế nào thì y chiếu theo sự thật ấy mà nói, không cần phải thêm một chút, cũng không cần phải bớt một chút, hoàn toàn căn cứ vào chân tướng sự thật để nói, đây gọi là “như ngữ”. “Bất cuống ngữ” cũng chính là không nói dối. “Bất dị ngữ” là những lời của ngài cùng với hết thảy chư Phật đều không khác nhau, Phật Phật đạo đồng, cái thấy của các ngài đều như nhau, cách nói cũng như nhau. Năm loại ngữ mà Phật nói trên kinh Kim Cang thì lấy “như ngữ” làm chính, sự thật đó như thế nào thì y theo sự thật ấy mà nói. Cho nên hết thảy pháp mà chư Phật, Bồ-tát giảng cho chúng ta có thể nói đều là chân tướng của vũ trụ nhân sinh.

/ 6