17808/08/2022, 16:00 24/08/2022, 21:33
970 · Lúc Nào Phật Pháp Thông Rồi Thì Tự Tại

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Thứ hai, ngày 08/08/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 970

“LÚC NÀO PHẬT PHÁP THÔNG RỒI THÌ TỰ TẠI”

Chúng ta học Phật nhưng chúng ta còn nhiều vướng mắc trong tâm nên khi gặp việc chúng ta vẫn khẩn trương, lo lắng. Hòa Thượng nói: “Khi nào Phật pháp thông rồi thì chúng ta tự tại”. Khi đó, chúng ta gặp việc nhưng tâm chúng ta vẫn bình lặng vì chúng ta đã nhìn rõ, hiểu thấu.

Một Phật tử gần 90 tuổi rồi gọi cho tôi, họ quá cảm xúc khi Hoà Thượng mất nên khóc rất nhiều. Họ hỏi tôi có mở Zoom niệm Phật cho Hòa Thượng không nhưng tôi nói tôi không mở. Mười mấy năm qua, tôi luôn cố gắng nghe lời và thật làm theo lời Hòa Thượng. Việc cần làm, chúng ta phải làm từ lâu nếu đợi đến khi Hòa Thượng mất chúng ta bắt đầu làm thì không kịp.

Thời điểm năm 2000, nhiều người lo lắng là ngày tận thế sắp đến, những người niệm Phật lại là những người bao chao, xao động nhất. Nhiều người xin lên ở cùng tôi để họ được niệm Phật gần Thầy, gần chùa. Tôi được mời xuống vùng biển, mọi người tập trung về đó niệm Phật. Họ muốn mời tôi về đó để nếu đại nạn xảy ra thì tất cả cùng chịu.

Hòa Thượng nói: “Khi nào Phật pháp thông rồi thì chúng ta tự tại”. “Thông” là thấu hiểu, thông suốt. Chúng ta hiểu rõ lẽ vô thường, về định nghiệp, về biệt nghiệp thì chúng ta biết rằng chúng ta không thể trốn tránh được. Quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử là chắc thật. Bốn cái khổ: “Ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ”, chúng ta cũng không thể tránh được. Nhà thơ Nguyễn Du đã viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Chúng ta phải nhìn cho thấu! Khi chúng ta tổ chức sự kiện, những người tham gia họ cảm xúc nên họ khóc nhưng chúng ta phải kiểm soát cảm xúc của mình để hoàn thành vai trò được giao.

Hòa Thượng nói: “Khi nào chúng ta thông được Phật pháp thì chúng ta sẽ tự tại. Nếu chúng ta chưa thông thì dù chúng ta học Phật 10 năm, 20 năm hay cả đời chúng ta vẫn khổ đau”. Người thế gian có câu: “Cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ”. Chúng ta là phàm phu sinh tử thì chúng ta vẫn là phàm phu sinh tử.

Chúng ta đừng có tâm thái cầu may! Chúng ta nỗ lực làm theo lời giáo huấn của Phật thì chúng ta sẽ có sự chuyển biến. Chúng ta học Phật nhưng chúng ta không xác quyết, không tường tận. Chúng ta quy y Phật là Giác. “Giác” là rõ ràng, tường tận. Quy y Pháp là Chánh. “Chánh” là không tà. Quy y tăng là Tịnh. “Tịnh” là không nhiễm. Chúng ta làm như thế nào thì chắc chắn sẽ có kết quả như vậy. Có người hỏi Hòa Thượng là liệu họ có được vãng sanh không. Hòa Thượng nói: “Điều này chúng ta đâu cần hỏi ai. Chúng ta làm đủ tiêu chuẩn thì chúng ta chắc chắn vãng sanh. Chúng ta không làm đủ tiêu chuẩn thì chúng ta đáng đọa lạc như thế nào, vẫn phải đọa lạc như thế đó!”.

Khi Hòa Thượng mất, tôi cũng rất cảm xúc. Ngày này cuối cùng cũng đã đến! Tôi quán sát mình đã làm theo những lời Hòa Thượng dạy chưa, những điều nào tôi làm chưa tốt thì tôi phải làm tốt hơn. Tôi không gọi điện bảo mọi người cùng mở Zoom niệm Phật. Nếu học trò chỉ đợi đến khi Thầy qua đời thì cùng nhau niệm Phật thì sai rồi. Chúng ta cần niệm Phật nhưng những việc cần làm chúng ta phải làm từ lâu.

Sau khi nhập niệm Hòa Thượng xong, Thầy Ngộ Đạo nói: “Tuy Hòa Thượng xả bỏ nhục thân nhưng pháp thân của Ngài thường trụ. Ngài vẫn đang ở bên chúng ta. Ngài vẫn đang quán sát xem chúng ta đang làm gì, chúng ta có tiếp nối mạng mạch bấy lâu nay Ngài đã làm không. Đó là điều quan trọng!”. Đây là lời nhắc nhở rất thiết thực. Việc cần làm chúng ta phải làm từ lâu, khi Hòa Thượng mất thì chúng ta bắt đầu làm thì chúng ta làm trong vọng tưởng, phiền não. Đó chỉ là làm cho dễ coi! Rất nhiều đạo tràng mở Zoom niệm Phật cho Hòa Thượng nhưng tôi không mở. Tôi cố gắng ngày ngày học và làm theo những gì Hòa Thượng dạy. Chúng ta đã học gần 1000 đề tài, chúng ta cũng làm được một chút việc để báo công với Thầy.

Chúng ta muốn thông được Phật pháp thì chúng ta phải chân thật làm. Chúng ta phải thực tiễn Phật pháp trong đối nhân xử thế tiếp vật. Nếu chúng ta chỉ học, chỉ đọc thì chúng ta chỉ nói giỏi như “thế trí biện thông”, chứ không phải chúng ta “thông” từ nội tâm. Chúng ta “thông” do học hiểu, đọc hiểu thì chúng ta vẫn còn phiền não. Đó chưa phải thật sự thông. Chúng ta thực tiễn lời giáo huấn của Phật mà chúng ta không còn phiền não, vọng tưởng, trói buộc thì đó mới là thật sự thông. Hòa Thượng nói: “Chúng ta thông được Phật pháp rồi thì chúng ta tự tại”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook