Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm, ngày 28/07/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 959
“NGƯỜI TỰ TƯ TỰ LỢI THÌ NGHIỆP CHƯỚNG GÌ CŨNG ĐỀU CÓ”
“Tự tư tự lợi” là cội gốc của tất cả nghiệp chướng. Vì chúng ta có cái “ta” nên chúng ta mới có “tự tư tự lợi”. Chúng ta có cái “ta” nên chúng ta nghĩ đến cách để chiếm hữu từ đó chúng ta tạo ra vô lượng, vô biên tội nghiệp. Chúng ta không biết rằng “tự tư tự lợi” chính là hại chính mình, còn “vô ngã vị tha” là chân thật giúp cho chính mình thành tựu đạo nghiệp, giúp ích cho chính mình thoát khỏi sáu cõi luân hồi.
Người thế gian cho rằng: “Người không vì mình thì trời tru đất diệt”. Nhưng người chỉ biết vì chính mình thì mới bị “trời tru đất diệt”. Người hoàn toàn “vô ngã vị tha”, xả bỏ chính mình, hy sinh phụng hiến thì trời sẽ làm hộ pháp. Chúng ta học Phật thì chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Lời giáo huấn của Phật, của các bậc Cổ Thánh Tiên Hiền đều dạy chúng ta phải hy sinh phụng hiến.
Hôm qua, tôi xem chương trình “Tri ân các anh hùng liệt sĩ” trên kênh VTV1 của đài truyền hình quốc gia, thế gian cũng có rất nhiều người quên đi chính mình để thành tựu cho người khác. Họ sẵn sàng hy sinh vì Quốc gia, Dân tộc. Chúng ta là những người học Phật, chúng ta có chí hướng vượt thoát thế gian này vậy thì chúng ta càng phải trừ bỏ “tự tư tự lợi”, trong tâm chúng ta mỗi niệm vì chúng sanh mà lo nghĩ, không có cái “ta” trong đó.
Chúng ta học Phật, học đạo Thánh Hiền nhưng chúng ta vẫn “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, chìm đắm trong hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Người thế gian không có chí hướng vượt thoát sinh tử nhưng họ “sống thì bám đá, chết thì hóa đá trở thành bất tử”. Chúng ta so với các anh thì chúng ta sẽ cảm thấy hổ thẹn. Chúng ta mang danh là người học Phật, mang danh là người muốn vượt thoát sinh tử ra khỏi luân hồi nhưng chúng ta vẫn tự tư ích kỷ.
Chúng ta có gia đình, sự nghiệp, con cái nhưng chúng ta vẫn có thể vượt thoát sinh tử. Sự nghiệp của chúng ta không phải là sự nghiệp riêng tư mà là sự nghiệp của đại chúng, sự nghiệp chân thật làm lợi ích cho Quốc gia, Dân tộc. Con của chúng ta thì chúng ta cũng hóa nhập vào những người con của thiên hạ, chúng ta cũng bình đẳng đối đãi. Chúng ta tận tâm tận lực đối với chúng sanh cũng như tận tâm tận lực với con của mình. Chúng ta tận tâm tận lực chăm sóc con của người cũng như tận tâm tận lực chăm sóc con mình. Chúng ta không có có một mảng riêng tư nào. Chúng ta có thể làm được điều này!
Ngày trước khi tôi đến Nha Trang giảng, tôi gặp một Sư Ông lớn tuổi, Sư Ông có tướng người quắc thước, thân người vạm vỡ như hộ pháp. Sư Ông giới thiệu với mọi người tôi là Cư sĩ và tôi sẽ chia sẻ với mọi người cách tu của một Cư sĩ. Sư Ông nói: “Một người xuất gia mà giảng cho quý vị nghe thì quý vị nói những điều đó người xuất gia mới làm được nên hôm nay tôi mời một vị Cư Sĩ đến chia sẻ cách tu với các vị”. Sư Ông đã mất từ lâu.
Hòa Thượng nói: “Rất nhiều đồng tu học Phật hoài nghi với Kinh điển, với Thánh giáo, với sự tu hành. Chúng ta phải chiếu theo cách làm của Phật. Các Ngài đều dùng chân tâm để đối nhân xử thế tiếp vật. Ở trong xã hội, chúng ta có vẻ như bị thiệt thòi nhưng chúng ta không biết rằng: Chúng ta dùng tâm chân thành nhất định chúng ta sẽ không bị thiệt thòi, chúng ta dùng tâm “tự tư tự lợi” thì chúng ta mới bị thiệt thòi. Nguyên nhân là vì “tự tư tự lợi” là căn gốc, cội nguồn của tất cả nghiệp chướng”. Chúng ta vẫn hoài nghi những điều này vì chúng ta chưa chân thật làm, chưa mạnh mẽ làm. Chính vì chúng ta hoài nghi mà chúng ta không làm được một trăm phần trăm mà chỉ làm được vài chục phần trăm.
Hòa Thượng nói: “Thế gian họ nói: “Nếu tôi dùng tâm chân thành đối nhân xử thế tiếp vật thì tôi sẽ bị thiệt thòi!”. Nếu chúng ta dùng tâm chân thành thì nhất định chúng ta không bị thiệt thòi. Chúng ta dùng tâm “tự tư tự lợi” mới bị thiệt thòi”. Nếu chúng ta toàn tâm toàn lực vì người mà hy sinh phụng hiến thì người sẽ vì chúng ta mà hy sinh phụng hiến. Chúng ta “tự tư tự lợi” thì chúng ta cũng dạy ra những người “tự tự tự lợi”. Họ sẽ bắt chước, mô phỏng theo chúng ta. Nếu chúng ta toàn tâm toàn lực, quên mình vì người thì chúng ta dạy ra một nhóm người cũng toàn tâm toàn lực hy sinh phụng hiến. Hòa Thượng nói một cách khẳng định: “Chỉ có người tự tư tự lợi thì mới bị thiệt thòi vì “tự tư tự lợi” là căn nguyên, cội gốc của nghiệp chướng. Tất cả tội lỗi từ “tự tư tự lợi” sinh ra”.