223Chủ Nhật, 04/09/2022, 19:51
997 · Buông Xả Được Năm Dục Là Bậc Đại Trượng Phu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 04/09/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 997

“BUÔNG XẢ ĐƯỢC NĂM DỤC LÀ BẬC ĐẠI TRƯỢNG PHU”

Chúng ta là người thế gian, chỉ cần chúng ta không dính nhiễm năm dục “tài, sắc, danh, thực, thùy” thì chúng ta đã là bậc đại trượng phu. Khi Hòa Thượng hơn 30 tuổi, Ngài đã là tam bất quản: “Không quản tiền, không quản việc, không quản người”. Đời sống của Ngài rất an vui, tự tại. Ngài nói: “Chúng ta chỉ cần tận tâm tận lực, hết lòng hết dạ làm vì chúng sanh là được! Việc thành là do chúng sanh nơi đó có phước. Việc chưa thành thì do chúng sanh nơi đó chưa đủ phước”. Cả cuộc đời Ngài luôn tận tâm tận lực vì chúng sanh lo nghĩ.

Tổ Ấn Quang dạy chúng ta:“Đốn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, chí tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”. Chúng ta phải dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình. Chúng ta phải làm tròn bổn phận, làm đến mức tốt nhất để có thể làm ra được biểu pháp cho chúng sanh. Ngày nay, con người chỉ truy cầu “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “ngũ dục lục trần”, “tham sân si mạn”. Đời sống của Hòa Thượng là một bài pháp sống động cho chúng ta. Chúng ta phải nhìn vào tấm gương của Ngài để nỗ lực.

Chúng ta không cần phải nghe những lời đàm huyền, thuyết diệu. Chúng ta tận tâm, tận lực làm những việc thường ngày như quét nhà, tưới cây thì người khác cũng nhận thấy chúng ta làm việc rất có tâm. Có những người đứng trên giảng đường đại học giảng thao thao bất tuyệt nhưng không biết làm những việc đơn giản. Hòa Thượng nói: “Chúng ta nói chúng ta độ chúng sanh nhưng cơm chúng ta không biết nấu vậy thì chúng ta độ ai!”. Bậc đại trượng phu không phải là người chỉ làm những việc vĩ đại như “dời non, lấp biển” mà là người toàn tâm, toàn ý làm từ những việc nhỏ, những việc tiểu tiết nhất.

Chúng ta vẫn đang chìm đắm trong năm dục “tài, sắc, danh, thực, thùy”. Những thứ này đã sai sự chúng ta, làm chúng ta điên đảo nhiều đời nhiều kiếp. Chúng ta giống như một con gấu bông bị buộc vào cổ kéo đi. Chúng ta ngoan ngoãn bị kéo đi mà chúng ta không phản kháng vì chúng ta tưởng “tài, sắc, danh, thực, thùy” là thật. Chúng ta tưởng rằng chúng ta có thể thỏa mãn được những dục vọng đó nhưng người muốn thỏa mãn dục vọng cũng giống như người đang uống nước biển, càng uống thì họ càng khát. Chúng ta càng uống nhiều nước biển thì họng của chúng ta càng khô và nếu uống nhiều thì chúng ta có thể chết.

Hòa Thượng nói: “Điển tích của nhà Nho, nhà Phật gọi người có thể khuất phục, khắc chế được những dục niệm của chính mình là đại trượng phu, đại anh hùng”. “Dục niệm” là những ý niệm về “tài, sắc, danh, thực, thùy”. Thí dụ ý niệm thèm đi ngủ chính là dục niệm. Sáng nay tôi thức dậy lúc 3 giờ 04 phút. Tôi vẫn muốn đi ngủ tiếp. Tôi đưa ra lý do là hôm qua tôi bị ho nên tôi cần ngủ nhiều hơn. Tôi đã nằm xuống rồi nhưng lại nhớ lại mình đã cam kết sau 3 giờ là phải dậy. Đó chính là khắc chế dục niệm. Đó là việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng không nhỏ. Người xưa có câu “Khắc niệm tác Thánh”. “Khắc” là khắc chế. “Dục” là dục niệm. Người khắc chế được dục vọng của mình thì người đó có thể làm được thành Thánh Hiền, làm được Phật Bồ Tát.

Chúng ta tưởng rằng chúng ta muốn trở thành Thánh Hiền thì chúng ta phải làm những việc lớn lao, vĩ đại nhưng Hòa Thượng nói: “Người khắc chế được dục niệm là người rất cừ khôi! Người bình thường không làm được mà họ làm được thì họ chính là đại anh hùng, đại trượng phu”. Người xưa nói: “Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình”. Nhiều người thắng được ở nơi trận mạc nhưng họ không chiến thắng được dục vọng của bản thân.

Hòa Thượng nói: “Thánh Hiền thế gian và xuất thế gian đều làm ra tấm gương tốt để chúng ta xem. Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện cho chúng ta. Ngài là một vương tử có công danh, phú quý nhưng Ngài đã xả bỏ tất cả”.

Ngày trước, có một người học trò của Khổng Lão Phu Tử đi ra bờ suối rửa lỗ tai. Có người hỏi lý do tại sao thì ông nói: “Tai của ta vừa nghe đến danh lợi nên ta phải đi rửa ngay!”. Người kia đang định cho trâu uống nước ở chỗ đó thì liền dắt trâu đi vì sợ con trâu uống phải nước có vị danh lợi. Người xưa nói: “Nhân phi nghĩa bất giao. Vật phi nghĩa bất thụ”. Người không có đạo nghĩa thì không qua lại. Ngày nay, nhiều người vẫn tuỳ tiện kết bạn với người bất nhân, bất nghĩa, bất tuân. Người xưa đã dạy: “Muốn biết một người như thế nào thì hãy nhìn vào bạn của người đó”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook