11123/08/2022, 13:06 25/08/2022, 07:55
985 · Muốn Ra Khỏi Luân Hồi Thì Không Nên Tạo Nghiệp Luân Hồi

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 23/08/2022

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 985

“MUỐN RA KHỎI LUÂN HỒI THÌ KHÔNG NÊN TẠO NGHIỆP LUÂN HỒI”

Chúng ta đi vào vòng sinh tử luân hồi hay chúng ta đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là do nhân quả định đặt. Chúng ta không muốn đi vào luân hồi thì chúng ta đừng tạo nhân của luân hồi. Chúng ta muốn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta phải trồng thật sâu nhân của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta đi vào luân hồi hay chúng ta về thế giới Tây Phương Cực Lạc đều do công phu tu tập của mỗi người.

Trong Kinh đã nói: “Như thị nhân như thị quả”. Nhân như thế nào thì quả nhất định như thế đó. Chúng ta đã tạo nhân thì nhất định sẽ phải gặp quả. Chúng ta làm vườn thì chúng ta sẽ hiểu rõ về điều này. Có những hạt giống bị chôn sâu trong lòng đất, chúng ta xới đất lên, những hạt giống đó gặp ánh nắng, hơi ấm, nước, không khí sẽ nảy mầm. Ngày trước, tôi trồng rau cải xanh, hạt già rụng xuống đất, khi tôi cuốc đất lên để phơi đất trồng cây khác thì có những cây rau cải mọc lên. Hạt giống là nhân. Chúng ta tạo nghiệp luân hồi thì nhất định phải đi vào luân hồi. Nghiệp nhân của luân hồi là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. 16 chữ này là những đầu mục ngoài ra còn rất nhiều tập khí, xấu ác khác.

Hòa Thượng nói: “Trên Đại Kinh Phật nói: “Người thế gian tham dục nên tạo ra rất nhiều những nghiệp bất thiện”. Trong những nghiệp bất thiện người thế gian tạo tác, chúng ta nhìn thấy rõ nhất nhất là nghiệp sát. Những chúng sanh bị giết hại nhất định có oán hận, oán hận này rất khó tiêu trừ tạo thành oan oan tương báo không thể kết thúc. Khi đối nhân xử thế tiếp vật, chúng ta phải nhường nhịn, vạn nhất không nên kết oán với chúng sanh”.

Câu chuyện nhân quả về Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư và Triệu Thấu, rất đáng để chúng ta phản tỉnh. Ngài Ngộ Đạt tu hành tinh tấn, Ngài đã 10 đời làm cao tăng, công đức, phước báu rất lớn. Triệu Thấu sau khi cảm thấy oan ức nên tức giận mà chết thì luôn đi theo Ngài Ngộ Đạt để chờ cơ hội trả thù. Đến đời thứ 10, Ngài Ngộ Đạt có phước báu làm Thầy của vua. Khi Ngài Ngộ Đạt khởi lên một niệm thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng” là: “Quốc sư như ta mới đáng ngồi ở cái tòa trầm hương này!”. Khi đó, Triệu Thấu liền nắm lấy cơ hội báo thù, mọc thành thành một ghẻ mặt người ở đầu gối Ngài Ngộ Đạt. Trước đây, chúng ta chỉ nghe thấy bệnh này trên Kinh nhưng ngày nay, cũng có người bị bệnh này, ghẻ mặt người sẽ dần dần ăn thịt của người đó.

Chúng ta tạo nghiệp nhất định phải nhận quả báo. Trong “Kinh Nhân Quả” nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ Tát làm việc gì cũng chú trọng xem mình có gây phiền phức, gây khổ cho chúng sanh không. Chúng ta khi làm việc thì chúng ta không quan tâm chúng sanh khác, chỉ cần làm được việc của mình nhưng khi nhân quả đến thì chúng ta khiếp sợ.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn thoát khỏi vòng luân hồi trong tam giới thì chúng ta không nên tạo nghiệp luân hồi”. Chúng ta vẫn tạo nghiệp luân hồi thì chúng ta phải đi vào luân hồi. Nhiều người rất thích làm việc thiện họ cho rằng làm việc thiện là tốt. Nhưng đời này chúng ta tạo phước, đời sau chúng ta hưởng phước, chúng ta hưởng phước thì chúng ta tạo nghiệp. Đời thứ hai chúng ta hưởng phước tạo nghiệp thì đời thứ ba chúng ta phải nhận lấy quả báo.

Hòa Thượng nói: “Tổ Sư Tịnh Độ khuyên chúng ta không tạo thiện nghiệp, ác nghiệp mà chỉ tạo tịnh nghiệp”. Hòa Thượng đã dạy chúng ta cách tạo tịnh nghiệp: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công không đức”. Chúng ta làm việc nhưng trong tâm không lưu dấu, không có một chút ấn tượng. Chúng ta làm việc tốt mà trong tâm chúng ta lưu dấu, ghi lại trong ký ức thì chúng ta đã tạo nhân rồi!

Trong suốt cuộc đời, Hòa Thượng làm rất nhiều việc lợi ích chúng sanh, làm xong thì Ngài không nhớ, không lưu lại ấn tượng. Chúng ta muốn thoát khỏi luân hồi nhưng chúng ta lại tạo nghiệp luân hồi. Nghiệp nhân của luân hồi là thị phi, nhân ngã. “Thị phi” là phải quấy, tốt xấu, ta người, hơn thua, thành bại, được mất. Thí dụ, chúng ta niệm được 10.000 danh hiệu Phật, lạy Phật 500 lạy nhưng chúng ta lưu lại trong tâm, đó là tâm phải quấy, tốt xấu vậy thì chúng ta đang tạo nghiệp luân hồi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook