12622/08/2022, 07:07 25/08/2022, 07:55
983 · Chân Thật Phát Tâm Học Phật Sẽ Có Cảm Ứng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 21/08/2022

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 983

“CHÂN THẬT PHÁT TÂM HỌC PHẬT SẼ CÓ CẢM ỨNG”

Cảm ứng của nhà Phật không phải là chúng ta có thần thông, chúng ta có thể làm những điều đặc biệt hay chúng ta được thỏa mãn dục vọng, danh vọng lợi dưỡng. Có người trước khi họ tu hành thì đời sống khổ cực nhưng từ khi họ phát tâm tu hành thì đời sống ổn định. Họ cho rằng đó là nhờ Phật gia hộ nhưng họ hiểu như vậy là không đúng. Người xưa đã nói: “Người phước nhất định ở đất phước”. Người học Phật phước báu rất nhiều. Trước đây, chúng ta tu trong một ngôi chùa nhỏ, đạo tràng nhỏ bây giờ chúng ta có thể xây dựng chùa to, đạo tràng to đó cũng không phải là cảm ứng của việc học Phật. Những điều làm chúng ta tăng trưởng dục vọng, tham, sân, si thì đó không phải là Phật gia hộ.

Người xưa nói: “Phật Bồ Tát thành nhân chi mỹ, không thành nhân chi ác”. Phật Bồ Tát thành tựu việc tốt cho người, không làm người tăng thêm danh vọng lợi dưỡng. Những điều làm chúng ta tăng trưởng “danh vọng lợi dưỡng” thì đó là Ma làm. Chúng ta tạo ra phước báu nhưng chúng ta chuyển phước báu thành vật chất thì chúng ta đang tăng thêm “danh vọng lợi dưỡng”, tăng thêm phiền não. Phật Bồ Tát giúp chúng ta tăng trưởng trí tuệ. Các Ngài không giúp chúng ta tăng nguy cơ rơi vào ba đường ác. Khi giảng “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, Hòa Thượng cũng nói: “Cảm ứng không phải là chúng ta ngửi được mùi hương lạ hay chúng ta nghĩ đến việc thì việc đó thành công”. Chúng ta khởi tâm động niệm vì mình thì chúng ta sẽ cảm ứng Ma. Chúng ta khởi tâm động niệm vì chúng sanh thì chúng ta sẽ cảm ứng Phật.

Trong nhiều việc, ban đầu chúng ta cũng phát tâm vì chúng sanh nhưng dần dần tâm vì chúng sanh ít đi mà tâm vì mình, vì cái của ta dần dần lớn. Khoảng cách giữa chánh niệm và tà niệm chỉ trong một khoảng rất nhỏ. Trong một giây có bốn lần khảy móng tay, một khảy móng tay có 1,2 triệu ý niệm, một niệm diễn ra rất nhanh. Chúng ta niệm trước vì chúng sanh, niệm sau vì mình. Nếu chúng ta chân thật toàn tâm toàn ý vì chúng sanh thì đó là cảm ứng của Phật. Ma thỏa mãn dục vọng của chúng ta vì Ma muốn chúng ta đọa lạc để đồ chúng của Ma ngày càng đông.

Ngày trước, khi Ma không phá hoại được Phật pháp thì Ma đã nói: “Đến thời Mạt pháp, ta sẽ phá hoại Phật pháp bằng cách cho Ma tử, Ma tôn làm đệ tử của Phật”. Hòa Thượng nhắc chúng ta phản tỉnh, chúng ta chân thật là đệ tử Phật hay đệ tử của Ma. Chúng ta là Phật tử hay chúng ta là Ma tử, Ma tôn được phái đến phá Phật pháp. Khoảng khách giữa chánh và tà chỉ ở trong một niệm vậy thì chúng ta là đồ chúng của Ma hay đệ tử Phật cũng chỉ ở trong một niệm. Nếu chúng ta không cảnh giác thì chúng ta chân thật là Ma tử, Ma tôn.

Hòa Thượng dạy chúng ta: “Chân thật phát tâm học Phật sẽ chân thật có cảm ứng”. Đời sống của chúng ta có một sự hỗ trợ vô hình, cảm ứng của Phật không giúp chúng ta tăng thêm dục vọng, phiền não, vọng tưởng mà giúp chúng ta có thể làm việc vì chúng sanh. Ma giúp chúng ta tăng trưởng “danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần”.

Chúng ta chân thật học Phật thì chúng ta phải có sự chuyên nhất. Trên trang “Tinhkhongphapngu.net” chỉ có những bài pháp của Hòa Thượng. Lớp học của chúng ta không cần đông đồ chúng, không cần “danh vọng lợi dưỡng”. Chúng ta học gần 1000 đề tài, Hòa Thượng cũng đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Cả đời Hòa Thượng theo một vị Thầy. Ban đầu Hòa Thượng học Triết học với Giáo sư Phương Đông Mỹ. Khi đó Hòa Thượng cho rằng học Phật là mê tín. Nhưng Giáo sư Phương Đông Mỹ nói với Hòa Thượng: “Học Phật là triết học đỉnh cao”. Hòa Thượng dần có sự chuyển tâm. Ngài bắt đầu học Phật với Chương Gia Đại Sư, khi Chương Gia Đại Sư viên tịch thì Ngài theo học với Thầy Lý Bỉnh Nam. Hơn mười năm Ngài chỉ theo Thầy. Chúng ta muốn có thành tựu thì phải thật học, thật làm. Nếu chúng ta chạy Đông, chạy Tây thì đời này chúng ta không có thành tựu, đời sau thì đọa lạc. Đời này chúng ta chưa xác quyết được nơi học, nơi đến thì tâm chúng ta không an. Như nhà Phật có câu: “Vô sở thất tùng”. Tâm chúng ta không có chỗ nương về.

Tôi đã dịch đĩa của Hòa Thượng Tịnh Không nhiều chục ngàn giờ. Chúng ta đã học được 1000 đề tài, sắp tới chúng ta sẽ học tiếp 1200 đề tài nữa. Chúng ta không mong cầu vì mong cầu là vọng tưởng, chúng ta sống thêm một ngày thì thêm một ngày tận lực làm. Khi chúng ta bắt đầu triển khai thì tôi không nghĩ có thể học được hết 1200 đề tài. Khi chúng ta học được 700 đề tài thì tôi thật sự hoan hỷ vì ít nhất chúng ta đã triển khai được hơn một nửa. Người thế gian sẽ không nói rằng chúng ta lười biếng, nhếch nhác. Có những đề tài tôi không triển khai vì thấy chưa phù hợp. Thí dụ như Hòa Thượng dạy: “Phải lìa tâm ý thức”, chúng ta chưa thể đạt được điều này nên chưa triển khai được.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook