14615/08/2022, 14:07 25/08/2022, 07:55
977 · Cả Đời Này Chỉ Nên Học Chân Thành

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Thứ hai, ngày 15/08/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 977

“CẢ ĐỜI NÀY CHỈ NÊN HỌC CHÂN THÀNH”

Hòa Thượng nhắc, khi chúng ta khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật thì chúng ta nên dùng tâm chân thành, không nên dùng tâm hư ngụy. Hàng ngày, chúng ta dùng tâm phân biệt được mất, tốt xấu, phải quấy nên chúng ta luôn phiền não. Chúng ta nên giữ tâm mình là một mảng chân thành. Chúng ta làm một việc mà việc thành là do chúng sanh nơi đó có phước, việc không thành do chúng sanh nơi đó không có phước. Chúng ta làm việc nhưng tâm chúng ta đầy phiền não, tâm thanh tịnh bị ô nhiễm thì nhân sinh của chúng ta rất khổ. Người thế gian không nhận ra điều này. Đời này chúng ta sống trong phiền não, đời sau thì đọa lạc trong luân hồi sinh tử.

Chúng ta lo sợ chúng ta sống chân thành thì chúng ta sẽ thiệt thòi, bị chiếm hết các tiện nghi. Đó là ý niệm sai lầm! Chư Phật Bồ Tát, các bậc Tổ Sư Đại Đức, Thánh Hiền đối nhân xử thế bằng tâm chân thành nhưng các Ngài không thiếu bất cứ thứ gì. Các Ngài có trí tuệ, trong trí tuệ có phước báu, phước báu sẽ giải quyết các vấn đề trong đời sống. Người có phước báu nhưng không có trí tuệ thì họ sẽ làm những việc làm tà tri, tà kiến. Họ bị người khác dẫn dắt làm những việc trái với giáo huấn của Thánh Hiền, của Phật. Người như vậy rất đáng thương! Hòa Thượng nói: “Chúng ta không cần phước báu, chúng ta cần có trí tuệ, trong trí tuệ có phước báu. Phước báu nhiều mà không có trí tuệ thì dễ tạo nghiệp”. Chúng ta có tiền tài, địa vị trong tay thì chúng ta dễ dàng gây họa cho chúng sanh. Người chân thật học Phật cầu trí tuệ, không cầu phước báu.

Tôi đi nhiều nơi, tôi chỉ thấy mọi người cầu phước báu không cầu trí tuệ. Chúng ta muốn có trí tuệ chúng ta phải tu học, chúng ta phải hạn chế những tập khí xấu ác, rời xa ham ăn, ham ngủ, ham danh, ham lợi, “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”, “tham sân si mạn”. Chúng ta cần cầu phước báu thì đơn giản nhưng chúng ta cần cầu trí tuệ thì khó. Người thế gian không biết rằng trong trí tuệ có phước báu, trong phước báu không có trí tuệ. Người có trí tuệ luôn làm những việc lợi ích chúng sanh, lợi ích cộng đồng.

Chúng ta quán sát, chúng ta đang cần cầu phước báu hay chúng ta nỗ lực để có trí tuệ? Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Chúng ta muốn thành Phật thì chúng ta phải tự nỗ lực. Người học Phật chân chính không dám nói lời không thật còn yêu ma quỷ quái tùy tiện nói lời không thật. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy chúng ta: “Khéo giữ khẩu nghiệp, thân nghiệp, ý nghiệp”. Những người tùy tiện, không cẩn trọng về thân khẩu ý thì họ là đồ chúng của Ma. Người chân thật học Phật không tùy tiện hưởng thụ. Chúng ta có tiện nghi thì chúng ta để dành cho chúng sanh. Nếu người niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc mà nói lời không thật thì chúng ta đã phá đi tâm thanh tịnh của chính mình.

Người có trí tuệ chỉ làm việc chân thật lợi ích chúng sanh. Người không có trí tuệ chỉ làm những việc gây hại cho chúng sanh, khi làm việc thì họ chấp trước vào cái ta nên họ phiền não, vọng tưởng. Người học Phật, việc đầu tiên là phải phá đi ngã chấp, nghĩa là phá chấp có ta, ta thấy, ta biết, ta làm. Phật Bồ Tát không có cái ta. Hòa Thượng Tịnh Không cũng không có cái ta. Tất cả khởi tâm động niệm của các Ngài đều vì chúng sanh lo nghĩ. Hòa Thượng học Phật Bồ Tát, Ngài lấy tâm Phật Bồ Tát đối đãi chúng sanh. Chúng ta học với Hòa Thượng chúng ta làm theo Ngài.

Chúng ta không có trí tuệ siêu việt của Phật Bồ Tát, của Hòa Thượng nhưng chúng ta có thể mượn nhờ trí tuệ của các Ngài bằng cách chúng ta “y giáo phụng hành”. Chúng ta nghe và làm theo lời dạy một cách triệt để. Chúng ta có thói quen thích thêm, bớt những lời dạy của các Ngài. Có người kể với tôi, khi họ hỏi một vị Thầy rằng: “Thầy ơi, con buôn bán không thể không nói dối!”. Thì vị Thầy đó đã trả lời: “Đó là phương tiện mà! Con buôn bán nói dối một chút cũng không sao!”. Họ đã vì một chút lợi ích nhỏ mà hy sinh huệ mạng, hy sinh tiền đồ ở tương lai. Đáng lẽ chúng ta sanh vào cõi an lành nhưng tương lai chúng ta sẽ đi vào ba đường ác.

Thầy Thái đưa ra một thí dụ: Hạt Minh Châu vô cùng quý giá, không tiền nào có thể mua được nhưng sinh mạng của chúng ta còn quý giá hơn hạt Minh Châu. Không ai mang hạt Minh Châu ném con chim se sẻ. Hàng ngày, chúng ta lại tùy tiện làm những việc có thể làm chúng ta mất đi sinh mạng của đời này và của vạn đời sau. Chúng ta dùng mọi thủ đoạn để có được một chút tiền tài, danh vọng. Nhiều người lo nghĩ về tiền tài, danh vọng nhưng họ không nghĩ đến khi chết họ sẽ đi về đâu!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook