Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 28/08/2022
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 990
“TRÊN KINH PHẬT DẠY CHẤP TRÌ DANH HIỆU”
Trên Kinh dạy chúng ta “chấp trì danh hiệu” là trong tâm chúng ta giữ chặt danh hiệu “A Di Đà Phật”. Danh hiệu chỉ có bốn chữ là “A Di Đà Phật”. Rất nhiều người không biết cách niệm Phật như thế nào là đúng! Chúng ta tụng “Kinh A Di Đà” chỉ trong khoảng 15 phút nhưng khi tụng chúng ta vẫn “hữu khẩu vô tâm”. Có miệng nhưng không có tâm. Tổ Sư Đại Đức nhắc chúng ta nhiều lần về cách chấp trì danh hiệu Phật nhưng chúng ta không nhớ!
Hòa Thượng nói: “Kinh A Di Đà” dạy chúng ta chấp trì danh hiệu, giữ chặt trong tâm chúng ta câu “A Di Đà Phật”. Danh hiệu chỉ có bốn chữ. Đại Sư Liên Trì nói: “Tam tạng, 12 bộ Kinh dành để người khác ngộ”. Kinh điển Phật đã nói dành để người khác đọc tụng, nghiên cứu, ngộ nhập còn Ngài chỉ đọc một bộ Kinh A Di Đà, niệm một câu “A Di Đà Phật”. Ngài niệm bốn chữ không niệm sáu chữ”. “Chấp trì” là gìn giữ, giữ chặt, buộc chặt. Đại Sư Liên Trì là một vị Tổ sư của Tịnh Độ, Ngài chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật”. “Kinh A Di Đà”, các bậc Tổ Sư Đại Đức và Hòa Thượng Tịnh Không đều dạy chúng ta niệm câu “A Di Đà Phật”, chúng ta theo đó mà tu tập!
Tôi không có bí quyết niệm Phật, Hòa Thượng dạy tôi niệm một câu “A Di Đà Phật”. Có người cho rằng phải sám hối nghiệp chướng, giải trừ oan gia. Trên “Kinh Sám Hối” dạy: “Tội từ tâm khởi phải từ tâm sám, tâm thanh tịnh rồi thì tội liền không”. Tội từ nơi tâm khởi nên chúng ta phải kiểm soát từ nơi tâm. Chúng ta gặp thuận cảnh không sinh tâm ưa thích, gặp nghịch cảnh không sinh tâm chán ghét. Chúng ta phải kiểm soát mọi khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chúng ta. Hòa Thượng nói: “Người khác chỉ khởi ý dành thì chúng ta nhường. Người ta dành nữa thì chúng ta nhường nữa. Người ta dành nữa thì chúng ta nhường nữa”. Chúng ta kiểm soát tâm để không phạm phải “Tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. Đó là chân thật sám hối. Nếu chúng ta sám hối nhưng tâm chúng ta vẫn đầy đủ những tập khí, phiền não thì chúng ta vẫn đang tạo tội.
Người xưa rất thiện căn, trong giấc ngủ họ cũng nằm mơ họ đang làm việc thiện, đang tu tập. Chúng ta trong giấc ngủ vẫn tạo nghiệp, vẫn làm những việc “thị phi nhân ngã”, những việc “danh vọng lợi dưỡng” vậy thì chúng ta biết thiện căn của chúng ta rất ít. Chúng ta phải sám hối từ trong tâm. Chúng không tái phạm lỗi cũ, không tạo lỗi mới đó là chân thật sám hối.
Có người nói với tôi hàng ngày họ đọc bài sám hối dài bằng 5 tờ giấy. Sau khi họ sám hối xong thì họ cầu xin rất nhiều điều như tai qua nạn khỏi, mua bay bán đắt, con thi đỗ đạt. Bài trước, Hòa Thượng dạy: “Chúng ta phải đem tất cả những công đức hồi hướng cho tất cả chúng sanh khắp pháp giới để chúng sanh cùng hưởng”.
Hòa Thượng nói: “Tôi sở dĩ có chút thành tựu, không gì khác hơn là nghe lời, thật làm”. Ngài nghe lời Phật, nghe lời Tổ Sư Đại Đức. Trên “Kinh A Di Đà” dạy chúng ta: “Nếu chúng sanh nào niệm câu “A Di Đà Phật” từ một ngày đến bảy ngày mà nhất tâm bất loạn thì đích thân Phật A Di Đà và Thánh Chúng đến tiếp dẫn”. “Nhất tâm bất loạn” là tâm không tán loạn. Nhiều người sợ Phật, Long Thiên Thiện Thần không nghe được tiếng họ niệm Phật nên họ đọc rất dài!
Hòa Thượng đã dạy chúng ta bí quyết tu hành là: “Nghe lời và thật làm”. Người chân thật có thành tựu là người nghe theo lời của Phật, của Tổ Sư Đại Đức và thật làm. Nhiều người nghe nghe Hòa Thượng nói phải tụng “Kinh Vô Lượng Thọ” 3000 lần nên họ làm theo. Chúng ta phải quan sát Hòa Thượng nói trong hoàn cảnh nào, cho những đối tượng nào. Đó là Hòa Thượng khuyên những người tâm còn dao động, những người này càng tham gia nhiều pháp hội thì tâm họ càng động. Hòa Thượng nói: “Chúng ta có đủ can đảm suốt cuộc đời này chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật” không!”. Lời dạy của Ngài tương ưng với lời dạy của “Kinh A Di Đà” và Ngài Liên Trì.