Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu, ngày 02/09/2022.
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 995
“NGHE PHẬT PHÁP TRỒNG THIỆN CĂN MỚI CÓ THỂ VĨNH THOÁT LUÂN HỒI”
Chúng ta học Phật pháp, chúng ta biết cách trồng thiện căn, trồng căn lành để chúng ta có cơ hội vượt thoát luân hồi. Cách đây khoảng 30 năm, khi Hoà Thượng giảng “Kinh Hoa Nghiêm Áo Chỉ” trên đài truyền hình Hoa Tạng, Ngài nói: “Trong 38 năm, không ngày nào tôi không giảng Kinh nói pháp, niệm Phật, tụng Kinh thế mà phiền não trong tôi vẫn dấy khởi!”. Hòa Thượng đã dụng công tu hành suốt một đời. Ngoài 30 tuổi Ngài đã là tam bất quản: “Không quản tiền, không quản việc, không quản người”. Khi Hoà Thượng giảng “Kinh Hoa Nghiêm Áo Chỉ”, Ngài đã hơn 70 tuổi, Ngài đã có gần 40 năm tu hành miên mật, không ngày nào không giảng Kinh, tụng Kinh, niệm Phật vậy mà phiền não vẫn dấy khởi. Tập khí, phiền não trong chúng ta không dễ đối trị!
Chúng ta có rất ít thời gian huân tập. Hôm qua, chúng ta học “Cảm Ứng Thiên” Hòa Thượng nói cách học của Ngài. Trước khi Ngài nghe Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng 45 phút thì Ngài đã chuẩn bị, xem các chú giải khoảng 20, 40 giờ.
Buổi sáng, khi tôi thức dậy, trước khi triển khai đề tài, tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Để có thể hiểu được bản Hán văn này tôi cũng đã có hơn 30.000 giờ nghe Hòa Thượng giảng. Chúng ta phải dụng tâm như vậy để có thể cắm sâu Phật pháp vào A-Lại-Da-Thức. Khi đó, mọi khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chúng ta đều được điều chỉnh bởi Phật pháp. Nếu chúng ta không cắm sâu được Phật pháp thì mọi khởi tâm động niệm của chúng ta sẽ bị dẫn đạo bởi các tập khí xấu ác “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”.
Chúng ta phải học thuộc 113 điều Thánh Hiền dạy trong “Đệ Tử Quy” để hành vi của chúng ta có quy chuẩn. Tôi đi nhìn thấy một đôi dép chưa ngay ngắn thì tôi sẽ quay lại sửa. Tôi quán sát nếu khởi tâm động niệm của mình chưa đúng thì tôi điều chỉnh bằng cách khởi niệm thiện hoặc khởi niệm Phật để cắt đứt ý niệm sai đó. Đó chính là chúng ta trồng thiện căn.
Chúng ta chưa thể ứng hiện Phật pháp trong đời sống hàng ngày vì thời gian quy nạp của chúng ta chưa đủ. Trước đây, khi tôi chuyển công việc phiên dịch đĩa Hòa Thượng cho Ban phiên dịch để tôi có thể tập trung vào việc thúc đẩy giáo dục thì mọi người cho rằng tôi xen tạp. Sau khi hệ thống dần ổn định, tôi quay về tự học, tự làm mới mình để có thể chia sẻ với mọi người. Nếu tôi không tự làm mới mình thì tôi chỉ nói những điều vọng tưởng. Hơn 300 đề tài đầu tiên tôi không mở Zoom nhưng tôi vẫn ngồi học nghiêm túc. Khi đó, chỉ có hai chiếc camera ngồi nghe tôi giảng. Đã gần 1000 đề tài tôi chưa từng trễ một phút nào. Tôi phải di chuyển rất nhiều nơi, có những lần tôi phải dựng đạo tràng trong khách sạn hoặc ở nơi xa xôi không có Internet mà phải dùng 4G. Chúng ta phải có hằng tâm, có thời gian quy nạp Phật pháp để chúng ta tự làm mới mình từ đó chúng ta có thể chân thật làm lợi ích cho chúng sanh.
Người xưa nói: “Ba ngày chúng ta không nghe Phật pháp thì diện mạo của chúng ta đã khác”. Ngày nay, Thầy Định Hoằng nói: “Một ngày chúng ta không nghe Phật pháp thì khuôn mặt của chúng ta đã khó coi rồi!”. Chúng ta may mắn mỗi ngày đều được học Phật pháp. Tôi cũng lên học các lớp “Con đường đạt đến nhân sanh hạnh phúc”, lớp “Nữ đức”, lớp “Học vấn dạy con” để tôi quan sát thái độ học tập của mọi người như thế nào. Chúng ta tạo cơ hội để chính mình học tập và tạo cơ hội để nhiều người được tiếp cận đó chính là công đức vô lượng. Nhiều năm qua, tôi rất ít từ chối khi được mời chia sẻ về Phật pháp chỉ trừ những trường hợp bất khả kháng. Tôi chia sẻ để mọi người và chính mình được nghe, được có cơ hội quy nạp thiện pháp đó chính là chúng ta trồng thiện căn.
Hòa Thượng nói: “Chúng sanh hủy báng chánh pháp, chướng ngại Phật pháp lưu thông thì tội này đọa A Tỳ địa ngục. Chúng ta hủy báng không chỉ riêng người đó mà chúng ta hủy báng, chướng ngại chánh pháp khiến chúng sanh mất đi niềm tin, không có cơ hội nghe Phật pháp”.
Nếu chúng ta chân thật học tập và tu sửa bản thân thì chúng ta sẽ dần cảm nhận được hoàn cảnh sống, thời tiết, cảm nhận được từng giai đoạn lịch sử của quốc gia. Thí dụ chúng ta có thể cảm nhận được trời sắp mưa để thu dọn quần áo. Chúng ta cảm nhận hoàn cảnh sống một cách sâu sắc để chúng ta điều chỉnh bản thân cho phù hợp. Chúng ta sẽ ý thức được vai trò, bổn phận của mình để chúng ta nỗ lực, phấn đấu.