18727/07/2022, 14:59 24/08/2022, 21:33
957 · Chỉ Cần Chúng Ta Chân Thật Quay Đầu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 26/07/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 957

“CHỈ CẦN CHÚNG TA CHÂN THẬT QUAY ĐẦU”

Trong đời hiện tại và trong đời quá khứ chúng ta đã tạo ra vô số tội nghiệp. Nếu những sai phạm của chúng ta có hình tướng thì tam thiên đại thiên thế giới cũng không chứa hết. Khởi tâm động niệm của chúng ta đều là “tự tư ích kỷ” đều là “danh vọng lợi dưỡng”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta chỉ cần chân thật quay đầu”. Chúng ta chân thật quay đầu thì chúng ta chân thật được độ. Chúng ta chân thật quay đầu nghĩa là chúng ta chân thật thay đổi, tự làm mới. Chúng ta thay đổi những tập khí xấu ác, thành những thói quen thuần thiện, thuần tịnh. Chúng ta phải thay đổi từ “tự tư ích kỷ” thành toàn tâm toàn lực, hy sinh phụng hiến.

Chúng ta cho rằng chúng ta đã thay đổi nhưng tập khí của chúng ta sâu dày nên tất cả khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta vẫn đều vì ta, vì người của ta. Điều này làm chúng ta phiền não nhưng chúng ta chính mình làm, chính mình chịu. Chúng ta toàn tâm toàn lực vì chúng sanh, toàn tâm toàn lực hy sinh phụng hiến thì sẽ không có phiền não.

Gần một tháng qua, tôi đi đến Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, ra Hà Nội, đến Bắc Ninh, trở về Hà Nội, tôi đã đi rất nhiều nơi làm rất nhiều việc. Hôm qua, tôi đã trở về Đà Lạt. Chỉ cần chúng ta chân thật quay đầu, xả bỏ đi “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng sanh sẽ có lợi ích. Không chỉ chúng sanh có lợi ích mà chính ta là người chân thật được lợi ích. Chúng ta chưa chân thật có lợi ích từ Phật pháp vì chúng ta vẫn chưa vào cửa Phật. Nếu chúng ta vào được cửa Phật thì chúng ta sẽ rất an lạc.

Chúng ta vẫn đang dính chặt vào phiền não, tập khí như ham ăn, ham ngủ, ham tiền. Người xưa nói: “Tánh tương cận, tập tương viễn”. Tự tánh chúng ta vốn dĩ không có những tập khí này nhưng chúng ta đã bị ô nhiễm. “Tập khí” là 16 chữ: “Tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng, “hưởng thụ năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. Trong tự tánh của chúng ta không có những tập khí này nên chúng ta dễ dàng loại bỏ. Những thứ có sẵn trong tự tánh đã bị những tập khí nhất thời này che lấp. Khi chúng ta loại bỏ được những tập khí này thì tự tánh của chúng ta sẽ được đề khởi. Chúng ta không cương quyết trừ bỏ tập khí thì chúng ta không đề khởi được tự tánh “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”.

Hòa Thượng đã làm được những điều này nên Ngài nói ra một cách tự tại. Những điều Ngài dạy chúng ta trong các chuyên đề như: “Giới luật chỉ là răn chính mình”. “Tâm tốt việc làm tốt tự nhiên quả báo tốt”. “Là chân tình không phải là hư tình giả ý”. Tâm của Ngài là một mảng chân thành. Ngài nói ra đầy dũng khí vì Ngài đã làm được.

Bài học hôm nay Hòa Thượng nói: “Chỉ cần chúng ta chân thành quay đầu” thì Phật A Di Đà sẽ đến để tiếp dẫn chúng ta. Chỉ cần chúng ta chân thật quay đầu thì Ngài sẵn sàng trao lại ngôi pháp vương ở thế giới Tây Phương Cực Lạc cho chúng ta. Nhưng bao giờ chúng ta có thể quay đầu? Phật Bồ Tát vẫn đang chờ chúng ta. Dù chúng sanh lưu lạc trong sáu cõi ngàn vạn kiếp nhưng khi nào chúng ta quay đầu, tỉnh ngộ thì Phật sẽ đến giúp chúng ta.

Nếu tâm chúng ta không thanh tịnh thì một ngày chúng ta niệm 10 vạn câu Phật hiệu cũng không thể được vãng sanh. Nếu tâm chúng ta không thanh tịnh thì tất cả việc làm của chúng ta đều là bất thiện. Chúng ta vì “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng, “hưởng thụ năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn” mà làm. Tâm chúng ta thanh tịnh mà chúng ta khởi niệm làm việc thiện thì việc làm đó là Phật sự. Nếu tâm chúng ta không thanh tịnh thì tất cả việc làm của chúng ta là Ma sự. Chúng ta càng làm thì chúng ta càng dính vào danh vọng lợi dưỡng. Hòa Thượng dùng những lời nói từ tâm can, hết lòng, hết dạ, nhắc nhở chúng ta nhưng chúng ta vẫn không tỉnh thức mà quay đầu.

Hòa Thượng nói: “Tâm chúng ta thanh tịnh mà chúng ta đề khởi một câu A Di Đà Phật thì niệm đó liền tương ưng với Phật. Chúng ta đừng sợ chúng ta đã tạo nghiệp mà chỉ sợ chúng ta không quay đầu. Chỉ cần chúng ta chân thật quay đầu, chân thật cải hối thì chúng ta niệm Phật sẽ tương ưng với Phật”. “Cải hối” là thay đổi, tự làm mới.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook