21030/07/2022, 21:18 24/08/2022, 21:33
954 · Giới Luật Là Chỉ Răn Chính Mình

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảngtừ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ thứ Bảy, ngày 23/07/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 954

“GIỚI LUẬT LÀ CHỈ RĂN CHÍNH MÌNH”

Giới luật là chỉ răn chính mình” nghĩa là Phật chế ra giới luật để răn dạy mỗi chúng ta. Giới luật được chế ra không phải để răn dạy người khác. Có những người lấy giới luật để kìm hãm, để soi chiếu người khác nhưng chính bản thân họ thì không làm. Đó là sai lầm! Những điều răn của Phật chính để chúng ta răn chính mình. Quan trọng là chính chúng ta làm tốt!

Hòa Thượng nói:“Các vị phải ghi nhớ chúng ta tu ở nơi Giác – Chánh - Tịnh. Chúng ta học ở nơi Giới - Định - Tuệ. Chúng ta chỉ quản chính mình, không quản người khác. Chúng ta không cần quan tâm họ có thanh tịnh, có giác ngộ hay không. Chúng ta nhất định phải hỏi chính mình. Chính mình có thanh tịnh,có giác ngộ không!”.

Chính mình có thanh tịnh, có giác ngộ hay không là vấn đề rất quan trọng. Người tu hành Phật pháp hoàn toàn khác biệt các cách tu hành khác. Cách tu của nhà Phật là chính mình phải tu ở nơi Giác - Chánh - Tịnh, chính mình phải học từ ở nơi Giới - Định - Tuệ. “Giới” là sự rào đón, ngăn cấm đối với thân, khẩu, ý của chúng ta. Thân, khẩu, ý của chúng ta phải an trú trong chuẩn mực, quy chuẩn mà Phật, Thánh Hiền đã dạy. Có Giới thì mới có Định, có Định thì Trí tuệ chúng ta mới phát sanh.

Chúng ta tu hành lâu ngày nhưng trí tuệ vẫn không phát khởi, chúng ta không rõ ràng tường tận mọi việc. Nếu chúng ta có trí tuệ thì khi gặp việc chúng ta sẽ thông suốt. Chúng ta không cần người khác phải nhắc đi nhắc lại việc đó nhiều lần. Trí tuệ của chúng ta chưa sanh khởi do tâm chúng ta chưa có Định. Chúng ta chưa có Định vì chúng ta chưa an trú thân, khẩu, ý trong những lời răn dạy của Phật, của Thánh Hiền.

Giới luật của Phật, giáo huấn của Thánh Hiền là những điều răn dạy của các Ngài. Giới giống như một hàng rào bảo vệ. Giới bảo vệ thân và tâm của chúng ta. Giới giúp thân tâm của chúng ta không vượt qua những quy chuẩn, những chuẩn mực mà Phật Bồ Tát, Thánh Hiền đã nhắc nhở.

Chúng ta túng tình làm theo tập khí phiền não, tập khí xấu ác của chính mình vậy thì chúng ta không thể Định. Chúng ta không có Định thì không thể có Trí tuệ. Hàng ngày chúng ta quán sát xem khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta có theo quy chuẩn, chuẩn mực mà Phật Bồ Tát, Thánh Hiền đã dạy không. Điều này rất dễ nhận ra!

Hòa Thượng nói: “Nhân giới được Định, nhân Định khai Huệ. Định là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Chúng ta nhìn thấy người khác không trì giới, phá giới thì tâm chúng ta sanh phiền não nếu vậy tâm chúng ta không thể Định. Chúng ta nhất định phải biết Định là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng”. Chúng ta tu hành Phật pháp mà tâm chúng ta không Định vậy thì chúng ta hoàn toàn làm sai với tông chỉ nhà Phật.

Có những người học Phật nhưng họ rất bao chao, vội vàng, hấp tấp. Chúng ta càng tu học Phật thì tâm chúng ta càng bình lặng. Người xung quanh nhìn thấy mỗi hành vi, việc làm của chúng ta rất nhanh nhẹn, gọn lẹ nhưng không thô tháo. Việc này ta tự quán sát lại chính mình. Chúng ta làm với tâm vọng tưởng, có cái ta trong đó thì người có tâm bình lặng một chút sẽ nhận ra ngay. Chúng ta dễ nhận ra hôm nay chúng ta có “sống ảo”, có “tinh tướng” không!

Chúng ta tu hành Phật pháp mà tâm thái còn như vậy thì như Hòa Thượng nói Chư Phật Bồ Tát nhìn thấy chúng ta như vậy thì các Ngài thấy rất là oan uổng, rất là tiếc nuối. Chúng ta gặp pháp môn giúp chúng ta một đời vượt thoát sanh tử nhưng chúng ta không nỗ lực nên chúng ta vẫn tiếp tục luân hồi. Chúng ta đã từng ở trong đại mộng mà vẫn tiếp tục ở trong đại mộng. Chúng ta nằm mộng trong giấc ngủ thì chúng ta tỉnh dậy là hết nhưng đại mộng sanh tử là giấc mộng dài, triền miên. Chúng ta đã trôi lăn trong sáu cõi nhiều đời nhiều kiếp mà chúng ta chưa tỉnh mộng!

Chúng ta tu hành mà tâm chúng ta càng lúc càng Định thì chúng ta tu hành đúng. Nếu chúng ta tu hành mà tâm chúng ta càng lúc càng bao chao, nóng vội thì chúng ta biết chúng ta đã tu hành sai. Chúng ta phải mau mau sửa đổi. Chúng ta không biết cách sửa đổi thì chúng ta cần cầu thiện hữu tri thức để họ chỉ lỗi cho chúng ta. Trước đây, chúng ta xử lý công việc rất hấp tấp nhưng chúng ta tu hành đúng thì chúng ta sẽ biết cách xử lý mọi việc nhẹ nhàng, thư thái nhưng nhanh chóng.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook