330Thứ Năm, 14/07/2022, 22:21
945 · Cầu Mong Phát Tài

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm, ngày 14/07/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 945

“CẦU MONG PHÁT TÀI”

Người thế gian đều mong cầu phát tài. Họ mong có tiền tài nhiều hơn mong có tuổi thọ. Chúng ta muốn phát tài thì chúng ta phải làm theo đúng đạo lý. Chúng ta phải mở rộng tâm lượng, hành thiện bố thí, tận tâm tận lực giúp đỡ người. Nếu tâm chúng ta mở rộng tương ưng với tự tánh thì tâm chúng ta rộng lớn vô lượng vô biên. Tâm chúng ta mở rộng tương ưng với tự tánh trong Phật pháp gọi là “xứng tánh”.

Khi tâm chúng ta “xứng tánh” thì dù chúng ta bố thí một đồng hay một hào thì phước báu của chúng ta cũng rộng lớn vô lượng vô biên. Không phải người bố thí nhiều tiền của thì có nhiều phước báu, còn người bố thí ít tiền thì ít phước báu. Chúng ta càng mở rộng tâm lượng thì phước báu càng to lớn. Tâm chúng ta không mở rộng thì cho dù chúng ta bỏ tiền của, vật chất nhiều đến bao nhiêu thì cũng chỉ có phước báu rất nhỏ.

Chúng ta phát tâm làm việc mà tâm chúng ta có ý niệm mong cầu thì phước báu sẽ có giới hạn. Chúng ta phát tâm làm việc mà tâm không có ý niệm mong cầu nghĩa là tâm chúng ta không có giới hạn thì quả báo sẽ thù thắng. Người mà không có ý niệm mong cầu thì khi phát tâm nhà Phật gọi là “xứng tánh”.

Hòa Thượng xuất thân từ một gia đình rất nghèo. Ngày đầu tiên gặp Đại sư Chương Gia, Đại Sư Chương Gia dạy Ngài phải bố thí. Hòa Thượng nói: “Thưa Thầy, bây giờ tiền ăn con còn không có thì lấy đâu ra tiền để bố thí?”. Đại Sư Chương Gia nói: “Vậy 1 xu, 1 hào ông có bố thí được không? Ông hãy bắt đầu từ 1 xu, 1 hào”. Từ đó Hòa Thượng tích cực bố thí, Ngài làm một cách miệt mài. Chúng ta phải mở được tâm của mình. Chúng ta phải mở tâm trước chứ đừng mở “hầu bao” trước. Chúng ta mở “hầu bao” trước mà tâm chưa mở thì tâm sẽ hối tiếc khi chúng ta bỏ tiền ra. Chúng ta mở được tâm, tâm chúng ta “xứng tánh” rồi thì chúng ta bố thí 1 xu, 1 hào thì công đức đó cũng “xứng tánh”. Chúng ta phải toàn tâm toàn lực vì chúng sanh mà lo nghĩ.

Tôi cũng xuất thân từ gia đình nghèo. Khi tôi dịch Kinh, tôi biết đến Phật pháp và những lời dạy của Hòa Thượng. Tôi luôn muốn đem những lời dạy chân chính, thấu tình đạt lý của Hòa Thượng chia sẻ với mọi người. Chúng ta càng dụng tâm vì chúng sanh thì chúng ta càng có nhiều việc để làm. Mọi người không hiểu vì sao pháp duyên của tôi ngày một tốt. Ngày càng có nhiều người mời tôi đến giảng. Vì tôi đi đến đâu tôi cũng toàn tâm toàn lực vì chúng sanh mà lo nghĩ, không một chút lo nghĩ vì mình.

Có những người họ làm vì họ mong cầu có được tiền tài, danh vọng, địa vị. Tôi chỉ mong đem Phật pháp tôi học được giảng giải cho người khác nghe. Hòa Thượng nói: “Họ mong cầu tất cả. Họ mong cầu tiền tài, danh vọng, địa vị còn chúng ta chỉ mong cầu pháp tòa”. Chúng ta chỉ mong cầu có nơi để học tập. Chúng ta đi đến đâu chúng ta cũng mang lại lợi ích cho chúng sanh. Chúng ta có duyên với chúng sanh là do chính mình chủ động kết duyên với chúng sanh. Chúng ta phải chủ động kết duyên bằng cách đi đâu, gặp ai chúng ta cũng tặng quà. Đó là chúng ta đã tu bố thí. Chúng ta đã bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy rồi vậy thì tiền tài sẽ tự đến.

Người thế gian không tích cực bố thí như cách Phật đã dạy. Phật dạy chúng ta: “Chúng ta muốn có tiền tài thì phải bố thí tiền tài. Chúng ta muốn thông minh trí tuệ thì phải bố thí pháp, bố thí năng lực. Chúng ta muốn khỏe mạnh sống lâu thì phải bố thí vô úy”. Bố thí vô úy chính là chúng ta ăn trường chay, giữ giới, phóng sanh, bảo vệ chúng sanh, giúp chúng sanh được sống an lành.

Người thế gian chỉ biết mong cầu mà không biết tích cực cho đi. Chúng ta học Phật hiểu rồi thì chúng ta tích cực cho đi. Chúng ta hiểu được đạo lý: “Xả là đắc”. “Xả” là được, xả ra bao nhiêu thì được vào bấy nhiêu. Đạo lý “xả đắc” giống như người thế gian nói là “một vốn bốn lời”, thậm chí “một vốn vô số lời”. Khi tâm chúng ta mở ra không có giới hạn, tâm chúng ta “xứng tánh” rồi thì dù chúng ta bỏ ra một xu, một hào thì công đức đó cũng rộng lớn vô lượng, vô biên như tự tánh của chúng ta. Hòa Thượng nói: “Người thế gian mấy ai hiểu được đạo lý này!”. Chúng ta làm việc gì cũng sợ được sợ mất, sợ hơn sợ thua, sợ lời sợ lỗ!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook