28631/07/2022, 20:05 24/08/2022, 21:33
962 · Giới - Định - Tuệ Một Lần Thành Tựu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 31/07/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 962

“GIỚI – ĐỊNH – TUỆ MỘT LẦN THÀNH TỰU”

Phật pháp chú trọng ở sự nhắc đi, nhắc lại nhưng người thế gian không thích nghe đi, nghe lại nhiều lần. Họ nghe một lần, hai lần, đến lần thứ ba là họ cảm thấy chán. Chúng ta nghe đi, nghe lại nhiều lần chúng ta vẫn chưa làm được. Hòa Thượng nhắc đi, nhắc lại tập khí, phiền não của chúng ta xoay quanh 16 chữ là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. Trước đây, chúng ta chưa biết 16 chữ này nhưng bây giờ ai cũng đã thuộc lòng. Chúng ta nghe nhiều lần thì chúng ta cảm thấy thừa, không muốn nghe nữa.

Hòa Thượng nói: “Trong “Kinh Bát Nhã”, Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Tất cả vật chất chỉ là mộng huyễn, bào ảnh rồi sẽ tan biến. Trong 22 năm Thích Ca Mâu Ni Phật giảng “Kinh Bát Nhã”, Ngài đã nhắc đi nhắc lại hơn 1000 lần: “Sắc tức thị không”. Ngài muốn cảnh tỉnh chúng sinh rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” nhưng chúng ta không thấy đó là hư vọng. Chúng ta vẫn thấy tất cả tiền tài, danh vọng là thật. Ngay đến cái thân này, chúng ta cũng cho nó là thật chứ chúng ta không cho nó là giả.

Phật pháp nhắc đi nhắc lại nhiều lần như vậy để tâm chúng ta được Định. Mỗi ngày chúng ta học Phật pháp, nếu chúng ta buông bỏ hết thân tâm thế giới, lắng đọng buồn vui, thương, ghét giận hờn thì chúng ta sẽ chân thật có lợi ích. Trong một giờ học tập này, tôi buông bỏ thân tâm thế giới nên tôi chân thật có lợi ích. Khi chúng ta tập trung nghe thì phiền não, vọng tưởng lắng đọng. Chúng ta buông bỏ hết những lo toan thì chúng ta được Định. Chúng ta tập trung không khởi phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chúng ta giữ tâm Định tĩnh để học tập thì đó là Giới. Chúng ta nghe với tâm thanh tịnh thì chúng ta đã được Định. Hàng ngày, tâm chúng ta được Định thì chúng ta được tiếp nhận dần dần. Vậy thì trí tuệ sẽ dần dần được sinh khởi.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp chú trọng ở việc nhắc đi nhắc lại, lặp đi lặp lại. Việc này có đạo lý rất sâu sắc, đó là tam học Giới – Định – Tuệ đều được hoàn thành trong lúc chúng ta nghe đi nghe lại hoặc đọc đi đọc lại. Người không hiểu đạo lý này, không biết phương pháp này của Phật thì không đạt được lợi ích. Như vậy thật đáng tiếc!”. Quan trọng là chúng ta phải được nghe đi, nghe lại nhiều lần. Chúng ta phải thuộc những điều cần thiết trong Kinh Phật để chúng ta soi chiếu khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của mình xem chúng ta có làm đúng lời dạy của Phật không. Nếu chúng ta không nhớ lời dạy của Phật thì hàng ngày chúng ta khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật không có gì để soi chiếu. Vậy thì chúng ta làm sai mà chúng ta không hề biết!

Trong gần 1000 chuyên đề chúng ta đã học, có những điều Hòa Thượng nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, Ngài nhắc nhiều đến mức chúng ta đã thuộc lòng nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. Cho nên Hòa Thượng nói: “Phật pháp không ngại giảng lại, nhắc lại”. Giảng lại, nhắc lại nhiều lần cũng được. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta nói một lần người ta không nghe thì chúng ta nói hai lần, ba lần, một trăm lần. Chúng ta nói đến lúc nào người ta đuổi, người ta không cho chúng ta nói nữa thì thôi. Nếu người ta không đuổi thì chúng ta vẫn tiếp tục nói!”. Phật pháp từ bi như vậy! Nhà Phật dùng tâm “vô duyên đại từ”, lòng từ không có nguyên do nên các Ngài có thể nói một lần, hai lần, một ngàn lần.

Khi Hòa Thượng đến cầu học với Chương Gia Đại Sư, Chương Gia Đại Sư dạy Hòa Thượng phải: “Bố thí”. Hòa Thượng cũng đã nhắc lại câu chuyện này rất nhiều lần. Sau đó Hòa Thượng đến tiếp nhận giáo huấn của Ngài Lý Bỉnh Nam. Ngài Lý Bỉnh Nam yêu cầu Hòa Thượng phải tuân theo ba điều kiện. Đó là những yêu cầu rất nghiêm khắc, học trò muốn có thành tựu thì phải tiếp nhận những yêu cầu đó. Tôi dịch đĩa của Hòa Thượng nên tôi cũng được nghe về những yêu cầu đó không dưới 10 lần.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp chú trọng sự lặp đi lặp lại. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện ở thế gian giáo hóa chúng sanh lấy âm thanh làm giáo thể. Phương pháp chủ yếu của Ngài là diễn thuyết. Ngài cũng lặp đi lặp lại để học trò được nghe nhiều hơn, học trò có sự huân tập dài lâu”. Mỗi chúng ta sau khi trải qua 1200 đề tài thì cảnh giới nội tâm của chúng ta đã hoàn toàn thay đổi. Nếu sắp tới chúng ta học tiếp thì cảnh giới nội tâm của chúng ta sẽ hoàn toàn khác. Tôi chưa từng học qua một trường, lớp đào tạo về chuyên môn để giảng dạy. Ngày trước tôi học Đại học Trung Văn nhưng tôi học dở nhất lớp. Nhưng ngày nay tôi có thể giảng ở mọi nơi, làm bất cứ việc gì vì tôi đã dịch Kinh của Hòa Thượng nhiều năm, học tập trong một thời gian dài.

Vừa qua chúng ta tổ chức Lễ Hằng Thuận cho 11 cặp đôi các Thầy Cô giáo, tôi được mời để nói vài lời với các cặp đôi. Tôi biết thời gian không có nhiều nên tôi nói khoảng 5 phút, tôi nói về ơn đức sinh thành, về bổn phận vợ chồng và về trách nhiệm cùng nhau gánh vác. Tôi chỉ nói những điều khế hợp, vừa đủ, không dư, không thiếu. Nếu chúng ta học đủ 1200 đề tài, mọi sự mọi việc trong đời sống chúng ta sẽ minh tường. Đó là chúng ta đang dần dần có trí tuệ.

Hơn 300 đề tài đầu tiên tôi không mở Zoom, ngày nào cũng ngồi nghiêm túc không trễ một phút. Trước 4 giờ tôi dậy đọc bài, sau đó lạy Phật. Tôi cũng di chuyển rất nhiều nơi, khi đến nơi nào thì tôi sắp xếp chỗ học tập. Nếu không có chỗ học tập thì tôi có thể di chuyển xa hơn vài trăm cây số. Đó chính là hằng tâm.

Trong “Kinh Kim Cang” nói: “Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”. Nếu chúng ta không có sự nhẫn nại thì không thể có thành tựu. Chúng ta cùng học 1200 đề tài nhưng tôi là người có thành tựu nhiều nhất vì tôi luôn đúng giờ. Trong 1 giờ học tập này tôi buông bỏ thân tâm thế giới. Hôm nay, khi mới vào giảng thì tôi bị sổ mũi nhưng bây giờ tôi không bị nữa do tôi đã tập trung vào bài giảng. Nhiều lần tôi để ly nước nóng bên cạnh nhưng cả buổi học tôi không uống. Đó chính là tôi đã có 1 giờ Giới – Định – Tuệ đầy đủ.

Chúng ta có tần suất quy nạp quá ít nên chúng ta không thể nhớ được những đạo lý Hòa Thượng đã dạy. Chúng ta không tập trung thì chúng ta sẽ mất đi tâm thanh tịnh. Chúng ta suốt ngày sống trong vọng tưởng, ăn vọng tưởng, ngủ cũng vọng tưởng, ngồi niệm Phật, ngồi nghe pháp cũng vọng tưởng vậy thì chúng ta không thể được Định. Tôi cảm thấy rất may mắn vì tôi được học các chuyên đề này. Hơn 1000 đề tài qua tôi đã học rất nghiêm túc. Trong một ngày có ít nhất 1 giờ tôi được Định, được buông bỏ thân tâm thế giới. Cho nên Hòa Thượng nói: “Phật pháp không ngại nhắc lại”. Chúng ta phải nghe nhiều lần để chúng ta nhớ.

Hòa Thượng nói: “Khi Phật giảng Kinh, sau khi giảng xong một đoạn thì Ngài lặp lại. Thế Tôn hiểu căn tánh của chúng ta không nhạy bén cho nên sau khi giảng xong thì Ngài dùng Kệ để lặp lại đoạn vừa giảng một lần”. Các câu kệ rất dễ ghi nhớ. Nếu chúng ta không đủ năng lực thuộc đoạn giảng thì chúng ta thuộc đoạn kệ. Nhưng ngày nay chúng ta không thuộc đoạn giảng, cũng không thuộc đoạn kệ, căn tánh của chúng ta còn chậm hơn người thời xưa. Thời đại 4.0, khoa học kỹ thuật phát triển nên chúng ta sống trong vọng tưởng. Ngày trước điều kiện vật chất ít nên tâm người ít vọng tưởng. Khả năng ghi nhớ của chúng ta thấp hơn người xưa.

Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng pháp trong suốt 49 năm, Ngài A-nan như một chiếc máy ghi âm nhớ mọi lời Phật giảng. Trước khi Ngài A-nan xuất gia, Ngài A-nan có đề nghị Đức Phật giảng lại những bài Kinh mà trước đây Ngài chưa từng được nghe. Ngài A-nan khi đó cũng chưa chứng đạo nhưng Ngài có trí nhớ siêu phàm. Chúng ta muốn ghi nhớ thì chúng ta phải quy nạp nhiều lần. Chúng ta học hết 1200 đề tài, những bài chúng ta chưa được nghe thì chúng ta nghe lại. Tôi vẫn nhớ chuyên đề 1 có tên là : “Khởi tâm động niệm là châu biến pháp giới”. Một ý niệm chúng ta khởi lên là trùm khắp pháp giới. Chúng ta dành một ngày 3 đến 4 giờ thì một tháng chúng ta có 120 giờ để nghe pháp. Nếu chúng ta không nghe một cách nghiêm túc từ đầu, một thời gian sau chúng ta muốn theo kịp mọi người cũng không thể. Những người vừa mới vào học các chuyên đề thì mọi người muốn nghe từ các chuyên đề đầu tiên sẽ phải mất một thời gian dài. Trước đây, chúng ta không nghĩ mình có thể học hết 1200 chuyên đề nhưng hiện tại chúng ta đã học gần xong.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta có thể ghi nhớ Kinh văn thì trong cuộc sống hàng ngày chúng ta mới có thể phụng hành. Khi chúng ta khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật, chúng ta sẽ quán sát xem tâm hạnh của chúng ta có tương ưng với lời giáo huấn của Phật không”. Chúng ta thuộc các câu Kinh văn thì chúng ta mới có thể đối chiếu trong đời sống hàng ngày. Nếu chúng ta không đối chiếu khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chúng ta với các câu Kinh văn thì chúng ta sẽ làm sai.

Hòa Thượng nói: “Phật rất từ bi, khi Phật giảng Kinh cho đạo tràng thì có người đến sau nên họ không được nghe đoạn trước. Vì vậy Phật dùng Kệ lặp lại đoạn Kinh văn trước, để người đến sau cũng được hiểu đoạn trước. Đây là cách giảng dạy vô cùng từ bi của Phật”. Phật biết căn tánh của chúng sanh đời sau rất chậm, không nhạy bén. Chúng ta vọng tưởng phiền não nhiều hơn người trước nhưng không phải là không có cách để ghi nhớ Kinh văn. Cả đời tôi chỉ nghe Hòa Thượng giảng. Khi thấy người khác chỉ trích hay có lời nói xúc phạm đến Hòa Thượng thì tôi đều chảy nước mắt. Tôi cảm xúc không phải vì họ mắng người tôi kính trọng mà bởi vì họ không hiểu về Hòa Thượng mà họ dám nói như vậy thì tội của họ sẽ đọa địa ngục. Tôi chỉ thấy tội nghiệp cho họ! Tôi đã có mấy chục ngàn giờ để nghe nên tôi hiểu hết những cương lĩnh Ngài nói.

Gần đây, tôi được nghe một bài giảng của Hòa Thượng, Ngài nói khi Ngài đã rất già, Ngài vẫn giảng một cách sáng suốt, minh bạch, xác quyết về pháp môn Tịnh Độ. Ngài phải dùng hết sức lực để nói. Chúng ta cố gắng, một ngày chúng ta dành trọn vẹn 1 giờ để học tập, để quy nạp. Chúng ta nghe đủ 1200 đề tài thì cảnh giới nội tâm chúng ta sẽ hoàn toàn thay đổi. Chúng ta nghe đủ thì chứng tỏ chúng ta đã vượt qua chính mình. Chúng ta vượt qua sự phóng túng, lười biếng của chính mình. Khi chúng ta nghe pháp thì chúng ta đạt được Định. Có Định thì trí tuệ nhất định sẽ phát xuất.

Chúng ta nghe pháp nhiều nhưng không nghe nhiều pháp. Có người phụ nữ gọi điện cho tôi nói rằng họ nghe nhiều vị Thầy giảng pháp nhưng hiện tại chồng họ sắp dính mắc vào chuyện nam nữ nên nhờ tôi giúp. Trước đây họ không tin, không nghe tôi giảng thì bây giờ làm sao tôi có thể giúp được. Tôi chỉ nghe pháp của Hòa Thượng gần 20 năm nay. Trong 20 năm qua tôi đã chuyên nhất nên tôi đã có được Định.

Có nhiều người thích nghe nhiều pháp, nghe nhiều người giảng dạy nên họ có nhiều sự phân biệt, chấp trước nên tâm họ tán loạn. Tâm họ không được Định nên họ không khai mở được trí tuệ. Hòa Thượng học pháp chuyên nhất với một vị Thầy. Ngài theo học Đại Sư Chương Gia, sau khi Đại Sư viên tịch thì Ngài đến học với Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam hơn 10 năm. Ngài đã trình diễn ra cho chúng ta một đời chuyên nhất.

Suốt cuộc đời Ngài chỉ chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh Độ. Ngài thông tông, thông giáo, Kinh nào Ngài cũng có thể giảng. Ngài đã giảng rất nhiều Kinh, trong đó có các Kinh như: “Kinh Hoa Nghiêm”, “Kinh Kim Cang”, “Kinh Lăng Nghiêm”, “Kinh Pháp Hoa”, đó là các Kinh của các Pháp môn khác như Thiền Tông, Mật Tông. Có người hỏi Ngài: “Ngài giảng Thiền hay như vậy sao Ngài không tu Thiền?”. Hòa Thượng nói: “Tôi giảng về Thiền cho những người có căn tánh tu pháp môn Thiền. Còn căn tánh của tôi chỉ phù hợp với pháp môn Tịnh Độ”. Hòa Thượng đã làm ra biểu pháp cho chúng ta.

Cả đời của tôi chỉ theo pháp môn Tịnh Độ, chỉ nghe Hòa Thượng. Nhưng tôi không gặp trở ngại gì, tôi vẫn có thể vận hành cả hệ thống. Công việc của hệ thống tôi có thể giải quyết trong chưa đầy một nốt nhạc. Đó là nhờ trí tuệ của Hòa Thượng. Chúng ta không có trí tuệ thì chúng ta mượn nhờ trí tuệ của Hòa Thượng. Mọi việc chúng ta đều giải quyết phù hợp, thỏa đáng, vừa vặn. Chúng ta có thể giải quyết được việc trong mọi lĩnh vực. Đó chính là lợi ích thù thắng của sự chuyên nhất. Nếu chúng ta chưa nghe hết 1200 đề tài thì chúng ta nên lập kế hoạch nghe lại từ đầu. Hòa Thượng hết lòng, hết dạ truyền tải cho chúng ta nên không có bất cứ lời nào là lời thừa. Các đề tài đều giúp chúng ta hiệu đính lại cách thấy, cách biết, cách làm của chúng ta.

Những lời Hòa Thượng nói đều là những lời chân thật được lưu xuất ra từ chân tâm. Cả đời Hòa Thượng dùng chân tâm để đối người tiếp vật nên những lời Ngài nói không không thể gạt người. Những người mong cầu danh vọng lợi dưỡng thì họ mới nói lời gạt người khác. Hòa Thượng một đời: “Không quản tiền, không quản việc, không quản người”. Vậy nên Ngài nói: “Họ năn nỉ cho chúng ta còn không lấy, chứ đừng nói đến chuyện gạt người để có được!”.

*****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook