121Thứ Hai, 18/07/2022, 18:18
949 · Đâu Là Sự Gia Trì Của Phật

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai, ngày 18/07/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 949

“ĐÂU LÀ SỰ GIA TRÌ CỦA PHẬT”

Từ trước đến nay, chúng ta hiểu về sự gia trì của Phật rất mông lung. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta cúng Phật hoặc chúng ta hướng đến Phật cầu xin thì chúng ta sẽ được Phật gia trì. Những điều đó không phải là sự gia trì của Phật mà chỉ là sự thần quyền mê tín. Phật được mệnh danh là bậc “vô duyên đại từ”. Lòng từ của các Ngài không có nguyên nhân. Các Ngài không cần chúng ta phải nịnh hót, bợ đỡ thì các Ngài mới quan tâm, ban phước.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta dựa vào oai thần của chư Phật Như Lai gia trì. Sự gia trì chân thật của Phật là Ngài giúp chúng ta khai ngộ. Phật giúp chúng ta nhận rõ, minh tường ra sự thật. Chúng ta nghe Kinh, chúng ta đọc Kinh chúng ta hiểu lý thì đó là sự gia trì”. Chúng ta nghe Kinh, đọc Kinh chúng ta rõ lý thì chúng ta biết cách đối nhân xử thế tiếp vật, chúng ta biết cách làm người đúng như pháp thì đó là sự gia trì. Người thế gian hiểu sai về sự gia trì của Phật. Thí dụ chúng ta bị bệnh thì chúng ta cầu Phật cho tai qua nạn khỏi. Chúng ta không biết rằng chúng ta bị bệnh do hoàn cảnh sống không phù hợp hoặc do nội tâm chúng ta không thanh tịnh, nội tâm chúng ta ô nhiễm.

Hòa Thượng nói: “Sau khi chúng ta tường tận được đạo lý Phật dạy, chúng ta biết làm thế để làm người, chúng ta biết làm thế nào để đối nhân xử thế tiếp vật. Thì chúng ta phải làm như người xưa gọi là “tự cầu đa phước”. Nghĩa là chính mình phải nỗ lực mà tu. Nếu như bạn chính mình không chịu tu tập thì Phật cũng không cách nào gia trì cho bạn”.

Chúng ta tu trong cả ý niệm và trong hành vi, nghĩa là tất cả khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta phải dựa trên giáo huấn của Phật. Phần lớn người học Phật rất mù mờ, mông lung về sự gia trì của Phật. Có những người làm được một việc tốt đẹp thì họ cho rằng đó không phải do năng lực của họ mà nhờ sự giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền. Lời nói của họ thể hiện tâm kính nhường. Chúng ta làm được một việc tốt đẹp mà chúng ta cũng nói là nhờ Phật gia trì nhưng chúng ta nói với tâm ỷ lại, nương nhờ vậy thì chúng ta hoàn toàn sai.

Khổng Lão Phu Tử nói: “Thuật nhi bất tác”. Ngài chỉ thuật lại lời của người xưa chứ không sáng tác. Đó là lời nói thể hiện tâm kính nhường của Khổng Lão Phu Tử. Ngài cho rằng lời Ngài nói ra là sự truyền thừa chứ không phải Ngài tự sáng tạo. Thích Ca Mâu Ni Phật cũng nói: “Ta chỉ nói những lời mà bảy đời chư Phật nói”. Đó là sự kính nhường của Ngài đối với người xưa.

Chúng ta mở một cửa hàng kinh doanh, sau một thời gian công việc kinh doanh tốt chúng ta mở thêm một cửa hàng nữa. Chúng ta nghĩ rằng đó là nhờ Phật gia hộ. Nhưng Phật không giúp chúng ta những việc mà làm chúng ta tăng trưởng “tự tư tự lợi”. Đây là việc do Ma làm chứ không phải Phật làm. Có người ban đầu tu hành ở đạo tràng nhỏ, họ tu hành một thời gian thì họ được người khác tặng đạo tràng to. Họ nghĩ rằng đó là Phật gia hộ, Phật ban cho. Phật không đi ban tặng nhà, ban tặng đạo tràng cho người. Đó là do chúng ta vọng tưởng. Phật không bao giờ làm chuyện đó!

Người xưa nói: “Đáng làm quân tử thì vui làm quân tử. Đáng làm tiểu nhân thì oan ức cũng phải làm tiểu nhân”. Người xưa cũng nói:“Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều là do tiền định. “Tiền định” là do phước báu của chúng ta định chứ không phải do ông Trời hay do Phật Bồ Tát định. Bài học hôm nay Hòa Thượng nhấn mạnh cho chúng ta đâu là sự gia trì, sự bảo hộ của Phật.

Chúng ta nghe Kinh, đọc Kinh để chúng ta biết cách khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế đúng với pháp. Không phải chúng ta nghe Kinh, đọc kinh để chúng ta làm việc sai, làm việc phạm pháp mà được Phật gia hộ. Không thể có việc đó! Người xưa đã nói: “Phật Bồ Tát chỉ thành tựu việc tốt cho người chứ không thành tựu việc xấu cho người”. Chúng ta làm những việc “xứng tánh” thì được Phật gia hộ. Tự tánh chúng ta là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Chúng ta làm những việc thuận với tự tánh thì được Phật gia hộ. Có những người học Phật nhiều năm mà vẫn hồ đồ, mê tín. Họ chỉ ỷ lại, nương nhờ, không tự phấn đấu, nỗ lực. Nhà Phật nói: “Chúng ta phải dũng mãnh tinh tấn vượt qua tập khí, phiền não”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook