11312/08/2022, 20:09 25/08/2022, 07:55
974 · Vì Sao Đệ Tử Phật Chướng Ngại Phật

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Thứ sáu, ngày 12/08/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 974

 “VÌ SAO ĐỆ TỬ PHẬT CHƯỚNG NGẠI PHẬT?”

Đệ tử Phật chướng ngại Phật vì chúng ta là người học Phật nhưng chúng ta không chân thật làm theo lời Phật dạy. Chúng ta không hướng đến Phật để học tập mà chúng ta hướng đến Ma để học tập. Chúng ta quên đi lời Phật dạy nên chúng ta làm theo lời Ma nói.

Hôm qua, có người hỏi tôi, họ có nên đến tu học với một người biết được những điều xảy ra trong quá khứ, hiện tại và vị lai không. Họ đã nghe Hòa Thượng giảng gần chục năm nhưng vẫn có suy nghĩ như vậy. Đáng lẽ ra, họ phải chạy càng xa càng tốt vì đó không phải là Phật, đó chắc chắn là Ma. Hòa Thượng đã nói: “Từ xưa đến nay, chưa có ai chứng đắc mà nói rằng mình chứng đắc”. Nếu một vị Phật, vị Bồ Tát nào bị lộ thân phận thì vị Phật Bồ Tát đó liền sẽ vãng sanh ngay. Một người tự khoe khoang họ là người chứng đắc thì chắc chắn đó là giả.

Quả vị thấp nhất trong tứ quả là Tu Đà Hoàn, người chứng quả Tu Đà Hoàn cũng phải xa lìa cái ta, không còn thấy ta. Nếu chúng ta thấy mình chứng thì chúng ta chưa chứng quả vị gì. Nhiều người nghe pháp của Hòa Thượng nhiều năm nhưng không nhận ra phải quấy, chánh tà. Chúng ta tu hành không phải để chúng ta biết những điều xảy ra trong quá khứ hay vị lai mà để chúng ta đối trị được tập khí phiền não, tập khí của chính mình. Chúng ta học Phật để chúng ta tự tại khi đối diện với Sinh – Tử, gặp thuận cảnh chúng ta không sinh tâm ưa thích, gặp nghịch cảnh chúng ta không sinh tâm chán ghét. Đó là công phu chân thật!

Có người tu một thời gian thì cơ thể tỏa mùi hương hay có người hiểu được tiếng động vật nhưng những điều đó không có ý nghĩa. Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh, nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. “Tự tánh” của chúng ta vốn thanh tịnh, chúng ta có tự tánh của Phật, chúng ta có thể trở thành Phật. Chúng ta có thể trở thành Phật thì những cảm ứng như vậy là những việc rất bình thường.

Cách đây 20 năm, có một người bạn muốn tặng tôi một câu chú, câu chú này có thể giúp tôi hiểu được người khác đang nghĩ gì. Tôi từ chối nhận vì tôi còn chưa đối trị được phiền não, vọng tưởng của chính mình. Chúng sanh thế giới Ta Bà, trong tâm họ đầy những “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”, nếu chúng ta đọc được những suy nghĩ của họ thì chẳng khác nào chúng ta đang hại chết chính mình. Tôi chỉ trì duy nhất một câu “A Di Đà Phật”.

Chúng ta học Phật, chúng ta làm theo những lời Phật dạy, những điều Phật không dạy thì nhất định chúng ta không làm. Hôm qua, có người hỏi tôi về một quyển sách đề ở bên ngoài ghi là “Hòa Thượng Tịnh Không hiệu đính”, nhưng điều này chưa chắc đã là thật. Trước đây, có một quyển sách ghi “Cư sĩ Vọng Tây dịch” nhưng tôi không phải là người dịch cuốn sách này. Tôi không dịch mà họ để tên tôi lên thì họ sẽ phải gánh chịu nhân quả nhiều lần!

Nếu có người nói: “Đây là lời Phật dạy!” thì chúng ta phải xem lời đó có tương ưng với những lời giáo huấn trong Kinh điển không. Thí dụ Phật nói: “Chúng ta phải tu Giới – Định – Tuệ, diệt trừ tham, sân, si”, hay “Chúng ta phải lấy khổ làm Thầy, lấy giới làm Thầy”. Nếu người nào nói đúng những gì Phật nói thì họ đang thay Phật diễn giáo. Nếu họ nói trái ngược lại với lời của Phật thì họ là Ma giả danh Phật. Trước đây, tôi đã nói: “Các vị xem mình có phải là Phật tử không, hay là Ma tử. Phật tử là đệ tử, là học trò, là con của Phật thì phải làm đúng như lời Phật dạy. Nếu đệ tử Phật mà làm theo lời Ma thì không phải đệ tử Phật mà là đệ tử Ma”.

Chúng ta tu hành, pháp môn nào giúp chúng ta giảm trừ được tất cả các phiền não thì đó là pháp môn tốt. Chúng ta càng tu thì chúng ta càng nhiều phiền não, vọng tưởng vậy thì chúng ta đã tu sai. Trước đây, chúng ta tham 10 thì bây giờ chúng ta tham giảm còn 5, 6 đó là chúng ta đang tu đúng. Chúng ta tu hành mà những tập khí phiền não như “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn” giảm dần thì chúng ta tu đúng. Trước đây, chúng ta nhìn thấy cảnh sinh ly, tử biệt thì chúng ta rất đau khổ nhưng bây giờ chúng ta hiểu được đạo lý vô thường nên chúng ta không quá buồn khổ. Chúng ta gặp thuận cảnh, nghịch cảnh thì tâm chúng ta đều bình lặng. Chúng ta hiểu tốt xấu không phải do cảnh mà do nội tâm của chính mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook