
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm, ngày 01/09/2022.
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 994
“KHÉO PHỤNG DƯỠNG CHA MẸ CHÍNH LÀ PHẬT SỰ”
Hiện tại, pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật vẫn còn. Thích Ca Mâu Ni Phật đã xuất hiện cách đây gần 3.000 năm. Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là 12.000 năm nghĩa là sau 12.000 năm sẽ không còn Phật pháp. Sau khi pháp vận của Thích Ca Mâu Ni không còn, nhiều triệu năm sau Phật Di Lặc sẽ hạ sanh để giảng Kinh, nói pháp. Trong “Kinh Di Lặc Hạ Sanh” nói: “Khi pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật không còn, khoảng thời gian đó không có Phật pháp vậy thì chúng ta chỉ cần hiếu dưỡng Cha Mẹ. Đó chính là Phật sự”.
Khi Thích Ca Mâu Ni Phật giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, Ngài dạy hành giả niệm Phật việc đầu tiên là phải hiếu dưỡng Phụ Mẫu. Trong “Kinh Di Lặc Vãng Sanh” nói: “Việc phụng sự Cha Mẹ chính là Phật sự”. Chúng ta không đợi đến khi Pháp vận không còn chúng ta mới làm. Ngay khi pháp vận của Phật vẫn còn, Phật pháp vẫn còn hưng thịnh thì chúng ta cần đề cao Hiếu Đạo. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai Phật đều đề cao Hiếu Đạo.
Chúng ta tu hành, chúng ta học Phật chúng ta phải xem trọng Hiếu Đạo. Điều cơ bản nhất trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” là: “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng, từ tâm bất sát”. Đây là căn bản của căn bản, cương lĩnh của cương lĩnh từ khi chúng ta bắt đầu tu hành đến khi thành Phật. Bất cứ tôn giáo, giáo phái nào mà việc tu hành rời xa những nguyên tắc này thì đó không phải là chánh đạo. Đây là những nguyên tắc rất cơ bản nhưng chúng ta học qua loa nên chúng ta không nắm được cương lĩnh.
Ngày nay, có những người “lừa Thầy phản bạn” nhưng vẫn có nhiều người đi theo. Một người phản Thầy thì người đó không thể hiếu thuận với Cha Mẹ. “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng” là tánh đức từ nơi tự tánh của tất cả chúng sanh. Nếu chúng ta làm trái ngược với tánh đức, với tự tánh thì chúng ta sai rồi! Chúng ta chưa hiểu rõ điều này vì thời gian chúng ta nghe pháp, thời gian chúng ta được quy nạp chưa đủ!
Ngày nay, một số người nghe người khác nói Phật Bồ Tát không có thật thì họ sẵn sàng quay lại phỉ báng vậy thì họ không đủ tiêu chuẩn làm một người bình thường ở thế gian. Người thế gian nói: “Kính Lão đắc thọ”. Kính người già thì được làm người già. Họ đã từng niệm Phật lâu năm nhưng họ có thể quay lại báng bổ Phật. Tôi đến một ngôi nhà, tôi thấy họ thờ Chúa thì tôi đứng nghiêm túc xá ba xá cung kính. Nếu chúng ta không làm như vậy thì người khác sẽ thấy chúng ta là người không có tư cách đạo đức.
Khi tôi đi làm từ thiện trong trại tâm thần, tôi cũng đến xá chào Chúa ba xá cung kính. Những vị Ma sơ thấy chúng ta thân thiện và họ cũng rất vui. “Kính người” là tính đức trong tự tánh trong mỗi chúng sanh, nếu chúng ta đề khởi được tính đức này thì chúng ta kính trọng tất cả chúng sanh. Phật dạy: “Tất cả thân Nam nhân, Nữ nhân đều là Cha Mẹ trong đời quá khứ của chúng ta và là vị Phật ở tương lai”.
Trên “Kinh Cầu An” nói: “Đáng dùng thân gì để độ chúng sanh thì Bồ Tát sẽ dùng thân đó”. Bồ Tát có thể dùng thân Chúa để độ chúng sanh. Chúng ta đừng quá phân biệt! Có người đến thăm tôi nhưng nhìn thấy bàn thờ Phật thì không xá Phật. Vậy thì họ đến với tôi không phải bằng tâm chân thành vì trong tâm chân thành có tính đức. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng! Chúng ta đừng dùng cái nhìn, cái thấy hạn hẹp của mình để đối nhân xử thế. Chúng ta coi vị Chúa, vị Thánh của họ như một hóa thân của Bồ Tát thì chúng ta sẽ sinh khởi được tâm cung kính.
Hòa Thượng nói: “Không thể có chuyện chúng ta hiếu kính với Cha Mẹ, Thầy Tổ của mình mà không hiếu kính với Cha Mẹ, Thầy Tổ của người. Nếu chúng ta làm như vậy thì đó chưa phải là hiếu kính chân thật vì đó chưa phải là tính đức. Nếu từ tính đức lưu lộ ra thì đó là sự hiếu kính không có phân biệt, chấp trước”. Khi đến giảng ở một số nơi, tôi để họ làm các nghi thức thỉnh Giảng sư vì tôi thấy cần làm ra biểu pháp để đề khởi sự hiếu kính ở các Phật tử. Nếu chúng ta không có tâm cung kính thì chúng ta không thể tiếp nhận những lời của một vị Giảng sư nói.
Tôi đã dịch và nghe Hòa Thượng Tịnh Không giảng gần hai mươi năm, mỗi lời nói của Ngài đều khiến tôi có cảm xúc sâu sắc. Có lần khi dịch đĩa của Hòa Thượng, tôi đã khóc từ sáng đến chiều. Tôi dịch câu nào thì khóc câu đó. Nếu chúng ta nghe một vị Thầy rồi lại chuyển sang vị Thầy khác thì chúng ta giống như Hòa Thượng nói là: “Vô sở thất tùng”. Tâm chúng ta không có chỗ nương về.
Vừa qua, chúng ta tổ chức “Lễ tri ân Cha Mẹ, Vợ Chồng” ở thành phố Hồ Chí Minh, mọi người đều dâng trào cảm xúc. Có thanh niên đã lễ lạy mẹ nhiều lần nhưng lần này anh vẫn khóc rất nhiều. Hiếu dưỡng Cha Mẹ, phụng sự Sư Trưởng là tánh đức của chúng sanh. Tánh đức là vốn có nên không khó để khơi dậy. Sắp tới, chúng ta tổ chức “Lễ tri ân Cha Mẹ” ở nhiều tỉnh thành chắc chắn cũng sẽ khiến cho mọi người dâng trào cảm xúc.
Tôi tin rằng các buổi “Lễ tri ân Cha Mẹ” chắc chắn sẽ thành công. Chúng ta tổ chức nhiều năm, từ nông thôn đến thành thị, mọi người đều rất hưởng ứng. Trong “Kinh Di Lặc Hạ Sanh” nói: “Khi pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật không còn, khoảng thời gian đó không có Phật pháp vậy thì chúng ta chỉ cần hiếu dưỡng Cha Mẹ. Đó chính là Phật sự”.
Ngay thời hiện tại, chúng ta được dạy rất nhiều về hiếu dưỡng Phụ Mẫu. Trong suốt 70 năm Hòa Thượng luôn nhắc nhở chúng ta hiếu dưỡng Cha Mẹ, phụng sự Sư Trưởng. Hòa Thượng nói: “Bây giờ, nếu chúng ta không mau thúc đẩy giáo dục chuẩn mực của người xưa thì 10 năm, 20 năm nữa chúng ta nói cũng sẽ không ai nghe!”. Hòa Thượng đã nói những lời này cách đây 30 năm. Chúng ta may mắn được tiếp nhận lời dạy của Ngài và 10 năm gần đây chúng ta đã triển khai hết sức tích cực.
Mùa Hè vừa qua, chúng ta tổ chức khóa tu 3 ngày ở chùa, các con được đi kinh hành, niệm Phật, được tri ân Cha Mẹ, sau 3 ngày các con đã có thể trở thành đứa trẻ ngoan hiền. Chúng ta đã đề khởi được tính đức vốn có ở chúng sanh. Khi chúng ta tổ chức trại hè ở thành phố Vinh, chúng ta không dùng Phật pháp mà chúng ta chỉ nhắc nhở các con bổn phận làm người là phải hiếu thảo với Cha Mẹ. Sau 3 ngày, phụ huynh của con đều ngạc nhiên vì sau thời gian ngắn con của họ đã hoàn toàn thay đổi. Họ cho rằng đó là phép màu. Họ không biết rằng cái “vốn có” thì chúng ta dễ dàng để khởi, cái “vốn không” thì chúng ta muốn đưa vào cũng không dễ. Cái “vốn có” chính là hiếu kính.
Người xưa nói: “Tánh tương cận, tập tương viễn”. Tính đức vốn có của chúng ta là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Những điều tập nhiễm như “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì có thể được loại bỏ. Ngày trước, chúng ta phải dụng công rất nhiều để giúp mọi người đề khởi tính đức nhưng hiện tại chúng ta chỉ cần dẫn dắt thì sau đó mọi người tự biết cần làm gì.
1000 năm trước người xưa nói về hiếu kính, hiện tại và 1000 năm sau mọi người vẫn sẽ nói về hiếu và kính. Chúng ta tổ chức các buổi lễ một cách “chí công vô tư”, hoàn toàn không có tư lợi thì các buổi Lễ sẽ diễn ra thành công. Tôi nói lời này, nếu 10 năm, 20 năm, 30 năm nữa tôi không còn thì mọi người có thể kiểm chứng!
Khi đọc đề tài này, tôi rất cảm xúc. Trong “Hiếu Kinh” nói: “Chúng ta sinh ra đời không gặp Phật nhưng chúng ta khéo thờ phụng Cha Mẹ thì cũng như chúng ta cúng dường chư Phật”. Chúng ta phát huy đạo đức, văn hóa của người xưa cũng chính là chúng ta phát huy sự hiếu kính. Chúng ta trên thuận với Phật, với Thánh Hiền dưới thuận với tánh đức của chúng sanh vậy thì sao mà không thành công được!
Thế giới của Tây Phương Cực Lạc là thế giới của hiếu kính, nếu chúng ta không quay về được với tự tánh hiếu kính thì chúng ta không đủ tư cách đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Rất nhiều người nói tôi xen tạp, trước khi tôi triển khai 1200 đề tài, tôi đã đề cao Hiếu Đạo. Trước đây, tôi đi khắp nơi khuyên mọi người tổ chức Lễ tri ân Cha Mẹ. Chúng ta đã tổ chức những Lễ tri ân Cha Mẹ lớn nhất thế giới. Chúng ta tổ chức các “Lễ tri ân Cha Mẹ” đó là chúng ta trị ngọn. Chúng ta trị tận gốc là chúng ta mở trường dạy đạo đức cho trẻ lứa tuổi mầm non. Hiện nay, các con 2 tuổi đã biết quỳ lạy, nói lời yêu thương Cha Mẹ. Chúng ta đang giúp mọi người trở về với tánh đức của mình.
Hiện nay, trên khắp cả nước các buổi “Lễ tri ân Cha Mẹ” đã diễn ra một cách phổ biến. Trước đây, hầu như mọi người chưa biết đến việc lễ lạy, rửa chân cho cha mẹ. Khi chúng ta tổ chức khoá tu ở Bắc Ninh, một vị Sư ông nói: “Tôi sống hơn 80 năm rồi nhưng tôi chưa thấy người sống lạy người sống! Người sống lạy người sống sao mà ý nghĩa vậy!”. Hôm đó, Sư ông dẫn 40 cháu nhỏ đến tham gia khóa tu, các con đều cảm thấy gia đình tu tập của mình rất thân thiết, yêu thương nên các con không muốn về nhà. Hiện tại, khóa tu mùa Hè ở chùa Phúc Long, tỉnh Bắc Ninh các con đến tham gia rất đông. Nếu không gian chùa lớn hơn thì chúng ta có thể nhận nhiều các con hơn!
Hòa Thượng nói: “Phật nói: “Khi Phật pháp không còn, khéo thờ phụng Cha Mẹ là Phật sự”. Vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật giao việc giáo hóa chúng sanh cho Bồ Tát Địa Tạng mà ngài không giao việc này cho Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Văn Thù? Vì Bồ Tát Địa Tạng là biểu thị cho Hiếu Thân Tôn Sư. Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự Sư Trưởng. Khi thế gian không có Phật pháp, chúng ta thực tiễn Hiếu Thân Tôn Sư thì cũng như chúng ta đang phụng sự Phật. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của biểu pháp này!”.
Hòa Thượng nói: “Giáo huấn của Phật Đà từ lúc khởi đầu đến khi kết thúc chính là câu nói trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, đó là: “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng”. Phật dạy người từ lúc bắt đầu đến lúc viên mãn, thiên Kinh vạn luận, trường kiếp tu hành đến sau cùng cũng chỉ là hai điều này. Từ sơ phát tâm đến khi thành Phật đều là Hiếu Thân Tôn Sư”. “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu” không phải là chúng ta phải quay về nhà báo hiếu với Cha Mẹ hiện đời mà chúng ta còn có duyên với rất nhiều Cha Mẹ trong thiên hạ. Chúng ta cần sắp xếp người hiếu dưỡng Cha Mẹ đời hiện đời chu đáo. Chúng ta hiếu dưỡng với Cha Mẹ, với Thầy của người cũng chính là chúng ta đang hiếu kính với Cha Mẹ, với Thầy của mình.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải hiểu tường tận, rõ ràng đạo lý Hiếu Thân Tôn Sư. Chúng ta phải thực tiễn ngay trong đối nhân xử thế tiếp vật hàng ngày”. Ngài Thiện Tài Đồng Tử tham vấn 52 người thuộc tất cả những thành phần trong xã hội. Hòa Thượng nói: “Vì sao Thiện Tài Đồng Tử mau thành Phật như vậy? Vì tất cả mọi người đều là Thầy còn Ngài là học trò”. Chúng ta đã có tâm cảnh tất cả mọi người là Thầy còn chúng ta là học trò chưa?
Hòa Thượng nói: “Do đây có thể biết thiên kinh vạn luận, tất cả thời pháp Phật nói trong 49 năm, đều là không ngoài đại đạo lý của “Hiếu Thân Tôn Sư”. Phật đều dạy chúng sanh thực hành Hiếu Đạo và Sư Đạo”.
Hòa Thượng từng nói: “Sở dĩ tôi có một chút thành tựu là vì tôi biết nghe lời!”. Khi Mẹ Hòa Thượng qua Singapore thăm Ngài sau nhiều chục năm xa cách, bà không ăn được đồ chay nên Hòa Thượng dặn mọi người chuẩn bị đồ ăn mặn cho bà. Mọi người đặt đồ ăn cho bà ở nhà hàng chứ không trực tiếp sát sanh. Sau một thời gian ngắn, bà thấy mọi người đều ăn chay thì bà cũng phát tâm chuyển sang ăn chay.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải đem đạo lý “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng” hiểu rõ ràng tường tận để chúng ta thực tiễn ngay trong đời sống, ngay trong khởi tâm động niệm”. Chúng ta muốn làm được hiếu dưỡng Phụ Mẫu thì chúng ta phải làm được 113 điều trong “Phép tắc người con”. Chúng ta muốn biết cách phụng sự Sư Trưởng thì chúng ta phải học Phật pháp. Nếu chúng ta chỉ hàng ngày chăm sóc về sức khỏe, vật chất bên ngoài cho Sư Trưởng thì chúng ta sai rồi!
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!