/ 6
37

NHẬN THỨC PHẬT GIÁO

(Giáo dục hạnh phúc mỹ mãn)

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Thành phố Brisbane-Úc

Thời gian: Ngày 07/01/1996

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

Tập 2


Xin chào chư vị đồng tu! Hôm qua chúng ta đã giới thiệu Phật giáo là giáo dục của Phật-đà đối với hết thảy chúng sanh, đây là điều mà người học Phật chúng ta trước tiên nhất định phải nhận thức rõ ràng. Sau khi hiểu rõ mục tiêu giáo học của Phật pháp rồi thì chúng ta đối với kinh điển Phật giáo sẽ có cách nhìn khác hẳn. Kinh điển Phật giáo có thể nói là bộ sách có phân lượng lớn nhất trên thế gian. Hết thảy học thuyết trên thế gian này, bao gồm cả các tôn giáo ở trong đó thì sự phong phú về điển tịch đều không thể vượt qua Phật giáo.

Kinh điển Phật giáo nhiều đến như vậy, rốt cuộc bên trong là nói về điều gì? Việc này chúng ta không thể không biết. Người học Phật rất nhiều, người đọc kinh cũng không ít, thậm chí người giảng kinh cũng rất nhiều. Tôi đã từng gặp một vị giảng kinh là cư sĩ tại gia, giảng cũng khá nổi tiếng, thường ở rất nhiều trường đại học, cao đẳng giảng giải kinh Phật. Có một lần tôi gặp ông ấy, tôi liền hỏi ông, tôi nói: “Những kinh điển hiện nay ông giảng đều là kinh luận quan trọng của Đại thừa, vậy toàn bộ Đại tạng kinh rốt cuộc là giảng về điều gì? Ông có thể dùng một câu để trả lời cho tôi được không?” Ông ta nghe xong, cũng suy nghĩ một hồi rất lâu nhưng không trả lời được, thế là ông ấy liền hỏi ngược lại tôi. Tôi nói với ông rằng: Hết thảy kinh do đức Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết trong bốn mươi chín năm chỉ nói rõ một việc, nếu như dùng danh từ của Phật giáo thì như trong kinh Bát-nhã nói chính là “chư pháp thật tướng”. Chư pháp là hết thảy pháp, thật tướng chính là chân tướng. Câu nói này nếu dùng lời hiện nay để nói chính là chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Vũ trụ là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, nhân sinh là bản thân của chúng ta. Từ đây có thể biết, tất cả kinh mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng, nội dung chính là nói về chân tướng bản thân và hoàn cảnh sinh hoạt của chính chúng ta. Tôi bảo ông ấy nghĩ thử xem, tôi nói: “Tôi trả lời như vậy, ông có đồng tình hay không?” Nếu như không biết được kinh Phật nói về điều gì thì chúng ta đối với kinh điển của Phật sẽ không có cách gì lý giải được, mở cuốn kinh ra bạn liền nghĩ ngợi lung tung, càng nghĩ càng cách xa, càng nghĩ càng thấy Phật pháp cùng với đời sống của chúng ta không có liên quan gì hết, đem nó xem thành học thuyết huyền bí mất rồi, vậy thì còn tác dụng gì nữa! Cho nên, nhất định phải nhận thức việc này cho rõ ràng.

Bất luận là kinh điển Đại thừa hay Tiểu thừa, sâu hay cạn, mỗi câu mỗi chữ đều có quan hệ mật thiết với sinh hoạt thường ngày của chúng ta, sau đó mới hiểu được tiên sinh Âu Dương Cánh Vô nói với chúng ta: “Phật pháp là điều mà người thời nay nhất định phải cần đến”, chúng ta đồng ý với cách nói này, vì thế có thể khẳng định ông nói rất chính xác. Cho nên, mỗi câu mỗi chữ trong kinh điển cùng với đời sống của chúng ta có quan hệ mật thiết. Từ đây có thể biết Phật pháp nhất định không mê tín.

Chúng ta học Phật là từ chỗ nào bước vào? Điều này rất quan trọng! Bắt đầu học từ chỗ nào? Hôm qua đã nói sơ lược một chút với quý vị đồng tu về ý nghĩa biểu pháp của danh hiệu chư Phật, Bồ-tát, việc này nhất định phải hiểu thì mới biết được sự viên mãn của phương pháp giáo học trong Phật pháp, ở trong Phật môn chúng ta gọi là phương tiện thiện xảo, dùng lời hiện nay mà nói chính là cảnh giới nghệ thuật cao độ. Giáo học của Phật giáo mấy ngàn năm qua đã hướng tới nghệ thuật hóa. Hết thảy danh hiệu, hình tượng của chư Phật mà chúng ta tạo, tượng chư Phật đều là đại biểu cho tánh đức của chúng ta, trong chân tâm bổn tánh của chính chúng ta vốn dĩ đầy đủ; phàm là danh hiệu của Bồ-tát cùng với hình tượng của các ngài đều là đại biểu cho tu đức, cũng chính là nói cho chúng ta biết ở ngay trong cuộc sống thường ngày chúng ta cần phải tu học như thế nào mới có thể khiến cho tánh đức của chính mình hoàn toàn hiển lộ ra và đạt được thọ dụng ở ngay trong đời sống. Như vậy có thể thấy được, giáo dục của Phật-đà đích thực siêu vượt hơn tất cả giáo dục trong thế gian.

Mỗi một vị đồng tu, tôi nghĩ chính bản thân quý vị đều đã trải qua những cảm nhận này. Chúng ta đã từng học qua tiểu học, trung học và đại học, học qua rất nhiều khóa học, sau khi tốt nghiệp ra ngoài có thể áp dụng được mấy thứ vào trong cuộc sống hằng ngày? Nếu như học những thứ này mà không thể áp dụng, quý vị nghĩ xem chúng ta đã lãng phí bao nhiêu thời gian, hao tổn bao nhiêu công sức, những thứ học được không thể dùng! Loại giáo dục như vậy là có khiếm khuyết, không phải là một nền giáo dục tốt. Giáo dục tốt quyết định không lãng phí một giây, một phút nào của chúng ta, những gì chúng ta học được liền có thể ứng dụng ngay trong cuộc sống, đây mới gọi là giáo dục tốt, là nền giáo dục chí thiện viên mãn, Phật pháp có thể đạt tới tiêu chuẩn này.

/ 6