Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 06/09/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 999
“LỜI NÓI PHẢI CÓ THỂ VỪA ĐỦ, THÍCH HỢP”
Lời nói hết sức quan trọng, lời nói của chúng ta phải hợp tình hợp lý đủ để người hiểu được vấn đề chúng ta muốn nói. Đôi khi, chúng ta nói thừa hoặc nói không đủ ý làm cho người khác ngộ nhận. Chúng ta là người học Phật, học đạo đức văn hóa truyền thống thì chúng ta càng phải cẩn trọng trong lời nói. Nếu chúng ta làm người khác ngộ nhận, hiểu lầm thì chúng ta phải gánh nhân quả.
Hòa Thượng nói: “Lời nói là biểu hiện của đức hạnh. Ngày xưa, khi tôi gần gũi Lão Sư Lý, Đại sư Chương Gia, khi tôi đứng bên cạnh xem các Ngài tiếp khách, tiếp học trò, tôi cảm thấy rất cảm động. Khi đối với khách thì các Ngài rất khách sáo nhưng đối với học trò các Ngài rất nghiêm khắc giáo huấn. Lão sư phải có trách nhiệm giúp đỡ và thành tựu cho học trò. Ngài nhìn thấy học trò có lỗi lầm thì nghiêm khắc quở phạt. Lão sư nói với chúng tôi rằng, chỉ có hai hạng người thật lòng nói lỗi của chúng ta. Một là Cha Mẹ, hai là Thầy, Lão sư của mình”.
Các Ngài nói những lời nghiêm khắc nhưng những lời đó vẫn chan chứa lòng từ bi vì các Ngài dạy bảo để học trò được thành tựu. Người bình thường, họ chỉ nói những lời khách sáo, không nói ra lỗi lầm của chúng ta. Người xưa nói: “Cha Mẹ, Thầy Cô thấy con cái, học trò thành đạt thì họ mừng rơi nước mắt”. Chỉ có Cha Mẹ, Thầy Cô không bao giờ đố kỵ với chúng ta. Cha Mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con nên người. Thầy Cô phải nghiêm khắc giáo huấn, quở phạt để học trò có được thành tựu. Nếu chúng ta không được nghe lời quở phạt thì đó là sự bất hạnh của chúng ta. Người xưa đã nói: “Nhân phi Thánh Hiền, thục năng vô quá”. Người không phải Thánh Hiền nên chắc chắn sẽ có rất nhiều sai phạm. Nếu chúng ta không được nghiêm khắc giáo huấn thì chúng ta sẽ không biết sửa lỗi vậy thì chúng ta không thể trở thành những tấm gương, mô phạm cho người.
Hòa Thượng nói: “Không ai muốn nói lỗi người vì họ không muốn kết oan gia, không muốn đối đầu với người khác. Người thông minh, người có học vấn thì họ sẽ kết thiện duyên với người chứ không kết ác duyên với người. Chúng ta không dễ dàng có được người chỉ ra lỗi lầm, sai phạm để chúng ta có thể sửa lỗi”.
Hòa Thượng nói: “Nếu bạn bè đồng học nếu nói lỗi của chúng ta thì họ cũng chỉ nói hai lần. Nếu sau hai lần chúng ta không sửa thì họ không nói nữa vì nếu họ nói nữa thì họ đã trở thành oan gia với chúng ta. Khi họ nói lỗi mà chúng ta không sửa thì họ “Kính nhi viễn chi”. Họ kính trọng nhưng không gần gũi chúng ta. Trong nhà Phật, khi chúng ta mắc lỗi, mọi người khuyên nhiều lần mà chúng ta không nghe thì họ không gần gũi, không nhắc đến chúng ta nữa. Trong xã hội, nếu mọi người nhắc nhiều lần chúng ta không nghe thì chúng ta làm bất cứ việc gì cũng không có người tương trợ. Nếu có người tương trợ thì đó chỉ là những người có chung lợi ích với chúng ta. Chúng ta sẽ không có bạn bè đạo nghĩa mà chỉ có bạn bè lợi hại”. “Bạn bè lợi hại” là những người đến để chia lợi với chúng ta. “Bạn bè đạo nghĩa” là những người đến tương trợ, giúp đỡ chúng ta chân thành.
Hòa Thượng nói: “Lời nói của chúng ta phải vừa vặn, thích hợp. Chúng ta nói lời phóng đại thì người khác cho rằng chúng ta là người nịnh bợ. Lời nói của chúng ta không phù hợp thì người khác cho rằng chúng ta ngạo mạn, xem thường người khác. Lời nói của chúng ta phải “Như lý như pháp”, “Hợp tình hợp lý”. Chúng ta phải kiểm soát lời nói của mình. Khi chúng ta kiểm soát được lời nói thì chúng ta đã có định. Nhiều người nói mà không biết kiểm soát. Trong lớp học “Cảm Ứng Thiên” vừa qua, có người chia sẻ quá thời gian đến 7 phút. Nếu chúng ta không dừng họ lại thì họ vẫn sẽ tiếp tục nói.
Hòa Thượng nói: “Lời nói là biểu hiện của đức hạnh. Trong cuộc sống thường ngày, mọi người nhìn vào biểu thái, động tác, lời nói của chúng ta thì mọi người biết được đức hạnh của chúng ta cao hay thấp. Chúng ta muốn tích công bồi đức thì chúng ta phải “Nhu hòa ái ngữ”. Chư Phật Bồ Tát đã nói trong Kinh điển và làm ra rất nhiều tấm gương cho chúng ta”. Đại sư Chương Gia, Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam đối với người thì “Nhu hòa ái ngữ” nhưng đối với học trò nghiêm khắc.