Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu, ngày 29/07/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 960
“THÁNH HIỀN KHÔNG CHỌN ĐỜI SỐNG ĐẶC QUYỀN”
Các bậc Thánh Hiền có đời sống giản dị, gần gũi với chúng sanh khổ nạn. Các Ngài không chọn đời sống đặc quyền nghĩa là các Ngài không chọn đời sống khác biệt với người bình thường.
Thích Ca Mâu Ni Phật sống đời sống “ba y một bát”. Ngài chỉ mang theo ba tấm y, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Ngài có đời sống giản dị, gần gũi với chúng sanh nên Ngài có thể gần gũi, độ hóa được họ.
Hòa Thượng nói: “Nếu đời sống của chúng ta quá tốt, quá đầy đủ thì chúng sinh khổ nạn họ sẽ không dám gần gũi hay tiếp nhận chúng ta. Chúng ta đến để nói đạo lý cho họ thì họ sẽ nói: “Chỉ có những người có đời sống đặc quyền như các ông mới có thể tu học. Những người bình dân như chúng tôi, cơm không có ăn, áo không có mặc thì làm sao có thể tu hành!”.
Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta trải qua đời sống giản dị, bần cùng như họ thì họ sẽ thấy rất hoan hỷ. Họ sẽ ưa thích gần gũi, ưa thích nghe chúng ta nói vậy thì chúng ta có thể hiểu rõ, giúp đỡ họ”. Khi chúng ta gần gũi họ chúng ta biết những khiếm khuyết, những điều chưa phù hợp trong đời sống vật chất, đời sống tinh thần của họ thì chúng ta có thể dẫn đạo họ.
Hòa Thượng nói: “Đời sống, tư tưởng, giáo huấn của Phật Bồ Tát, Thánh Hiền đều là biểu pháp cho chúng ta”. Bà Hứa Triết chọn đời sống vô cùng là bình dị. Bà chưa từng nghĩ đến việc mua quần áo mới. Bà nhặt quần áo trong thùng rác để khâu vá lại cho vừa vặn. Khi bà đến nhận bằng quy y, bà mặc chiếc áo tay lỡ và chiếc quần đen dài qua đầu gối. Bà sống đời sống bình dị vì bà muốn tiếp độ tầng lớp có đời sống khó khăn nhất. Bà có thể hòa mình vào thế gian để tiếp độ người. Chúng ta ở trong xã hội có nhiều vai trò khác nhau nên chúng ta phải ăn mặc phù hợp với từng hoàn cảnh.
Bài học hôm nay là triết lý để chúng ta áp dụng cho đời sống của mình. Thánh Hiền sẽ không chọn đời sống đặc quyền. Chúng ta là học trò của Thánh Hiền, chúng ta cũng không chọn đời sống đặc quyền mà chúng ta phải chọn đời sống giản dị, gần gũi với chúng sanh khổ nạn. Chúng ta làm giáo dục Thánh Hiền, chúng ta phải có đời sống bình dị thì chúng ta mới có cơ hội gần gũi từ đó có phương cách để dẫn đạo họ.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn học Thánh, học Hiền thì trước tiên là chúng ta phải đem vật dụng buông xả. Từ xưa đến nay Phật pháp đều dạy chúng ta nhìn thấu, buông xả. Buông xả chính là buông xả phiền não. Nhìn thấu chính là hiểu rõ chân tướng sự thật. Quy luật vận hành của vạn sự, vạn vật trong vũ trụ, tánh, tướng, sự lý, nhân quả chính là đại học vấn. Chúng ta không thể thành tựu đại học vấn này chính bởi dục vọng của chúng ta. Dục vọng chính là phiền não. Phiền não làm cho chân tâm, trí tuệ của chúng ta bị che khuất”. Hàng ngày chúng ta vẫn có tâm mong cầu. Chúng ta không dùng tâm chân thành để làm việc, để đối nhân xử thế tiếp vật. Chúng ta nhìn thấy ai có năng lực tốt hơn mình thay vì chúng ta học hỏi từ họ thì chúng ta lại khởi vọng tưởng, mong muốn mình tốt hơn người. Chúng ta không nỗ lực tu hành mà chúng ta mong một ngày nào đó sẽ thành Thánh, thành Hiền. Đó chính là vọng tưởng, dục vọng.
“Dục vọng” và “nguyện vọng” rất gần nhau. Chúng ta vì ta mà lo nghĩ thì đó là dục vọng. Chúng ta toàn tâm toàn ý vì chúng sanh lo nghĩ thì đó là nguyện vọng. Chúng ta đừng để dục vọng làm chủ. Chúng ta có dục vọng thì chúng ta sẽ tư lợi. Tư lợi thì nhất định là tổn người. Chúng ta có thêm một phần hưởng thụ, tiện nghi thì chúng sanh sẽ bớt đi một phần. Chúng ta nhường đi một phần tiện nghi, lợi ích thì chúng sanh sẽ có thêm một phần. Chúng ta chiếm tiện nghi của chúng sanh mà chúng ta nói đạo lý thì chắc chắn họ sẽ không nghe.
Hòa Thượng nói: “Trí tuệ và chân tâm của chúng ta không thể hiển lộ là vì chúng ta có quá nhiều dục vọng. Trí tuệ, đức năng, tướng hảo trong tự tánh của chúng ta là giống như chư Phật Như Lai, không hề kém khuyết. Hiện tại chúng ta không thấy được trí tuệ, đức năng, tướng hảo của mình là bởi phiền não, dục vọng của chúng ta quá nặng. Chúng ta mỗi niệm đều tham cầu hưởng thụ vật chất, mê đắm ở trong vật dụng”.