Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Thứ ba, ngày 16/08/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 978
“PHẢI QUÊN ĐI CHÍNH MÌNH THÌ MỚI CÓ THÀNH TỰU”
Trong nhà Phật, quả vị thấp nhất là Tu Đà Hoàn, người chứng quả Tu Đà Hoàn cũng đã không còn thấy cái ta. Nếu ai nói rằng họ đã chứng quả, họ thấy được quá khứ, vị lai thì chúng ta biết được đó là Ma. Không ai nói ra rằng mình chứng đắc vì như vậy họ đã dính vào ngã chấp, chấp chặt vào cái ta. Có cái ta thì sẽ có cái của ta, khổ đau cũng từ đó mà sinh ra. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Phải quên đi chính mình thì mới chân thật có thành tựu”. Nếu chúng ta không quên đi chính mình thì không thể có thành tựu. Chúng ta vẫn bị dính chặt vào cái của ta, việc của ta nên chúng ta hết sức bận rộn, khẩn trương.
Người xưa kể lại câu chuyện về danh tướng Phạm Ngũ Lão, khi ông còn là một thường dân, ông đang lo nghĩ về việc nước nên khi quân lính đâm giáo vào chân ông cũng không biết. Người thế gian cũng có sức định lớn như vậy! Chúng ta ngồi niệm Phật mà bị muỗi đốt thì chúng ta đã quên mất việc niệm Phật. Chúng ta lo cho cái thân, chấp vào thân của mình nhiều hơn lo việc thoát sinh tử. Chúng ta tu hành không có thành tựu vì chúng ta quá xem trọng cái ta, cái của ta.
Hòa Thượng nói: “Tu hành phải từ nơi căn bản mà tu. Căn bản của căn bản chính là phải phá trừ ngã chấp”. “Ngã chấp” là chấp lấy cái ta. Chúng ta không thể phá trừ được cái ta: Ta thấy, ta biết, ta làm. Chúng ta làm theo cách của chúng ta thì chắc chắn sẽ sai lầm. Chúng ta phải buông bỏ không dính mắc vào cái ta. Chúng ta không phá ngã chấp thì chúng ta làm việc gì cũng vì ta, tất cả những việc ta làm đều là Ma sự chứ không phải là Phật sự. Những việc làm đó sẽ gây phiền não cho mình và cho người. Tương lai chắc chắn chúng ta không thể ra được ba cõi.
Hòa Thượng nói: “Người thế gian có ngã chấp nên chúng ta khởi tâm động niệm không thể quên được chính mình. Phàm phu làm bất cứ việc gì thì nghĩ: “Việc này có lợi ích cho ta không?”. Khi chúng ta làm việc gì thì ý niệm “ta có lợi không?” luôn khởi lên đầu tiên.
Trong “Lễ tri ân Cha Mẹ vợ chồng” vừa qua, tôi không mời một vị khách nào. Buổi Lễ tri ân đã diễn ra tốt đẹp, không có ai ra về giữa chừng. Chương trình được Livestream trên các kênh mạng xã hội, số người xem Online cũng tương đương số người ngồi ở hội trường. Chúng ta đừng khởi tâm động niệm là: “Phải như thế này, phải như thế kia!”. Tổ Sư Đại Đức đã dạy: “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. Chúng ta dùng tâm chân thành phục vụ chúng sanh là được!
Hôm trước, có người hỏi tôi mấy người đến tham gia thì có thể tổ chức chương trình, tôi nói một người là được! “Lễ tri ân Cha Mẹ năm 2019” tổ chức ở Cần Thơ, tôi cũng nói có một người đến tham gia cũng có thể tổ chức. Họ rất ngạc nhiên! Chúng ta không cần phải suy nghĩ là phải làm như thế nào! Hòa Thượng đã dạy chúng ta: “Cả đời này chỉ nên học chân thành”. Chúng ta xa lìa “tự tư tự lợi”, xa lìa đi chấp trước thì chúng ta có thể học được chân thành. Chúng ta đã học gần xong 1200 đề tài nhưng chúng ta vẫn càng ngày càng vướng mắc vì chúng ta khởi tâm động niệm vẫn dính chặt cái ta, cái của ta. Trong các buổi lễ mọi người cảm xúc nhưng chúng ta phải biết kiểm soát cảm xúc của mình. Nếu chúng ta quên đi chính mình thì mọi việc sẽ tốt!
Hòa Thượng nói: “Ý niệm đầu tiên của chúng ta là vì ta. Phá được ngã chấp là trí tuệ chân thật. Nếu chúng ta còn có ngã chấp, có cái ta tồn tại thì chúng ta sẽ không có thành tựu. Trong Phật pháp, chúng ta không phá ngã chấp thì chúng ta không thể vào được cửa Phật. Chúng ta học Phật nhiều năm nhưng công phu của chúng ta không có lực, chúng ta gặp cảnh vẫn sinh tình. Công phu của chúng ta không có lực vì chúng ta chưa thật làm. Chúng ta ngày ngày đọc tụng, giảng dạy, nghiên cứu thảo luận nhưng cũng không có lợi ích gì!”. Chúng ta đã học được gần 1000 Đề tài, Hòa Thượng đều xoay quanh những tập khí xấu ác của chúng ta. Các đề tài gần đây chúng ta học như: “Chỉ nên chuyên sưu tập việc thiện của người”, “Phải học chân thành”, “Phải quên đi chính mình”. Nhưng dù học gần 1000 đề tài nhưng chúng ta vẫn: “Ta vẫn là ta từ thủa nào, từ ngàn xưa ấy đến ngàn sau”. Chúng ta vẫn phiền não, vẫn khổ đau!