174Thứ Hai, 29/08/2022, 20:25
989 · Nguời Có Trí Tuệ Nhất Định Không Khống Chế Người Khác

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 27/08/2022

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 988

“NGUỜI CÓ TRÍ TUỆ NHẤT ĐỊNH KHÔNG KHỐNG CHẾ NGƯỜI KHÁC”

Người có trí tuệ biết rằng ta và chúng sanh là một thể. Tự tánh của chúng ta và tất cả chúng sanh là như nhau, đều là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Chúng ta đề khởi được tự tánh của mình thì chúng sanh cũng sẽ thuận theo. Đó chính là thuận theo tự tánh, thuận theo tánh đức.

Hòa Thượng nói: “Người nào khống chế, muốn người khác làm theo cách của mình thì người đó chắc chắn sẽ phiền não”. Phật Bồ Tát, Thánh Hiền không có ý niệm khống chế, chiếm hữu. Các Ngài đề khởi mọi việc từ ở nơi tự tánh từ đó chúng sanh quy phục, tiếp nhận, nỗ lực làm theo. Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Trên bước đường giải thoát ta chỉ là kẻ dẫn đường, các con phải tự nỗ lực đi đến bên bờ của giải thoát”.

Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức thuận theo tự tánh không thuận theo cảm tình làm việc. Con người thuận theo cảm tình làm việc nên có sự khống chế, chiếm hữu. Cảm tình là mê. Chúng ta biết mình mê nhưng chúng ta vẫn để cho mình mê. Đây là nghiệp chướng của mỗi chúng ta. Chúng ta mê nên chúng ta vì ta, cái của ta. Người ta mắng người khác thì chúng ta không có cảm xúc nhưng họ mắng chúng ta thì chúng ta lập tức phản ứng. Chúng ta phản ứng trước những lời khen, chê của người khác. Chúng ta giống như con tắc kè hoa ngay lập tức phản ứng bằng cách chuyển màu. Cảm xúc của chúng ta biến chuyển vô thường.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải dùng trí tuệ để khai hoá tất cả những tình kết. Trí tuệ từ tâm chân thành lưu xuất ra. Tâm chân thành là tâm vô tư, không có sự chiếm hữu, khống chế. Nếu chúng ta còn ý niệm khống chế và chiếm hữu thì chúng ta không chân thành mà chúng ta tự tư tự lợi”.

Khi tôi đi giảng, nếu tôi ghi ra những gạch đầu dòng nội dung chính thì tôi sẽ nói bằng tâm ý thức. Buổi chia sẻ nào tôi dùng tâm ý thức để nói thì tôi sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Buổi chia sẻ nào tôi không ghi ra nội dung chính thì tôi cảm thấy rất an lạc. Khi đó, tôi nói chuyện bằng sóng tâm. Tâm chúng ta xa lìa đúng sai, phải trái, hơn thua thì chúng ta sẽ an lạc.

Thí dụ “Lễ tri ân Cha Mẹ” ở thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra rất thành công vì vậy chúng ta cảm thấy áp lực khi chuẩn bị cho “Lễ tri ân ở Đà Nẵng”. Đó là chúng ta tự làm khổ mình! Tổ Sư Đại Đức đã dạy chúng ta: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng việc gì”. Chúng ta làm việc tốt mà tâm chúng ta bị chi phối bởi tốt xấu, phải quấy, hơn thua thì chúng ta đã đánh mất đi tâm thanh tịnh.

Hòa Thượng nói: “Trí tuệ xuất phát từ tâm chân thành. Tâm chân thành thì không có ý niệm khống chế, chiếm hữu, hoàn toàn chí công vô tư. Người có trí tuệ nhất định không khống chế người khác. Tất cả những ác nghiệp đều hình thành từ ý niệm chiếm hữu, khống chế”. Các bậc cổ đức đã phân tích, trong cuộc sống chúng ta có cái “cần có” là được. Chúng ta cần có cơm ăn, áo mặc, nhà ở. Ý niệm về cái “nên có”, “phải có”, “đáng được có” là ý niệm chiếm hữu, ác nghiệp từ đó mà sinh ra.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta chân thật có trí tuệ thì chúng ta nhất định không có ý định khống chế, chiếm hữu người khác. Khi chúng ta đối xử với chúng sanh chúng ta sẽ không kết oan gia với người. Chúng ta hiểu đạo lý này thì chúng ta biết cách đối xử với tất cả những oan gia trái chủ hữu hình, vô hình”. “Oan gia trái chủ hữu hình” là oan gia chúng ta có thể biết vì trong đời này chúng ta đã gây phiền, đã chọc giận họ. “Oan gia trái chủ vô hình” là oan gia chúng ta đã tạo ra trong đời quá khứ nên chúng ta không biết họ.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải ở trong trí tuệ cao độ như trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói: “Trụ chân thật huệ”. Đây là trí tuệ chân thật của tự tánh. Trí tuệ chân thật từ trong tâm chân thành mà ra. Trong tâm chân thành là vô tư, không có ý niệm khống chế và chiếm hữu. Từ ý niệm khống chế, chiếm hữu sẽ tạo ra rất nhiều ác nghiệp”.

Hòa Thượng nói: “Người xưa nói: “Ngẩng đầu ba thước có thần minh”. Chúng sanh vô hình nhiều hơn chúng sanh hữu hình vô số lần. Chúng ta không nhìn thấy Chư Phật Bồ Tát, Thiên Địa Quỷ Thần, Yêu Ma Quỷ Quái. Trong những chúng sanh này có thiện cũng có ác, số lượng nhiều vô lượng vô biên. Chúng sanh hữu hình, chúng sanh vô hình đều có duyên phận với chúng ta, từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta có liên hệ, đều từng là thân bằng quyến thuộc với họ. Thế Tôn nói : “Mối quan hệ phức tạp giữa chúng sanh không ngoài bốn nhân duyên: “Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook