21602/08/2022, 12:44 24/08/2022, 21:33
964 · Có Nguyện Lớn Thì Thành Tựu Lớn

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Thứ ba, ngày 02/08/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 964

“CÓ NGUYỆN LỚN THÌ THÀNH TỰU LỚN”

Chúng ta học Phật, chúng ta có phát tâm thành Phật không? Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật thì chúng ta phải phát tâm làm Phật. Chúng ta muốn làm Phật thì chúng ta phải dụng được tâm của Phật”. Đa phần người học Phật chỉ cầu mong những việc rất tầm thường như cầu tai qua nạn khỏi, mạnh khỏe bình an, cơm no áo ấm. Những việc này chúng ta không cần cầu vì: “Phước trong mạng có nhất định có. Phước trong mạng không nhất định không”.

Bác Hồ có hoài bão giải phóng đất nước, mang lại cuộc sống ấm no cho dân tộc. Từ một thanh niên sinh ra ở làng quê nghèo, Bác đã bôn ba khắp nơi trên thế giới. Bác trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ để trở thành một vị lãnh tụ kiệt xuất. Con cháu đời đời ghi nhớ công ơn của Người. Nếu những việc nhỏ chúng ta không phát tâm để làm thì cho dù là việc nhỏ chúng ta cũng không làm được. Hòa Thượng nói: “Có nguyện lớn thì thành tựu lớn”. “Nguyện” là “nguyện vọng” chứ không phải là “tham vọng”.

Khi Phật A Di Đà còn là một Tỳ Kheo Pháp Tạng, Ngài nói với Lão sư của mình rằng: “Con muốn thành lập một thế giới trang nghiêm, thanh tịnh để làm thắng địa cho chúng sanh mười phương tu hành”. Sau khi phát nguyện, Ngài phải trải qua vô lượng kiếp tu hành, Ngài không ngừng nỗ lực để thành lập được một thế giới trang nghiêm để chúng sanh có đủ tiêu chuẩn thì vãng sanh về đó. Có nguyện sẽ làm được, không có nguyện thì không thể thành tựu. Nguyện càng lớn thì thành tựu càng lớn. Nguyện của chúng ta quá nhỏ bé thậm chí quá tầm thường!

Tôi bôn ba nhiều năm vì tôi muốn những buổi “Lễ tri ân Cha Mẹ” được tổ chức khắp cả nước. Hiện tại, nguyện vọng của tôi đã trở thành hiện thực. Chúng ta muốn làm được việc lớn thì phải làm từ việc nhỏ. Nhiều lần tôi đã đến những gia đình nhỏ để tổ chức Lễ tri ân. Hiện tại, công việc bận rộn nên tôi không thể đến những gia đình nhỏ để làm Lễ tri ân nữa nhưng nếu có duyên tôi vẫn sẽ đến. Chúng ta có nguyện thì chúng ta sẽ nỗ lực phấn đấu.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta không có nguyện thì làm sao chúng ta có thể có thành tựu. Nguyện của chúng ta càng lớn thì thành tựu càng lớn”. Nguyện lực và thành tựu của chúng ta đi đôi với nhau. Nguyện lớn thì thành tựu lớn.

Hòa Thượng nói: “Người thế gian học Phật không có thành tựu nguyên nhân đầu tiên là do họ không có nguyện. Rất nhiều người lạy Phật, học Phật để cầu được bảo hộ bình an, cầu thăng quan phát tài, cầu khỏe mạnh sống lâu, cầu tai qua nạn khỏi…Nguyện của họ chỉ lớn như vậy nên họ không thể có thành tựu lớn”. Nếu chúng ta phát nguyện: “Chúng ta học Phật, lễ Phật vì chúng ta muốn làm Phật” thì kết quả sẽ hoàn toàn khác. Chúng ta có nguyện thì chúng ta sẽ hướng tới mục tiêu đó để nỗ lực. Điều này cũng giống như trong cuộc sống, chúng ta kính trọng ai thì chúng ta sẽ lấy người đó làm mục tiêu để nỗ lực, phấn đấu. Nhiều người sống một cuộc đời như “bèo lục bình”, họ thả trôi cuộc đời theo dòng nước.

Tổ Sư Đại Đức, Phật Bồ Tát luôn mong mỏi chúng ta có thành tựu vì chúng ta có thành tựu thì chúng sanh được nhờ. Phật nói: “Chúng ta chậm một ngày thành tựu thì chúng sanh thêm một ngày đau khổ”. Phàm phu chúng ta thường chỉ ngưỡng mộ chứ không làm theo. Chúng ta có thể làm được như họ nhưng chúng ta không nỗ lực làm.

Hòa Thượng nói: “Trước khi tôi tiếp xúc Kinh Phật, tôi đọc cuốn “Liễu Phàm Tứ Huấn” do Lão cư sĩ Chu Kính Vũ giới thiệu. Bộ Kinh đầu tiên tôi đọc là “Lục Tổ đàn Kinh”. Trong một kỳ nghỉ hè, khi đến nhà một người bạn ở Đài Trung, tôi đọc được quyển “Lục Tổ đàn Kinh”. Tôi rất hoan hỷ, đọc liền trong 3, 4 ngày thì xong”. Trong cuốn “Lục Tổ đàn Kinh” có nhắc đến câu chuyện, khi Lục Tổ đến gặp Ngũ Tổ, Ngũ Tổ hỏi: “Ông đến đây để làm gì?”. Lục Tổ nói: “Con đến đây vì con muốn làm Phật!”. Người có khẩu khí mạnh mẽ, có nguyện lớn như vậy thì sẽ có thành tựu lớn!

Chúng ta học Phật nhưng chúng ta không xác quyết, không có dũng khí là: “Nhất định đời này ta phải vãng sanh Tây Phương Cực Lạc!”. Nếu chúng ta có khẩu khí như vậy thì chúng ta sẽ nỗ lực vượt qua những tập khí đời thường. Nếu chúng ta không xác quyết thì tập khí đời thường sẽ lôi kéo, an bài cuộc đời chúng ta.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook