22913/07/2022, 20:57 16/07/2022, 12:30
944 · Người Học Phật Có Lợi Ích Thì Chia Sẻ Lợi Ích Đó Cho Mọi Người

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư,ngày 13/07/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 944

“NGƯỜI HỌC PHẬT CÓ LỢI ÍCH THÌ CHIA SẺ LỢI ÍCH ĐÓ CHO MỌI NGƯỜI”

Chúng ta học Phật chân thật có được lợi ích thì chúng ta phải đem lợi ích đó chia sẻ với chúng sanh. Chúng ta không thụ hưởng những điều tốt cho riêng mình mà phải chia sẻ với người khác. Theo tinh thần của Bồ Tát Đạo, sáu hạnh của Bồ Tát là: “Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền định, Trí Tuệ”. Hạnh đầu tiên là “Bố Thí”, có nghĩa là chia sẻ những điều tích cực với các chúng sanh khác.

Chúng ta được tiếp nhận Phật pháp, được tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền nên chúng ta có đời sống tốt đẹp hơn. Những chúng sanh khác họ vẫn đang chìm đắm trong “danh lợi vọng lợi dưỡng”, sợ hơn sợ thua, sợ thành sợ bại, sợ được sợ mất. Chúng ta học Phật thì những thứ đó đã tan nhạt dần, chúng ta có cái nhìn thấu suốt.

Hòa Thượng nói: “Đời sống của chúng ta đã có được lợi ích, chúng ta phải đem lợi ích đó chia sẻ để chúng sanh cùng hưởng”. Chúng ta tích cực đem điều tốt đó chia sẻ với mọi người để mọi người cùng làm, cùng hành trì. Khi đó đời sống hiện tại và đời sống tâm linh của họ đều có được lợi ích. Tinh thần của Phật pháp Đại Thừa là luôn luôn nghĩ đến người khác.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải dùng rất nhiều phương tiện khéo léo để giúp đỡ người khác”. Những người không biết làm gì để lợi ích chúng sanh là do tâm họ chưa mở rộng. Chỉ cần chúng ta mở rộng tâm thì sẽ có rất nhiều việc để làm. Thí dụ mấy ngày nay, ngày nào tôi cũng trồng rau. Hôm qua tôi trồng một bó rau ngót to. Hôm nay mưa cả đêm nên sắp tới rau ngót sẽ rất nhiều. Chúng ta trồng rau để người khác ăn, đó cũng là việc lợi ích chúng sanh.

Trên phương diện vật chất hay phương diện tinh thần, chúng ta đều có thể tận lực lo nghĩ giúp người khác. Đó là tâm Bồ Tát. Nếu chúng ta không biết làm gì để lợi ích chúng sanh vậy thì tâm Bồ Tát của chúng ta chưa được mở. Từ bây giờ đến cuối năm, hàng tháng, hàng tuần chúng ta đều tổ chức rất nhiều sự kiện. Chúng ta mở tâm thì chúng ta mới có việc để làm. Nếu chúng ta không mở tâm thì chúng ta chỉ ở nhà trong bốn bức tường, tận hưởng sự êm ấm của riêng mình.

Hòa Thượng nói: “Người có tâm thì đi đâu trên người cũng đều mang theo quà để tặng mọi người”. Quà tặng có thể là một vài viên kẹo, móc khóa hay quyển sách. Người có tâm biết lo nghĩ cho người khác thì mới biết tặng quà cho người khác. Người luôn có tâm sợ được sợ mất, sợ lời lỗ, sợ hơn thua thì không thể nghĩ đến người khác.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đừng bỏ lỡ một duyên nhỏ để mất đi một cái duyên lớn!”. Chúng ta chỉ chú trọng việc lớn, không chú trọng việc nhỏ trong khi những việc nhỏ lại là tiền đề, là nhân duyên cho một nhân duyên lớn. Chúng ta từ chối một duyên nhỏ thì không có cơ hội tiếp cận duyên lớn.

Rất nhiều lần tôi được mời đến giảng ở những nơi “thâm sơn cùng cốc”, xa xôi hẻo lánh. Sau khi tôi chia sẻ về Phật pháp, có rất nhiều người cũng phát tâm vì chúng sanh, sẵn sàng ủng hộ những việc làm tích cực của chúng ta. Đó là chỉ từ một duyên nhỏ chúng ta lại gặp được đại nhân duyên.

Hòa Thượng dạy: “Đừng xem thường duyên nhỏ mà bỏ đi duyên lớn!”. Chúng ta muốn độ chúng sanh, muốn làm Phật sự thì duyên lớn hay duyên nhỏ chúng ta đều bình đẳng đối đãi, bình đẳng mà làm. Điều này chúng ta không dễ thể hội. Chúng ta muốn người khác cộng tác, hết lòng hết dạ với chúng ta nhưng chúng ta chỉ muốn người khác làm lợi ích cho chúng ta, cung phụng cho bá đồ của chúng ta. Chúng ta đối xử với người không bình đẳng. Dù chúng ta đang ở trong một nhân duyên lớn thì nhân duyên đó cũng sẽ mất.

Có nhiều người nghĩ tự nhiên chúng ta được tặng đất để xây dựng trung tâm giáo dục ở xã Hòa Phú, Đà Nẵng. Nhưng đây là nhờ nhân duyên từ 10 năm trước tôi đã đến đó giảng. Tôi đem hết tâm huyết để chia sẻ về Phật pháp, phát tâm làm những việc lợi ích chúng sanh. Tôi cũng chia sẻ ở một số nơi quanh đó. Khi đó họ thuê khách sạn rất sang trọng để tôi ở nhưng tôi từ chối. Tôi nói: “Hàng ngày chúng ta đang cần tiết kiệm tiền để phóng sanh. Vì vậy việc tôi ở khách sạn một ngày 2 triệu là không cần thiết”. Họ đã trả tiền khách sạn nhưng tôi kiên quyết không ở vì tôi không muốn tạo cho mình thói quen lãng phí. Tôi giảng hết lòng hết dạ nhưng không nhận lại bất cứ thứ gì. Nếu tôi nhận những hồi đáp của họ thì không thể có duyên ngày hôm nay. Có duyên xa thì mới có duyên hiện tại. Có duyên nhỏ thì mới tiếp nối được duyên lớn. Chúng ta phải hiểu được lời Hòa Thượng đã dạy chúng ta.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook