Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Thứ ba, ngày 09/08/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 971
“NIỆM PHẬT VÃNG SANH CHÍNH LÀ THÀNH PHẬT”
Trong các cõi nước, chỉ có cõi nước của chư Phật là không có ba đường ác. Chúng ta vãng sanh về được cõi Phật đồng nghĩa với chúng ta thẳng tiến đến thành Phật. Nếu không hiệu đính rõ chỗ này, nhiều người cho rằng chúng ta cường điệu hóa pháp môn niệm Phật. Vãng sanh chưa phải là thành Phật nhưng chắc chắn sẽ thành Phật vì thế giới của chư Phật không có tâm niệm ác, hành động ác. Nhân của ác đạo không có thì sẽ không có những cõi ác. Hàng ngày, chúng ta được Đức Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí giảng Kinh thuyết pháp, khuyến hóa nên chúng ta không bị lui sụt mà thẳng tiến tới quả vị Phật.
Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ngoài Đức Phật A Di Đà còn có Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, tiếng nước chảy, tiếng chim kêu đều là diễn pháp âm. Chúng ta không có cơ hội để nghĩ tưởng mông lung. Ngày ngày chúng ta được ở trong thắng địa để chúng ta tu hành tinh tấn.
Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Duy hữu nhất thừa pháp, vô nhị diệc, vô tam”. Chỉ có pháp nhất thừa, không hai, cũng không ba. Chỉ có pháp nhất thừa đưa chúng ta thẳng đến thành Phật, còn nhị thừa, tam thừa thì không thể. Trong Kinh Phật nói: “Vì chúng sanh không nghe được pháp nhất thừa nên ta đành phải nói nhị thừa và tam thừa”. Tam thừa chính là cõi trời, cõi người. Chúng ta tu ngũ giới, thập thiện để chúng ta trở lại làm người hoặc để được sinh cõi trời. Nhị thừa là các bậc từ sơ quả Tu Đà Hoàn đến A-La-Hán.
Hòa Thượng nói: “Lão thật niệm Phật chính là pháp nhất thừa. Một số người nghe điều này họ không phục, họ cho rằng những người niệm Phật tự khoa trương chính mình, tự khoa trương pháp niệm Phật của mình. Thế nhưng chúng ta tỉ mỉ quan sát, từ xưa đến nay, trong và ngoài nước, tất cả các tông phái đều xem trọng “Kinh Hoa Nghiêm”. “Kinh Hoa Nghiêm” là căn bản của pháp luân, là Nhất Thừa Viên Giáo. “Kinh Hoa Nghiêm” nói với các vị pháp môn niệm Phật. Niệm vị Phật nào? Chính là niệm “A Di Đà Phật”. Nếu như chúng ta không tin tưởng thì chúng ta đọc “Kinh Hoa Nghiêm” từ đầu đến cuối sẽ thấy, Bồ Tát Phổ Hiền thập nguyện cầu sinh Cực Lạc. Ngài phát mười đại nguyện cầu sinh Cực Lạc, chính là dạy chúng ta niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ. Đây chính là pháp môn tròn đầy, viên mãn”.
Hòa Thượng là người thông tông, thông giáo. Ngài học Triết học sau đó chuyển sang học Phật. Hòa Thượng học với Ngài Lý Bỉnh Nam một thời gian dài, Ngài Lý Bỉnh Nam khuyên Hòa Thượng niệm Phật nhưng Hòa Thượng vẫn chưa tin. Khi Hòa Thượng giảng “Kinh Hoa Nghiêm”, “Kinh Lăng Nghiêm”, Ngài vẫn chưa niệm Phật. Một hôm, ngài tra trong “Kinh Hoa Nghiêm” để xem hai vị Đại Bồ Tát là Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền tu pháp gì. Hoà Thượng xem thấy hai Ngài phát nguyện niệm Phật cầu sanh Cực Lạc và khuyên Thánh Chúng, Bồ Tát trong cõi Tỳ Lô Giá Na cùng niệm Phật. Hòa Thượng nói: “Một hôm, tôi chợt nghĩ ra hai vị Đại Bồ Tát ở thế giới Tỳ Lô Giá Na Phật tu pháp gì? Tôi tra trong “Kinh Hoa Nghiêm” thì thấy các Ngài niệm Phật cầu sinh Tây Phương Cực Lạc và khuyên Bồ Tát ở cõi Tỳ Lô Giá Na niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Giáo chủ của cõi Tỳ Lô Giá Na cũng mong đệ tử của mình mau thẳng tiến thành Phật. Từ đó tôi một lòng một dạ niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc”.
Hòa Thượng học pháp với Ngài Lý Bỉnh Nam, Ngài Lý Bỉnh Nam cũng thông tông, thông giáo. Ngài rất giỏi về Phật học và Y học. Hòa Thượng nói: “Ngài Lý Bỉnh Nam trước đây cũng không tin pháp môn niệm Phật. Ngài học Phật mấy chục năm, thông hiểu rất nhiều Kinh giáo, khi Ngài gặp Tổ Ấn Quang, Ngài bị Tổ Ấn Quang mắng một trận, từ đó Ngài nhận ra và tin pháp môn niệm Phật. Tôi cũng chỉ mất thời gian chưa tới 10 năm còn Ngài Lý Bỉnh Nam mất hơn 20 năm để tin pháp niệm Phật”. Chúng ta không mất nhiều thời gian oan uổng, lãng phí mà chúng ta đã tin được pháp niệm Phật. Nhưng chúng ta phải tin sâu, nguyện thiết, hành miên mật. Đó mới gọi là tin!
Trước đây, có những hành giả tu pháp môn Tịnh Độ đề xướng phương pháp tu: “Bất niệm tự niệm”, không cần niệm mà tự niệm. Người đạt tới cảnh giới này thì họ đã chân thật đạt được “nhất tâm bất loạn”. Họ niệm Phật đã tương ưng với Phật. Họ nghĩ ra phương pháp đó là đeo tai nghe suốt 7 ngày, 7 đêm. Trong suốt 7 ngày, họ nghe tiếng niệm Phật vang vọng trong tai. Khi họ bỏ tai nghe ra thì họ vẫn nghe thấy tiếng niệm Phật. Họ cho rằng như vậy là họ đã đạt được “bất niệm tự niệm”. Đây chỉ là sự ngộ nhận của họ. Đó chỉ là tiếng vọng trong tâm, không phải họ đạt được nhất tâm.