175Thứ Sáu, 15/07/2022, 21:49
946 · Tranh Giành Để Làm Gì

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 15/07/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 946

“TRANH GIÀNH ĐỂ LÀM GÌ!”

Người xưa nói: “Không tranh với người, không mong cầu ở đời”. Họ có tâm trạng thư thái như vậy vì họ biết đạo lý: “Quân tử vui làm quân tử, dù oan uổng thì tiểu nhân vẫn phải làm tiểu nhân”. Người xưa hiểu đạo lý này nên họ không cần phải tranh giành, đấu tranh. Thế gian ngày nay cũng có người than rằng: “Tham cho nhiều để làm gì!”.

Nhà Phật có câu: “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân”. Khi chúng ta mất đi, chúng ta không mang theo được bất cứ thứ gì. Chúng ta chỉ mang theo nghiệp, nghiệp có nghiệp thiện và nghiệp ác. Chúng ta biết điều này nhưng chưa thật sự tin nên chúng ta vẫn muốn tranh giành.

Những gì chúng ta thọ hưởng hay những đãi ngộ tốt, đãi ngộ xấu chúng ta nhận được đều là do trong mạng chúng ta có. Chúng ta cố gắng cưỡng cầu, tranh giành, mưu tính thiệt hơn là chúng ta làm sai. Trong mạng chúng ta có nhưng chúng ta lại muốn dùng thủ đoạn để có được nhanh hơn vậy thì chúng ta đã làm tổn giảm đi cái chúng ta vốn có. Thí dụ trong mạng chúng ta có 1.000.000đ nhưng chúng ta không dùng cách hợp tình, hợp lý, hợp pháp mà chúng ta dùng thủ đoạn để có được vậy thì chúng ta chỉ còn 500.000đ. Chúng ta đã bị tổn giảm 500.000đ. Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta dùng hành động không hợp pháp để có được tiền tài, địa vị thì tiền tài, địa vị đó đã bị tổn giảm đi một nửa. Nếu chúng ta tiếp tục làm những việc phi pháp thì tiền tài, địa vị lại giảm tiếp đi một nửa của một nửa. Chúng ta tiếp tục làm sai thì tiền tài, địa vị lại giảm đi một nửa của cái còn lại”.

Hòa Thượng nói ra một cách tự tại: “Chúng ta tranh để làm gì?”. Ngài biết rõ thiện ác, báo ứng không hề sai lệch một mảy may. Chúng ta tưởng rằng trong vòm trời rộng lớn này thì nhân quả sẽ có nhiều sai sót. Nhưng nhân quả rất rõ ràng, dù nhỏ như một hạt bụi cũng không sót lọt.

Hòa Thượng nói: “Tất cả đều do phước báu trong vận mạng quyết định. Con người không thể cưỡng cầu để có được bất cứ điều gì. Nếu như bạn có thể thấu hiểu được câu nói này thì khi bạn ở thế gian bạn sẽ không tranh, không cầu vì có tranh giành, cầu mong cũng chỉ là oan uổng, không cần thiết! Nếu bạn dùng tâm nhân từ, mỗi niệm vì chúng sanh khổ nạn mà lo nghĩ, mỗi lúc đều nghĩ đến việc làm sao giúp đỡ chúng sanh đau khổ thì trong mạng của bạn mọi thứ đang có một thì tự nhiên có hai, thậm chí có ba, có bốn”. Vì những thứ bạn có được không phải để bạn thọ hưởng mà để giúp chúng sanh. Tâm rộng lớn, tâm muốn cứu giúp chúng sanh đã chiêu cảm phước báu. Nếu chúng ta hiểu được đạo lý này thì chúng ta không cần phải tranh. Chúng ta sẽ tích cực mở rộng tâm lượng làm những việc lợi ích chúng sanh.

Người xưa nói: “Đời sống của chúng ta là do vận mạng quyết định”. Vận mạng của chúng ta không phải do ai định sẵn mà là do phước ở trong vận mạng quyết định vậy thì chúng ta chỉ cần tích cực tạo phước. Chúng ta tích cực tạo phước thì phước sẽ an bài tất cả, phước sẽ dàn trải để đời sống của chúng ta được tốt nhất. Người thế gian không hiểu vì sao mọi việc diễn biến tốt như vậy, họ thấy rất “vi diệu”, vì việc đó diễn ra ngoài sức tưởng tượng của họ.

Người hiểu được đạo lý này sẽ không còn tâm mong cầu, tranh giành, đấu đá. Người ta tranh thì mình nhường, người ta tranh nữa thì ta lại nhường, người ta tranh nữa ta lại tiếp tục nhường vì ta hiểu được không mất đi chỗ nào. Chúng ta biết được rõ ràng nếu trong mạng không có thì có tranh cũng không thể lấy được.

Người xưa nói: “Trong mạng của chúng ta có tài khố thì tài khố đó họ mới sử dụng được. Trong mạng của chúng ta có quan vị ở mức độ nào thì chúng ta ngồi được quan vị ở mức độ đó”. Nếu trong mạng chúng ta không có quan vị ở mức độ đó nhưng chúng ta cố tranh, cưỡng cầu thì tai ương sẽ đến. Người xưa hiểu rõ được đạo lý này nên họ thong dong, tự tại. Người ngày nay đa phần không hiểu đạo lý này. Chúng ta không hiểu là vì chúng ta không được học, không được tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền, của Phật Bồ Tát. Có người mở đài để nghe Phật pháp nhưng chỉ để Quỷ Thần nghe, còn bản thân họ tâm ý qua loa, loạn động, nghe không tập trung nên họ không hiểu gì.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook