Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 30/08/2022.
***********************
“TƯỜNG TẬN NHÂN QUẢ, NHÂN TRƯỚC QUẢ SAU”
Chúng sanh trong mười cõi là “Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc Sanh, Người, Trời, A-tu-la, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật” đều không thể thay đổi được nhân quả. Chúng ta gặp khó khăn, chướng ngại thì chúng ta thường oán trời, trách đất, đổ thừa cho số phận. Chúng ta không biết đó là do nhân quả chính mình đã tạo. Đề tài này Hòa Thượng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng chúng ta đều vẫn nghi ngờ đối với nhân quả. Chúng ta chưa hoàn toàn tin vào nhân quả. Nếu chúng ta hoàn toàn tin vào nhân quả thì chúng ta sẽ hoàn toàn tự tại, không phiền não, buồn khổ bởi hoàn cảnh bên ngoài.
Ngày trước, Hòa Thượng về thăm Thầy là Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Lão Cư sĩ nói: “Ông phải tin Phật!”. Khi đó, Hòa Thượng nghĩ: “Mình đã giảng Kinh, nói pháp vậy mà vẫn chưa phải là đã tin Phật sao!”. Sau đó, Hòa Thượng phản tỉnh lại bản thân, nếu Ngài hoàn toàn tin Phật thì Ngài đã “y giáo phụng hành”, làm theo tất cả những lời dạy của Phật. Lời nói của Lão sư đã nhắc nhở, cảnh tỉnh chúng ta phải hoàn toàn tin ở Phật. Nếu chúng ta hoàn toàn tin ở Phật thì khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chúng ta sẽ hoàn toàn khác!
Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. Một bữa ăn một ngụm nước đều do tiền định. Tiền tài, địa vị, hoàn cảnh sống của chúng ta đều là nhân trước quả sau. Người hiểu được điều này họ sẽ luôn nỗ lực, phấn phát, “thương công tiếc việc”, không chểnh mảng. Người không hiểu được việc này thì “lánh nặng tìm nhẹ”.
Tôi thường khuyên mọi người: “Những gì ta bỏ ra ta không được nhận bằng tiền thì ta sẽ nhận bằng phước báu. Những gì ta được nhận mà ta không phải trả bằng tiền thì ta phải trả bằng phước báu trong sinh mạng”. Phước báu trong sinh mạng của chúng ta rất ít, chúng ta tiếp tục hoang phí phước báu thì đời sống của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, hoạn nạn.
Nhiều người phải làm việc vất vả, gom góp, tiền để mua xe, mua nhà. Cũng có những người luôn vì người khác lo nghĩ nhưng họ vẫn có xe, có nhà. Việc này diễn ra rất phổ biến trong cuộc sống. Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Phải tường tận, rõ ràng, thấu đáo nhân quả”. Không có việc gì ở thế gian vượt ngoài nhân quả. Tất cả mọi việc đều là nhân trước quả sau. Chúng ta cố gắng tạo nhân tốt thì sẽ được nhận quả tốt. Hòa Thượng nói: “Trong vòm trời này, không ai có thể chiếm được chút tiện nghi của người khác”.
Người xưa nói: “Người có trí tuệ đem vật chất chuyển thành phước báu. Người không có trí tuệ đem phước báu chuyển thành vật chất”. Thí dụ chúng ta trồng rau sạch mang tặng cho người hay chúng ta cống hiến tài năng, trí tuệ đó chính là chúng ta chuyển vật chất thành phước báu. Nhiều người làm được một chút việc thì họ mong được nhận ngay thành quả, đãi ngộ. Đạo lý này rất ít người hiểu. Chúng ta mong cầu có nhà, có xe, có đời sống thảnh thơi. Đó là chúng ta muốn đem phước báu chuyển thành vật chất.
Tôi đã khóc khi Nghe Hòa Thượng nói: “Tôi ở nhà Cư sĩ trong 30 năm”. Sau khi dịch đĩa Hòa Thượng một thời gian tôi đã có cơ duyên chuyển về ngôi nhà này sống. Người thế gian luôn tất bật vì những thứ vật chất bên ngoài, họ không thể mở tâm vì người khác lo nghĩ. Chúng ta vì người khác lo nghĩ thì sẽ có người vì chúng ta lo nghĩ. Nhiều người không có con, không có gia đình nên họ lo lắng khi già sẽ không có ai chăm sóc, không có nơi để sống. Đó là ý nghĩ vọng tưởng.
Hòa Thượng không có con, không có gia đình, không có tài sản nhưng sau hơn 70 năm bôn ba giảng Kinh khắp thế giới, Ngài về ở một ngôi chùa rất khang trang tên là chùa Cực Lạc. Khi Ngài mất, Phật tử từ khắp nơi trên thế giới niệm Phật cho Ngài trong suốt 49 ngày. Ngài không có con nhưng có rất nhiều học trò. Nhiều gia đình có con trai nhưng khi về già người con trai cầm giấy báo nợ về để Cha Mẹ phải trả. Người thế gian sống trong mê hoặc, điên đảo, nhận giả thành thật, xấu cho thành tốt!
Hòa Thượng một đời vì người bôn ba, không một chút vì mình mà lo nghĩ. Những dự định vì chúng sinh của Ngài luôn là: “Tâm tưởng sự thành”. Chúng ta có khu đào tạo ở Đà Nẵng như một phép màu. Người tặng đất cho chúng ta cũng không hiểu tại sao chúng ta xây dụng nhanh, thù thắng như vậy. Chúng ta không nên tự tư ích kỷ, chỉ lo nghĩ cho tài sản, sự nghiệp của mình.