164Thứ Bảy, 16/07/2022, 11:10
947 · Chính Mình Đã Tạo Thì Chính Mình Phải Nhận Lấy

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 16/07/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 947

“CHÍNH MÌNH ĐÃ TẠO THÌ CHÍNH MÌNH PHẢI NHẬN LẤY”

Liên quan đến đề tài này, Hòa Thượng đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại: Đã gieo nhân thì chắc chắn phải gặt quả. Hòa Thượng cũng nói: “Tự tác tự thọ”, tự mình làm tự mình phải nhận lấy. Tất cả những sự đãi ngộ, những việc chúng ta gặp phải ngay trong cuộc đời này đều là “nhân trước quả sau”. Nhưng người thế gian cứ oán Trời trách người đã làm cho họ khổ như vậy, xui xẻo như vậy mà không biết rằng đó đều là do chính mình tạo ra. Trong Kinh Phật nói rất rõ ràng: Bồ Tát trước khi làm bất cứ việc gì đều rất cẩn trọng, chú trọng nhân ngay từ ban đầu. Phàm phu chúng ta thì tùy tiện tạo tác, không chú trọng xem mình có tạo nhân bất thiện hay không. Đến khi gặp quả thì chúng ta oán người trách Trời, trách số phận mình xui xẻo.

Một người lúc trẻ cần cù, siêng năng học tập thì khi lớn lên mới có đủ năng lực để làm việc, hi sinh, phụng hiến. Nếu người lúc trẻ la cà, không có sự nỗ lực thì không thể tốt được. Đến khi gặp việc, họ muốn làm nhưng không có năng lực, lúc đó mới oán trách người không cho họ đứng vào cương vị đó để làm nhiệm vụ đó. Thật ra đều do chính mình không nỗ lực. Người ta có được sự giàu sang vì người ta biết tích công bồi đức. Chúng ta cơ hàn, thiếu hụt đủ điều vì chính mình không tích công bồi đức. Chúng ta nghe hoài nhưng không nỗ lực để làm.

Thời Đức Phật còn tại thế, Vua Tỳ Lưu Ly đã kéo quân tàn sát dòng họ Thích. Lúc đó Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên là hai vị cổ Phật đến làm đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật, hỗ trợ Phật. Các Ngài biết dòng họ Thích sắp bị tàn sát, các Ngài muốn ra tay ngăn chặn nên đã thỉnh giáo Phật làm thế nào để giúp dòng họ Thích thoát khỏi kiếp nạn đó. Thích Ca Mâu Ni Phật nói rằng đó là định nghiệp, Phật cũng không có cách gì thay đổi định nghiệp của chúng sanh cho nên dòng họ Thích Ca phải nhận quả báo này. Đây là câu chuyện nhân quả cảnh tỉnh chúng sanh trong nhiều đời.

Nếu chúng ta đã tạo nghiệp chướng thì nhất định phải nhận nghiệp chướng, nhất định phải gặp lại oan gia trái chủ. Nhà Phật nói: “Thần thông không liên quan đến nghiệp lực”. Khi nghiệp lực hiện tiền thì thần thông cũng không giúp được. Nếu chúng ta đã tạo nhân thì nhất định phải nhận quả.

Hàng đệ tử của Phật hỏi vì sao tộc Thích Ca phải chịu khiếp nạn như vây. Phật nói rằng: Trong quá khứ, tộc Thích Ca là cư dân của một làng chài, quân lính của Tỳ Lưu Ly là một đàn cá. Người trong làng chài đó đã rút hết nước trong ao cá và giết thịt toàn bộ đàn cá. Họ đã tạo ra oan nghiệp, sau nhiều đời mà oan nghiệp không hết. Cuối cùng, khi đàn cá đấy trở thành đội quân của Vua Tỳ Lưu Ly thì dòng họ Thích đều đã bị tàn sát. Thích Ca Mâu Ni Phật nói rằng oán hận của chúng sanh nhiều đời nhiều kiếp không tan được nên họ phải đến để báo thù, oan oan tương báo, không có sự ngừng nghỉ. Tộc Thích Ca đã kết oán thù nhiều đời nhiều kiếp với Tỳ Lưu Ly, cho nên đời này họ đến tiêu diệt tộc Thích Ca. Đây là oan oan tương báo.

Phật pháp nói: Nhân quả thông ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Đời này bạn giết họ, đời sau họ đến giết bạn. Oán thù càng kết càng sâu, đời đời kiếp kiếp không bao giờ kết thúc. Chúng ta học Phật thì phải biết dừng lại. Mọi việc ở thế gian này đều có “nhân trước quả sau”. Chúng ta phải dùng thái độ gì để tiếp nhận những điều chúng ta đang gặp phải? Nếu chúng ta dùng thái độ hoan hỉ tiếp nhận thì coi như chúng ta đã trả xong món nợ. Nếu chúng ta dùng thái độ khó chịu, khởi lên tâm oán hận thì món nợ vẫn chưa trả xong, vẫn tiếp tục lây rây mãi. Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta hoan hỉ tiếp nhận nghịch cảnh đến với mình thì lần này coi như ta đã trả xong”.

Đạo lý nhân quả rất rõ ràng. Chúng ta biết rằng nhà Phật không định đặt ra đạo lý nhân quả mà đây là một trật tự của đạo tự nhiên. Chúng ta phải hiểu điều này! Vậy mà có người không tin nhân quả, nói rằng chỉ những người mê tín, cuồng đồ mới tin nhân quả. Người không tin nhân quả thì không có nhân quả hay sao? Hòa Thượng nói: “Dù họ không tin nhưng nhân quả vẫn hiển nhiên như vậy”. Một hạt giống đã gieo xuống, khi gặp đủ các tác nhân đất, nước, gió, lửa (có đất trồng, có đủ độ ẩm, ánh sáng...) thì hạt giống sẽ nảy mầm, sinh trưởng thành cây. Nếu chúng ta không tạo nhân thì không có quả. Nếu chúng ta đã tạo nhân thì chắc chắn có quả, không tránh được.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook