359Thứ Ba, 19/07/2022, 17:47
950 · Phải Hiểu Được Tùy Duyên Mà Không Phan Duyên

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 19/07/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 950

PHẢI HIỂU ĐƯỢC TÙY DUYÊN MÀ KHÔNG PHAN DUYÊN

Phàm phu chúng ta khởi tâm động niệm đều vì chính mình nên chúng ta rất cưỡng cầu, phan duyên. Một số người chểnh mảng, lười nhác thì họ cho rằng đó là họ đang tùy duyên. Chúng ta rất khó phân biệt giữa “phan duyên” và “tùy duyên”.

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta mê thì tất cả những gì chúng ta nỗ lực, dụng công làm đều là vì chính mình, vì gia đình mình. Nếu chúng ta giác ngộ, hiểu thấu thì tất cả những nỗ lực của chúng ta là vì xã hội, vì chúng sanh, vì giáo huấn của Phật Đà. Phàm phu và Bồ Tát khác biệt chính ở chỗ này. Phàm phu thì mỗi việc đều vì chính mình, vì việc của mình, vì người của mình. Bồ Tát thì tất cả khởi tâm động niệm của các Ngài đều là vì chúng sanh”. Hàng ngày khởi tâm động niệm của chúng ta đang vì mình, vì cái của mình hay vì chúng sanh. Việc này dễ nhận ra. Chúng ta lấy tiêu chuẩn này để tự quán sát và tự giác ngộ. Nếu chúng ta giác ngộ thì chúng ta vì chúng sanh, vì thực tiễn giáo dục của Phật Đà mà nỗ lực. Nếu chúng ta mê muội thì chúng ta vì ta, vì cái của ta, gia đình của ta, sự nghiệp của ta, con cái của ta.

Nếu chúng ta vì chúng sanh thì đó không phải là phan duyên. Chúng ta còn có một ý niệm vì ta, vì cái của ta thì đó là phan duyên. Ranh giới giữa ý niệm vì ta và ý niệm vì chúng sanh rất gần, chỉ ở ngay trong khoảng một niệm. Trong một khảy móng tay có đến hàng triệu ý niệm. Khoảng cách đó gần đến mức chỉ có Bồ Tát mới có thể nhận ra, đến khi phàm phu chúng ta có thể nhận ra thì chúng ta không thể cứu rồi!

Hòa Thượng nói: “Người mê thì vì mình, vì gia đình mình, vì sự nghiệp của mình mà nỗ lực. Còn người giác ngộ là vì chúng sanh, vì xã hội, vì thực tiễn giáo dục của Phật Đà mà nỗ lực”. Người vì ta mà nỗ lực thì họ có phiền não, có sân si vì họ có tâm được mất. Người vì chúng sanh lo nghĩ thì họ không có sân si, phiền não. Vậy thì tất cả việc làm, mọi Phật sự chúng ta đều có thể làm rất đơn giản, việc mà có người làm rồi thì chúng ta không cần phải làm.

Hiện tại, có người đang rất nỗ lực để phiên dịch nên tôi đã nghỉ phiên dịch. Nếu tương lai có người làm giáo dục văn hóa truyền thống tốt thì chúng ta nghỉ. Chúng ta dành thời gian để niệm Phật. Không phải có người làm là chúng ta có đối thủ. Nếu họ làm tốt thì chúng ta rút lui, chúng ta nhường cho họ làm.

Năm 2017, chúng ta tổ chức Lễ tri ân Cha Mẹ rất thành công. Sau buổi Lễ tri ân đó, tôi nghe nói có người muốn đứng ra tổ chức Lễ tri ân vào năm 2018 nên tôi nhường họ làm. Nhưng sau đó họ không tổ chức nên năm 2019 tôi lại đứng ra làm. Sau này có người tổ chức được các buổi Lễ tri ân tốt thì chúng ta cũng nhường cho họ làm. Chúng ta tìm nơi thanh tịnh để niệm Phật.

Chúng ta phải hiểu sự khác nhau giữa “tùy duyên” và “phan duyên”. Chúng ta vì chúng sanh, vì xã hội, vì thực tiễn giáo dục của Phật Đà đó là “tùy duyên”. Chúng ta vì mình, vì cái của mình, vì bá đồ của mình thì đó là “phan duyên”. Chúng ta “phan duyên” thì chúng ta có phiền não, sân sinh. Chúng ta lấy chuẩn mực này có thể xét xem chúng ta đang vì ai.

Chúng ta vì “bá đồ” của mình thì đó là “phan duyên”. “Bá đồ” không cần phải là những việc lớn lao. Ở chợ, có những người lấy sợi dây chăng để chiếm chỗ ngồi bán hàng, đó chính là họ làm vì “bá đồ” của họ. Chúng ta làm việc vì chúng sanh, vì Phật pháp thì chúng ta không có phiền não. Chúng ta làm việc mà có phiền não thì chúng ta nghỉ không làm nữa. Thí dụ chúng ta mở trường Mầm non mà trường không phát triển được, thua lỗ thì chúng ta đóng cửa. Chúng ta không cần phải cưỡng cầu, xin xỏ, năn nỉ người khác. Người ta giành thì chúng ta nhường. Chúng ta về tìm nơi tĩnh lặng để niệm Phật. Chúng ta làm mà cộng tác với nhiều người phiền phức quá thì chúng ta nghỉ vậy thì không ai gây phiền được cho chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp ở thế gian không hoại thế gian pháp. Chúng ta hiểu được hằng thuận chúng sanh rồi thì chúng ta càng nỗ lực hơn, làm được càng tốt hơn. Chúng ta càng nỗ lực giúp đỡ xã hội đại chúng, làm ra tấm gương tốt để xã hội đại chúng noi theo”. Chúng ta đến thế gian để làm tốt hơn những gì ở thế gian có chứ không cản trở việc thế gian. Chúng ta không cưỡng cầu, cạnh tranh. Khi chúng ta có việc thì dù là việc lớn hay việc nhỏ chúng ta cũng hết sức nỗ lực làm để lợi ích chúng sanh. Đó cũng là chúng ta làm ra tấm gương tốt nhất cho chúng sanh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook