17127/08/2022, 06:13 27/08/2022, 19:39
986 · Niệm Phật Tiêu Nghiệp Không Nên Nói Lời Thừa

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 24/08/2022

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 986

“NIỆM PHẬT TIÊU NGHIỆP KHÔNG NÊN NÓI LỜI THỪA”

Hòa Thượng khẳng định: “Chúng ta niệm Phật sẽ tiêu được nghiệp, chúng ta nói những lời thừa là tạo nghiệp”. Hàng ngày, chúng ta thường nói lời thừa, những lời này dễ tạo thị phi, đúng sai, phải trái, tốt xấu làm cho người khác hiểu lầm chúng ta. Chúng ta nên niệm Phật vì chúng ta niệm Phật thì chúng ta không niệm vọng tưởng, niệm tài, sắc, danh, thực, thùy. Hàng ngày, chúng ta nhớ làm nhiều việc nhưng việc niệm Phật để ngăn chặn vọng tưởng thì chúng ta ít khi nhớ. Bản thân tôi cũng vậy, tôi cũng đã viễn ly, hạn chế mức thấp nhất những nhu cầu của cuộc sống nhưng tôi vẫn không thường nhớ đến việc niệm Phật.

Khi Hòa Thượng giảng “Kinh Hoa Nghiêm Áo Chỉ”, Ngài nói: “Suốt 36 năm không ngày nào tôi không niệm Phật, giảng Kinh, nói pháp thế nhưng phiền não trong tôi vẫn dấy khởi!”. Hòa Thượng đã hành trì miên mật, hạ mức thấp nhất tài, sắc, danh, thực, thùy nhưng phiền não vẫn dấy khởi. Chúng ta là những người mới học Phật, hàng ngày chúng ta vẫn tùy tiện trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật nên chúng ta tạo nghiệp nhiều hơn tiêu nghiệp. Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Chúng ta nên niệm Phật, niệm Phật có thể tiêu nghiệp”. Hàng ngày, chúng ta nói nhiều những lời thừa thì chắc chắn tạo ra nhiều nghiệp.

Hòa Thượng nói: “Hàng ngày, chúng ta cảm thấy không tự tại đó là chúng ta bị nghiệp trói buộc. Phật dạy chúng ta phải buông bỏ vạn duyên. Chúng ta buông bỏ được vạn duyên thì ngay trong đời sống chúng ta sẽ rất tự tại không luận là trong thuận cảnh, hay nghịch cảnh. Mỗi giờ, mỗi lúc chúng ta đều giữ thân tâm chúng ta thanh tịnh”. Chúng ta bị trói buộc bởi 16 chữ “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. “Buông bỏ vạn duyên” nghĩa là chúng ta buông bỏ trên nội tâm, nội tâm không lưu lại, không dính mắc. Trên hình thức chúng ta làm làm tất cả mọi việc đến mức tốt nhất. Tổ Ấn Quang đã dạy: “Đốn luân tận phận”. Làm tốt nhất vai trò, trách nhiệm của mình. Chúng ta vừa làm lợi ích cho chúng sanh vừa làm biểu pháp cho chúng sanh.

Có những người cho rằng buông bỏ vạn duyên là buông bỏ công ăn việc làm, nhà cửa, vợ chồng, con cái. Điều này hết sức sai lầm! Pháp sư Ngộ Đạo đã hiệu đính lại: “Một số người nghe Hòa Thượng nói phải buông bỏ vạn duyên thì họ buông bỏ sự nghiệp, gia đình, vợ con. Điều này hoàn toàn sai lầm!”. Chúng ta chỉ buông bỏ trên tâm còn mọi việc ở thế gian chúng ta làm đến mức tốt nhất. Nhiều người trên hình tướng có vẻ buông bỏ nhưng trong nội tâm thì họ vẫn dính chặt “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. Họ tham nhưng không có được thì họ sân, họ sân không được thì họ si mê. Nhiều người chấp trước, họ cho rằng người niệm Phật mà học “Đệ Tử Quy”, làm việc lợi ích chúng sanh là xen tạp. Chúng ta đã học đề tài: “Phải phát ra đại nguyện của Phật”. Phát đại nguyện của Phật là: “Chúng ta phải phát tâm vì tất cả chúng sanh tận hư không khắp pháp giới mà phục vụ”. Đây chính là phát ra đại nguyện làm Phật. Chúng ta thành Phật không phải để được hưởng phước ở một cõi an vui, tự tại. Có người nói với tôi “Lễ tri ân Cha Mẹ” vừa rồi tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh để lại ấn tượng rất tốt đẹp. Trong phần tri ân Cha Mẹ, vợ chồng đều có các bài hát rất nhẹ nhàng, cảm xúc. Phần này diễn ra rất tự nhiên mà không có sự sắp đặt.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta không tự tại mà chúng ta luôn vướng bận, phiền não vì chúng ta quá dính mắc”. Trên hình thức thì chúng ta tưởng chừng như buông xả nhưng trong nội tâm chúng ta vẫn dính chặt. Chúng ta tưởng chúng ta không có vọng tưởng nhưng chúng ta đang chìm ngập trong vọng tưởng. Chúng ta không biết mình nên đi đâu, làm gì! Hòa Thượng Tuyên Hóa đã nói: “Chúng ta mơ mơ hồ hồ sống thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ đi về thế giới mơ mơ hồ hồ”. Hàng ngày, chúng ta minh tường, giải quyết mọi việc một cách vừa vặn, thích hợp, thỏa đáng thì đó là chúng ta có trí tuệ. Nếu chúng ta mơ mơ hồ hồ từ sáng đến tối thì khi chết đi chúng ta cũng mơ mơ hồ hồ. Chúng ta không cần hỏi ai, tự chúng ta biết mình sẽ đi về đâu!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook