213Chủ Nhật, 04/09/2022, 19:51
993 · Những Tiêu Chuẩn Giới Định Tà Chánh

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 31/08/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 993

“NHỮNG TIÊU CHUẨN GIỚI ĐỊNH TÀ CHÁNH”

Giới định” là giới hạn như thế nào là tà, như thế nào là chánh. Chúng ta cho rằng mình đang làm việc tốt, việc lợi ích chúng sanh nhưng có thể đó là chúng ta đang ngộ nhận. Nếu không có những tiêu chuẩn thì chúng ta sẽ không thể phân biệt tà và chánh. Ngày xưa, Phật quy định khi nhận đồ cúng dường thì người nhận phải hỏi đại chúng: “Phẩm vật này có thanh tịnh không?”. Chúng ta cúng Phật, cúng chúng tăng thì phải cúng vật thanh tịnh. Thí dụ chúng ta ăn trộm, sau đó chúng ta mang vật đó vào cúng dường thì vật đó không thanh tịnh.

Hòa Thượng nhắc chúng ta những tiêu chuẩn để phân định, hạn định giữa tà và chánh. Nhiều người thế gian làm những việc phi pháp nhưng họ cho rằng đó là việc bình thường. Đó là ý niệm vô cùng sai lầm! Thí dụ chúng ta không tuân thủ những quy định như ra đường phải đội mũ bảo hiểm, phải đeo khẩu trang. Đó là những hành vi trái pháp luật. Chúng ta là người học Phật, học chuẩn mực đạo đức Thánh Hiền mà chúng ta làm như vậy thì chúng ta lại càng sai! Chúng ta đã vi phạm phép nước, lệ làng. Những quy định này chúng ta không làm được thì chúng ta không thể làm được những việc lớn hơn!

Ngày nay, người học Phật thường vi phạm những quy định này, họ cho đó là điều bình thường vì nhiều người cũng vi phạm. Thí dụ chúng ta nhìn thấy nhiều người vượt đèn đỏ nên chúng ta cũng vượt. Họ tạo thành thói quen xấu mà chúng ta lại làm theo vậy thì chúng ta sai rồi! Chúng ta phải tạo thói quen tốt làm gương cho mọi người. Họ không dừng đèn đỏ thì chúng ta sẽ dừng. Người khác nhìn thấy chúng ta dừng lại hay vượt đèn đỏ thì họ cũng sẽ làm theo chúng ta. Nhiều người không dừng đèn đỏ nên họ bị cảnh sát giao thông giữ lại vì họ đã vi phạm pháp luật.

Hòa Thượng nói: “Phật giáo huấn chúng sanh những điều căn bản nhất đó là đoạn ác tu thiện, hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng. Đối với Cha Mẹ thì chúng ta phải hiếu dưỡng. Đối với Sư Trưởng thì chúng ta phải nghe lời và làm theo. Đối với Quốc gia thì chúng ta phải giáo hóa mọi người biết được nhân quả báo ứng, biết được an phận giữ mình”. “An phận” không phải là chúng ta cầu an mà chúng ta an với bổn phận của mình. Chúng ta là một công dân, một người lãnh đạo hay một giáo viên thì chúng ta làm tốt nhất bổn phận, vai trò của mình. Chúng ta phản tỉnh xem chúng ta đã làm tốt vai trò, bổn phận của mình chưa? Chúng ta phải làm tận trách nhiệm, tận bổn phận. Đó chính là “An phận thủ kỳ”. Nghĩa là chúng ta biết được vai trò, bổn phận của mình. Có người cho rằng họ là lãnh đạo nên họ có quyền hưởng thụ. Họ bóp nghẹt, bớt xén đời sống của công nhân, nhân viên. Đời sống của công nhân, nhân viên khó khăn thì họ sinh oán, không tận tâm tận lực làm việc.

Tổ Sư Ấn Quang đã dạy chúng ta: “Đốn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, nhất tâm niệm Phật”. Chúng ta phải làm tốt nhất vai trò, trách nhiệm của mình để làm ra tấm gương để người khác làm theo. Mỗi chúng ta đều có năng lực trở thành người phi thường nhưng chúng ta không muốn làm, chúng ta sợ khổ, sợ khó nên chúng ta dần mất đi năng lực đó. Chúng ta chỉ cần dấn thân, không sợ khổ, không sợ khó khoảng ba năm thì chúng ta sẽ hoàn toàn thay đổi!

Tôi là người có xuất phát điểm rất thấp. Tôi sinh ra ở miền quê, gia đình đông con, đời sống vật chất rất thiếu thốn. Khi còn nhỏ, ngày mùng 2 Tết tôi đã phải đi ra đồng làm việc. Khi đó, tôi rất khó chịu. Tôi phải ra đồng mang rơm về vì mùng 4 họ xả đập, nước tràn về sẽ làm ướt hết rơm. Nhờ Cha Mẹ rèn luyện nên tôi có một chút năng lực. Khi lớn lên, tôi tự ý thức được nên dần dần hoàn thiện năng lực của chính mình. Chúng ta lười biếng thì chúng ta không giúp ích được cho bản thân mà còn gây hại cho gia đình, cho xã hội!

Hòa Thượng nói: “Trong “Kinh Phạm Võng – Giới Kinh” dành cho người xuất gia, Phật dạy chúng ta hai điều rất cơ bản. Điều thứ nhất là chúng ta không được làm giặc Quốc gia. Chúng ta không được bán rẻ lợi ích quốc gia, chia rẽ dân tộc, khiêu khích phải quấy, tốt xấu. Điều thứ hai là bất báng Quốc trụ. Chúng ta không được nói những lời hủy báng, xúc phạm những người lãnh đạo Quốc gia. Người lãnh đạo quốc gia là trung tâm tín nhiệm của cả quốc gia. Nếu chúng ta có lời nói làm nhân dân ngộ nhận dẫn đến hoài nghi thì sự an nguy của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể có kiến nghị nhưng không được hủy báng.Chúng ta làm được việc này thì chúng ta đến bất cứ quốc gia nào trên thế giới chúng ta cũng được hoan nghênh!”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook