/ 6
8

NHẬN THỨC PHẬT GIÁO

(Giáo dục hạnh phúc mỹ mãn)

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Thành phố Brisbane-Úc

Thời gian: Ngày 08/01/1996

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

Tập 3


Hôm qua đã giới thiệu với quý vị một cách khái quát về Phật pháp, ở Trung Quốc là lấy tứ đại Bồ-tát làm đại biểu. Bốn vị Bồ-tát này ở trong Phật giáo Trung Quốc có địa vị rất cao: Địa Tạng Bồ-tát ở núi Cửu Hoa, Quán Thế Âm Bồ-tát ở núi Phổ Đà, Văn-thù Bồ-tát ở núi Ngũ Đài và Phổ Hiền Bồ-tát ở núi Nga Mi, lấy bốn vị này làm đại biểu.

Phía trước đã nói qua với mọi người, Phật pháp có thứ lớp, có viên dung, trong thứ lớp bao hàm viên dung, trong viên dung cũng bao hàm thứ lớp. Thế nên, Phật pháp đích thực là giáo học vô cùng viên mãn, bất luận là trên nội dung hay trên cách thức đều hiển thị vô cùng viên mãn.

Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện vừa mở đầu là dùng mười vầng mây sáng để hiển thị đại ý của toàn kinh. Vậy thì hỏi trong kinh Địa Tạng giảng về điều gì? Nếu bạn có thể đem mười việc này nói qua một chút thì sẽ biết được toàn bộ kinh Địa Tạng đều bao gồm ở trong đó. Những điều được nói trong kinh là đại viên mãn. Đại viên mãn đó là từ bi, trí tuệ, tam-muội, cát tường, phước đức, công đức, quy y, tán thán, kinh Địa Tạng chính là nói về những điều này. Thật ra mà nói thì nó không chỉ đại biểu cho toàn bộ kinh Địa Tạng, pháp môn Địa Tạng, nếu như đem nó nói rộng ra, triển khai ra thì chẳng phải là toàn bộ Phật pháp hay sao!

Từ đây có thể biết, năm xưa đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế đã vì chúng ta giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm tổng kết lại chính là đại viên mãn, cũng không rời khỏi ý nghĩa của 10 câu biểu pháp trong kinh Địa Tạng.

Mười loại này đều là trong tự tánh của chúng ta vốn có đầy đủ, không phải đến từ bên ngoài, mà là trong chân tâm bổn tánh của chính chúng ta xưa nay vốn đầy đủ. Thế nhưng hiện nay những trí tuệ đức năng này đều không thể hiện tiền, ngày nay chúng ta chân thật là đang mê hoặc điên đảo, năng lực này đã bị mất đi, tại sao lại bị mất? Phật nói cho chúng ta biết, là do chúng ta đã mê mất bổn tánh của chính mình, sau khi mê rồi thì trí tuệ đức năng không khởi tác dụng nữa, cho nên cái mất đó gọi là mê mất, không phải là mất thật sự. Thế nên, toàn bộ giáo học của Phật pháp thường nói là “phá mê khai ngộ”; chúng ta không còn mê nữa, đều giác ngộ rồi thì trí tuệ đức năng trong tự tánh lại khôi phục tác dụng trở lại.

Từ đây có thể biết thành quả sau cùng của giáo học Phật pháp không phải là Phật cho chúng ta, mà là bản năng của chính chúng ta được khôi phục lại mà thôi. Đúng như những gì Phật nói trong kinh Lăng Nghiêm: “Viên mãn Bồ-đề quy vô sở đắc”, ngay khi bạn viên mãn thành Phật rồi, thành Phật thì bạn được cái gì? Cái gì cũng không được. Những gì bạn đạt được hoàn toàn là những thứ vốn có của chính bạn. Ngoài đức năng vốn sẵn đầy đủ trong bổn tánh của bạn ra thì không được thứ gì khác, chỉ là khôi phục lại trí tuệ đức năng của chính mình mà thôi.

Vì vậy, tuy là Phật hết lòng hết dạ dạy bảo chúng ta nhưng Phật không hề kể công, Phật không có nói “đây là công lao của tôi”, ngài không có ý niệm này, là chính bạn tự thành tựu. Hiện nay chúng ta mê rồi, vậy thì phải dùng phương pháp gì để giác ngộ, đây là một vấn đề lớn. Phương pháp này chính là giáo dục, chính là dạy học. Cách nhìn này cùng với cách nhìn của cổ thánh tiên hiền Trung Quốc chúng ta là hoàn toàn tương đồng, phải làm tốt giáo dục. Xã hội ngày nay có rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia không hiểu được đạo lý này, hiện nay mục tiêu duy nhất của họ là phải phát triển công thương nghiệp, đem việc này xếp vào hàng đầu mà lơ là đi giáo dục.

Nếu như quý vị đọc Lễ Kí, Học Kí thì sẽ biết, Học Kí có thể nói là giáo dục triết học thời xưa của Trung Quốc, trong đó nói được rất rõ ràng với chúng ta: “Kiến quốc quân dân giáo học vi tiên”, câu nói này dùng lời hiện nay để nói chính là bạn muốn xây dựng một chính quyền, muốn cai quản nhân dân cả nước thì điều gì là quan trọng nhất? Giáo dục là quan trọng nhất.

Cùng một đạo lý, Phật dạy chúng ta khôi phục tự tánh, khôi phục bản năng, vậy thì phải dùng phương pháp gì để khôi phục? Chính là dạy học. Thế nên, Phật pháp là sư đạo, Phật pháp là giáo dục, nó không phải là tôn giáo. Đây là điều mà quý vị nhất định phải nhận thức rõ ràng. Phàm là tôn giáo đều là mê tín, mê rồi thì làm sao có thể phá mê? Đã mê rồi lại còn muốn mê nữa, vậy thì làm sao được! Nhất định phải giác ngộ mới có thể phá mê. Thế nên điều mà Phật pháp đề xướng là phá mê khai ngộ, như vậy mới có thể lìa khổ được vui, cho nên đây là sư đạo.

/ 6