
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai, ngày 25/07/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 956
“LÀ CHÂN TÌNH KHÔNG PHẢI LÀ HƯ TÌNH GIẢ Ý”
Thế gian này chỉ là “hư tình giả ý”. Cảm tình của người thế gian lưu xuất ra từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Cảm tình được lưu xuất từ tự tánh mới là “chân tình”. Chư Phật Bồ Tát được mệnh danh là “vô duyên đại từ”, lòng từ của các Ngài không cần nguyên nhân, không cần lý do. Lòng từ của các Ngài chính là “chân tình”. Chúng ta từ bi với người cần có nguyên nhân, có lý do. Người nào chúng ta thấy dễ thương thì chúng ta mới yêu. Tình yêu đó là từ ở nơi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không phải là thật yêu.
Phật Bồ Tát dùng chân tình để đối đãi với tất cả chúng sanh. Người thế gian ngày hôm nay họ nói yêu nhau nhưng ngày mai họ có thể mắng chửi nhau. Hôm qua, trong Lễ cưới tập thể của 11 cặp đôi các Thầy Cô giáo hệ thống, các cặp đôi đã nói lời yêu thương nhưng sau này họ vẫn có thể thay lòng đổi dạ. Thế gian chỉ là hư tình giả ý. Tình yêu chân thật thì sẽ không còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Trong tình yêu chân thật mỗi người sẽ không vì bản thân họ mà sẽ hết mình vì người khác.
Hòa Thượng nói: “Cảm tình phải lưu xuất ra từ trí tuệ thì đó mới là chân tình. Nếu cảm tình chỉ lưu xuất ra từ xúc động của tình thức thì nó là giả”. Cảm tình thế gian đều lưu xuất ra từ nơi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chứ không phải từ nơi trí tuệ. Người thế gian thường gọi đây là “tiếng sét ái tình” hay nhà Phật gọi là “cảm tình dụng sự”. Người thế gian yêu bằng ánh mắt, bằng cảm xúc chứ không phải yêu bằng chân tâm. Chúng ta phải dùng lý trí để điều khiển tình yêu của mình. Chúng ta đừng để tình thức điều khiển tình yêu. Vậy thì khi chúng ta nhận ra tình yêu đó không phải là thật thì chúng ta không quá khổ đau.
Hòa Thượng nói: “Tình yêu từ ở trong lý trí mà sinh thì chúng ta không gọi là yêu mà chúng ta gọi là từ bi. Từ bi chính là yêu. Hay nói cách khác tình yêu từ ở trong phân biệt, chấp trước, từ ở trong tình thức mà sinh ra thì gọi là cảm tình dụng sự. Còn tình yêu từ ở trong tâm chân thành sinh khởi thì gọi là từ bi”. “Từ bi” là yêu thương, là bao dung, là tha thứ, tha thứ vô điều kiện.
Hòa Thượng nói: “Hành vi của Chư Phật Bồ Tát, Cổ Thánh Tiên Hiền hiển thị ra là từ bi vô điều kiện, tâm yêu thương vĩnh hằng. Các Ngài yêu thương tất cả chúng sanh chu đáo mọi bề. Việc này chúng ta cần phải thể hội, chúng ta cần phải học tập”. Hòa Thượng nhắc chúng ta mở rộng tình yêu của mình ra giống như tình yêu của chư Phật Bồ Tát. Tình yêu của các Ngài đạt đến mức độ chu đáo mọi bề, tình yêu không có điều kiện. Không phải khi người khác yêu chúng ta, người khác làm chúng ta vừa lòng thì chúng ta mới yêu họ mà chúng ta yêu thương không có phân biệt, chấp trước. Điều này rất khó thực hiện nhưng chúng ta là học trò của Phật thì chúng ta phải hướng đến.
Hòa Thượng nói: “Thế gian họ cho rằng tình yêu rất là đáng quý nhưng thật ra họ không biết được rằng đó là “hư tình giả ý”. Đó không phải là chân tình, đó là giả”. Hôm nay họ có thể yêu “chết đi sống lại” nhưng ngày mai họ có thể trở thành “oan gia” đối đầu. Đã có hơn 50% các cặp vợ chồng dẫn nhau ra tòa để ly dị, họ cũng đã từng thề non hẹn biển, sống không thể thiếu nhau.
Hôm qua, có một anh học trò nhờ tôi khuyên Ba của anh. Khi Mẹ của anh mất, Ba anh rất đau lòng, ông nói ông không thể sống được. Nhưng Mẹ của anh mới mất một thời gian ngắn thì Ba của anh đã có người phụ nữ khác. Hàng ngày, ông ăn chay nhưng bây giờ ông lại yêu một người phụ nữ bán cá. Những người con sợ rằng ông sẽ bỏ ăn chay và sát sinh giống người phụ nữ đó. Những lời khuyên của các con ông đều bỏ ngoài tai. Tôi cũng thấy trường hợp này rất khó khuyên!
Chúng ta hiểu “thế gian là hư tình giả ý” không phải để chúng ta có thái độ nghi ngờ với tình yêu mà để chúng ta nâng cấp tình yêu của mình. Tình yêu của chúng ta sẽ không phải là một tình yêu vị kỷ mà là một tình yêu vị tha. Chúng ta mở rộng tình yêu vợ chồng thành tình yêu chúng sanh. Thay vì yêu một người thì chúng ta yêu tất cả mọi người bằng một mảng tâm chân thành, sẵn sàng hy sinh phụng hiến. Tình yêu của người thế gian là tình yêu ích kỷ, khống chế, chiếm hữu nên họ rất khổ. Tình yêu của Phật Bồ Tát không có phân biệt, chấp trước. Tình yêu các Ngài dành cho chúng sanh đều bình đẳng.
Hòa Thượng nói: “Hành vi của chư Phật, của Cổ Thánh Tiên Hiền là từ bi vô điều kiện, tình yêu vĩnh hằng bất biến. Các Ngài yêu thương tất cả chúng sanh, quan tâm đến mọi bề của chúng sanh. Ngay trong đời hiện tại các Ngài giáo huấn, giúp chúng ta có đời sống thiện lành, hạnh phúc. Nhờ sự giáo huấn của các Ngài, đời sau chúng ta lại không đọa lạc vào trong cảnh khổ mà được vĩnh hằng giải thoát, sống trong an lạc. Sự chăm sóc của các Ngài chu đáo mọi bề. Đó mới là tình yêu chân thật”.
Hôm trước khi tôi đi miền Tây, tôi ghé thăm một gia đình. Hai vợ chồng họ đã có với nhau nhiều con cháu. Những người con đều rất ngoan. Họ tha thiết mong Cha Mẹ hạnh phúc nhưng hai vợ chồng họ lại vô cùng hận thù nhau. Họ hận thù đến mức không muốn đi chung xe, không muốn ở chung nhà, không muốn ngồi ăn chung bàn. Họ cũng rất kính trọng tôi, mong được gặp tôi. Tôi khuyên họ xóa bỏ tâm hận thù vì nếu không khi chết sẽ không thể về cõi lành. Tôi đã nói hết lòng, dùng hết phương cách nhưng họ vẫn không tha thứ cho nhau. Tôi cũng không hiểu tại sao họ hận nhau đến như vậy. Họ cũng niệm Phật nhiều năm, cũng ăn chay trường và nghe pháp. Họ cũng biết chắc rằng ôm mối hận thù đó thì họ sẽ đi vào cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nhưng họ thà đi vào cõi ác chứ không bỏ tâm oán giận. Tôi thấy điều này rất đáng sợ! Tôi ghé thăm họ không báo trước, tôi muốn dùng lần đầu tiên gặp mặt mong họ hóa giải thâm thù đại hận nhưng không thành công!
Họ chắc chắn sẽ còn phải gặp lại nhau trong luân hồi để trả mối “thâm thù đại hận” này. Đời này thâm thù như vậy thì đời sau sẽ mối hận thù sẽ còn tàn khốc hơn nhiều lần. Những lần trước tôi khuyên nhủ người khác thì họ đều lắng nghe và xóa bỏ đi thù hận. Hôm đó tôi lặn lội đi đường xa đến đó nhưng vẫn thất bại trong việc giúp họ hòa giải. Vậy thì tình yêu giữa họ chỉ là “hư tình giả ý”, không phải thật. Họ nói yêu nhau nhưng họ chỉ yêu bản thân mình.
Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát vô địch nhân”. Các Ngài không có kẻ thù. Dù chúng sanh hãm hại, nhục mạ, thậm chí giết hại các Ngài thì trong lòng các Ngài cũng là một mảng từ bi, yêu thương. Các Ngài không khởi tâm oán hận. Vua Ca Lợi Vương cắt xẻo thịt của Nhẫn Nhục Tiên Vương để xem Ngài có thể nhẫn nhục đến mức độ nào. Nhưng Nhẫn Nhục Tiên Vương vẫn phát nguyện: “Khi ta thành Phật ông sẽ là người ta độ đầu tiên”. Ngài không khởi lên tâm oán thù.
Hòa Thượng nói: “Yêu từ trong lý trí lưu xuất ra thì đó mới là thật yêu. Yêu từ trong rung động của cảm tình thì đó không phải là yêu. Chúng ta biết để chúng ta nhân rộng tình yêu của mình. Chúng ta không chỉ dùng tâm chân thành, bình đẳng, yêu thương, đối với tất cả chúng sanh mà với vạn vật như cây cỏ, hoa lá, đất đá chúng ta cũng dùng tâm chân thành, bình đẳng, yêu thương để đối đãi. Đó được gọi là tình yêu vĩnh hằng”.
Chúng ta có mặt ở thế gian là từ tình yêu của Cha Mẹ. Chúng ta sinh ra từ xúc động, cảm tình. Khi có mặt ở thế gian, chúng ta đã mang mầm mống của tình ái. Chúng sanh ở thế giới Tây Phương Cực Lạc từ hoa sen hóa sanh. Chúng ta được học rồi thì chúng ta phải mở rộng tình yêu của mình ra. Trước đây chúng ta chỉ yêu một người thì bây giờ chúng ta dành tình yêu đó cho tất cả mọi người.
Hòa Thượng nói: “Trên báo chí thường đăng bài về những cặp đôi yêu nhau sau đó kết hôn, một thời gian ngắn thì đưa nhau ra tòa để xin ly hôn. Đây là tình yêu giả! Tình yêu giả nên mới có sự thay đổi như vậy. Tình yêu thật thì vĩnh hằng không thay đổi. Tình yêu của người thế gian là giả, không đáng tin cậy vì nó có thể thay đổi. Họ yêu nhau nhưng đến sau cùng thì biến thành oan gia, thành thù hận. Chúng ta muốn có tình yêu chân thật thì chúng ta phải học Phật Bồ Tát. Tình yêu của các Ngài là tình yêu chân thật, vĩnh hằng, không thay đổi. Chúng ta tôn kính, yêu thương các Ngài hay chúng ta hủy báng, hãm hại các Ngài thì các Ngài cũng vẫn yêu thương, hỗ trợ chúng ta. Tình yêu của các Ngài không có một sự biến đổi nào. Đây mới gọi là chân ái, là tình yêu chân thật”.
Tâm của các Ngài là “như nhất”, không có sự phân biệt, chấp trước. Tâm chúng ta thì phân biệt, chấp trước. Chúng ta phân biệt đây là người chúng ta yêu, đây là người chúng ta không yêu, đây là người đối đầu với chúng ta.
Hòa Thượng chỉ cho chúng ta thấy rõ đâu là “chân tình”, đâu là “hư tình giả ý”. Chúng ta quán sát xem tình yêu của chúng ta lưu xuất từ lý trí hay từ nơi rung động cảm tình. Các Ngài nhắc chúng ta lưu xuất tình yêu từ lý trí. Tình yêu đó là tình yêu vô điều kiện, vô ngã, vị tha. Chúng ta sẽ chuyển tình yêu “vị kỷ” thành tình yêu “vị tha”. Chúng ta nghĩ điều này khó làm nhưng chúng ta tập dần thì chúng ta sẽ làm được, đó phải là quá trình!
Trong tình yêu khi chúng ta bị gạt nhiều lần rồi thì chúng ta mới có thể mở rộng tâm lượng. Khi đó chúng ta không dành tình yêu cho một người nữa mà chúng ta dành tình yêu cho mọi người, chúng ta có thể hy sinh phụng hiến cho tất cả mọi người. Ở thế gian, cũng có những người họ không vì hạnh phúc của riêng mình mà vì hạnh phúc của mọi người.
Tình yêu của Hòa Thượng là tình yêu chân thật dành cho tất cả chúng sanh, đúng như câu nói: “Phật Bồ Tát yêu thương tất cả chúng sanh chu đáo mọi bề”. Trong 1200 đề tài Ngài nhắc nhở chúng ta mọi phương diện để chúng ta có thể chuyển đổi. Đây mới là tình yêu chân thật, chu đáo mọi bề. Đời này chúng ta được yên vui, hạnh phúc, đời sau chúng ta được thăng hoa hơn ở một cõi an lạc. Đó là tình yêu chân thật!
Hòa Thượng nói: “Người thế gian chỉ là hư tình giả ý. Chúng ta nhất định phải tường tận để không bị thiệt thòi. Phật dạy chúng ta phải lý trí không nên dễ dàng khinh xuất để rung động bởi cảm tình. Cảm tình là Mê. Lý trí là Giác. Chúng ta phải lấy lý trí làm chủ, không để cảm tình làm chủ. Tuy chúng ta có cảm tình nhưng cảm tình đó phải từ ở trong lý trí sinh ra.” Khi chúng ta có lý trí thì chúng ta sẽ biết nâng cao, mở rộng tình yêu của mình. Nếu chúng ta để cảm tình làm chủ thì đó sẽ là tình yêu vị kỷ, ích kỷ. Cảm tình phải được kiểm soát bằng lý trí không phải là cảm tình mù quáng.
Gần đây có vụ án, một người do mâu thuẫn tình cảm mà giết người sau đó họ tự sát. Thế gian này rất nhiều những người hành động hồ đồ, khờ dại như vậy. Họ không biết sinh mạng ở thế gian này vô cùng quý báu. Chúng ta không biết dùng sinh mạng này để hy sinh phụng hiến, giúp ích thế nhân. Chúng ta chỉ dùng sinh mạng này để phụng sự cho ái dục, cho dục vọng của bản thân. Những người không học Phật thì không nhận ra điều này.
Một người Thầy của tôi nói rằng người thế gian hàng ngày chỉ quay cuồng trong bốn thứ là ăn, ngủ, ở và thải. Họ không có lý trí để nhận ra giá trị thật của cuộc đời. Thân mạng này vô cùng quý báu. Có nhiều người đã dùng thân mạng này để hy sinh phụng hiến, làm nên lịch sử, lưu danh thiên cổ. Nếu chúng ta có mặt ở thế gian chỉ để phục vụ bốn điều này thì quá tiếc nuối. Hòa Thượng nhắc để chúng ta biết đâu là hướng đến chân tình, đâu là hư tình giả ý để chúng ta không quá khổ đau, túng quẫn, làm bừa.
Hòa Thượng nói: “Tất cả phải lưu xuất từ lý trí, nơi giác ngộ, tỉnh thức mà sinh ra không từ ở nơi mê hoặc, điên đảo, nơi mê hận mà sinh ra”. Nếu chúng ta không học Phật thì chúng ta cũng giống như người thế gian chìm đắm trong ăn, ở, ngủ, thải.
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!