15511/09/2022, 22:17 12/09/2022, 18:37
1000 · Niệm Phật Phải Đầy Đủ Tín Nguyện Hạnh

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 07/09/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1000

“NIỆM PHẬT PHẢI ĐẦY ĐỦ TÍN - NGUYỆN - HẠNH”

Chúng ta niệm Phật nhưng không thể vãng sanh vì chúng ta niệm Phật mà không đầy đủ Tín – Nguyện – Hạnh. Tổ Sư Đại Đức đã nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng chỉ uổng công” hay có câu: “Hữu khẩu vô tâm”. Chúng ta chỉ niệm ở trên miệng mà không niệm ở trong tâm. Trên “Kinh A Di Đà” nói: “Tín - Nguyện - Hạnh chính là thiện căn, phước đức”.

Chúng ta muốn tin được Phật pháp thì chúng ta phải có thiện căn. Thiện căn của chúng ta càng sâu dầy thì niềm tin vào Phật pháp càng kiên cố. “Tín” là thiện căn. “Nguyện” là phước đức. “Nhân duyên” là một câu “A Di Đà Phật”. Chúng ta nguyện sanh về thế giới Cực Lạc. Người có phước đức thì mới có thể phát ra tâm nguyện vãng sanh.

Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật có đầy đủ Tín – Nguyện – Hạnh, nghĩa là đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên thì người đó có thể vãng sanh”. Ngày nay, chúng ta niệm Phật chưa đầy đủ Tín – Nguyện – Hạnh nên chúng ta niệm Phật chỉ là gieo một chút duyên với Phật pháp.

Hàng ngày, chúng ta niệm danh lợi, niệm tài sắc nhiều hơn niệm Phật vậy thì chúng ta không thể khắc phục, phá trừ được phiền não. Đó là lí do chúng ta niệm Phật không thể vãng sanh. Hòa Thượng Tịnh Không một đời chuyên cần. Ngài không quản tiền, không quản việc, không quản người. Ngài đến thế gian làm tròn sứ mạng để rồi tự tại ra đi.

Tôi biết một số người, trước đây họ cũng đã nghe pháp Hòa Thượng, niệm Phật gần mười năm nhưng bây giờ họ cũng bỏ niệm Phật. Hòa Thượng một đời tu Tịnh Độ, xiển dương Tịnh Độ. Tất cả những việc làm của Hòa Thượng đều đã có thành tựu. Chúng ta biết được để chúng ta có niềm tin đối với pháp tu Tịnh Độ, niềm tin đối với thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta tu hành, học Phật điều then chốt nhất là niềm tin. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” cũng đã nói: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”. Niềm tin là Mẹ đẻ của công đức.

Ngày trước, khi Hòa Thượng trở về thăm Thầy Lý Bỉnh Nam, Thầy Lý Bỉnh Nam nói với Hòa Thượng: “Ông phải tin Phật!”. Hòa Thượng nghĩ: “Mình đã là pháp sư giảng Kinh rồi mà còn chưa tin Phật sao!”. Sau đó, Hòa Thượng phản tỉnh chính mình: “Nếu thật tin thì phải thật làm!”. Nếu chúng ta thật tin thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta không còn vọng tưởng. Hàng ngày, chúng ta đề khởi câu “A Di Đà Phật” yếu ớt nhưng chúng ta đề khởi “danh vọng lợi dưỡng” một cách mạnh mẽ.

Hòa Thượng đã dạy chúng ta phải nhất tâm niệm Phật. Nhất tâm là chuyên nhất. Thí dụ như chúng ta lái xe thì nhất tâm lái xe. Chúng ta không thể vừa lái xe vừa nhất tâm niệm Phật. Nếu chúng ta làm vậy thì chúng ta có thể gây tai nạn. Chúng ta nghe nhưng chúng ta chưa thật sự hiểu nên chúng ta làm sai!

Hòa Thượng nói: “Chúng ta chỉ niệm câu “A Di Đà Phật” ở trên miệng, còn trong tâm chúng ta thì tán loạn vậy thì câu Phật hiệu này đã uổng phí rồi! Chúng ta niệm Phật, trong mỗi câu Phật hiệu phải có tín tâm kiên định, nguyện vọng tha thiết. Đây gọi là biết niệm Phật!”. Chúng ta vừa niệm Phật vừa khởi vọng tưởng thì dù một ngày chúng ta niệm 10 vạn câu Phật hiệu thì chúng ta cũng không thể vãng sanh.

Hòa Thượng từng nói: “Người niệm Phật mà không vãng sanh Cực Lạc thì không còn gì để nói!”. Chúng ta niệm Phật là để vãng sanh chứ chúng ta không niệm Phật để có đạo tràng lớn, có nhiều đồ chúng, được nhiều người cúng dường. Nhiều người niệm Phật để cầu mong không bị bệnh, để có cơm gạo áo tiền, mọi việc thuận lợi. Những điều này đều thuộc về phước đức. Người xưa đã nói: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định. “Tiền định” là do phước báu định. Người có phước báu thì sẽ không sợ không có cơm ăn áo mặc.

Ngày trước khi tôi bị bệnh nặng, tôi cố gắng buông xả những việc “tự tư tự lợi”, tôi chỉ chuyên tâm lo việc cho người. Sau đó, mọi việc dần dần chuyển đổi. Phật đã dạy: “Y báo tùy theo chánh báo mà chuyển”. “Y báo” là cảnh bên ngoài. Thân chúng ta cũng là hoàn cảnh bên ngoài. “Chánh báo” là tâm chúng ta. Tâm chúng ta chuyển đổi thì hoàn cảnh bên ngoài cũng chuyển đổi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook