126Chủ Nhật, 10/07/2022, 11:15
941 · Giới Giúp Chúng Ta Được Định, Khai Huệ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 10/07/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 941

“GIỚI GIÚP CHÚNG TA ĐƯỢC ĐỊNH, KHAI HUỆ”

Trong tu thiện, giữ Giới thì tu thiện chỉ giúp chúng ta được phước, giữ giới mới giúp tâm chúng ta được Định. Mục đích của hai phương diện này hoàn toàn khác nhau. Thí dụ, trong Mười Thiện cũng có “không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ” nhưng đó chỉ là tu thiện. Trong Năm Giới cũng có “không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ” nhưng mục tiêu của Giới là được Định. Tên gọi giống nhau nhưng cảnh giới trong tu học hoàn toàn khác nhau. Cho nên chúng ta phải hiểu cho rõ ràng: Mười Thiện chỉ là tu thiện, chỉ được phước. Giữ Giới mới được Định. Giới xuất phát từ nơi tâm của chúng ta. Chúng ta phải dùng tâm Chân Thành để phụng trì Giới luật.

Phật đã nói một cách rõ ràng về tiêu chuẩn của thiện và ác. Điều gì tương ưng với tự tánh là chân thiện. Điều gì trái nghịch với tự tánh là ác, không phải là thiện. Tự tánh là Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi.

Chúng ta dựa vào tiêu chuẩn này để biết rõ mình đang làm thiện hay đang làm ác. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này. Có nhiều người thế gian khi làm việc thiện không phải vì việc tốt mà làm thiện. Họ vì mong cầu mà làm, vì dang vọng lợi dưỡng mà làm, rất phức tạp.

Hòa Thượng nói: “Ngài Tăng Quốc Phiên nói:Nhất niệm bất sanh”. Việc gì thật tốt cho chúng sanh thì chúng ta làm, chúng ta làm nhưng không hề khởi ý niệm. Chỉ cần chúng ta khởi ý niệm muốn thể hiện, chứng minh cho mọi người biết năng lực của chúng ta thì đã sai rồi. Cho nên chúng ta phải phân biệt cho rõ ràng việc mình đang làm là chân thiện hay giả thiện. Việc tương ưng với tự tánh là chân thiện, Việc tương ưng với tập tánh là giả thiện. “Tập tánh” là tập khí phiền não. Rất nhiều người làm thiện vì “tự tư tự lợi”, vì “danh vọng lợi dưỡng”, vì “năm dục sáu trần”, vì “tham sân si mạn”. Không có người nói ra tiêu chuẩn thiện ác. Chỉ có Hòa Thượng rất nhiều lần nói một cách rõ ràng thì chúng ta mới nhận ra, nếu không thì chúng ta cũng mù mờ như mọi người.

Hòa Thượng nói: “Thực tế mà nói, tiêu chuẩn chân thật thiện ác mà Phật pháp đã nói là quá cao. Tiêu chuẩn này cao đến mức chúng ta không biết phải nên bắt đầu từ đâu. Tiêu chuẩn rất cao, bắt tay vào thực hiện chân thật là khó nhưng ở trong pháp môn niệm Phật thì dễ bởi vì pháp môn này của chúng ta chủ trương là trì danh niệm Phật, giữ chặt câu “A Di Đà Phật” trong tâm chúng ta. Câu Phật hiệu này chính là danh hiệu của tánh đức. Niệm một câu “A Di Đà Phật” bắt đầu từ nơi tự tánh của chúng ta. Khi chúng ta toàn nhiếp được tâm thì chính là tự tánh. Thế nhưng quá ít người niệm Phật chân thật biết được điều này”.

Người ta cứ vọng cầu đi làm việc thiện, vọng cầu đi làm việc tốt. Nếu cưỡng cầu mà làm thì sai. Tùy duyên mà làm thì mới đúng. Có nghĩa là việc đến thì chúng ta làm, làm xong rồi thì trong ta không lưu lại điều gì. Khi không có việc gì làm để lợi ích chúng sanh thì chúng ta giữ chặt câu “A Di Đà Phật”, không để phiền não vọng tưởng khống chế chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Pháp môn niệm Phật này mỗi câu Phật hiệu đều tương ưng với tự tánh. Do đây có thể biết: Niệm Phật là thiện trong tất cả các thiện. Không có một việc thiện nào có thể sánh bằng việc thiện này!

Chân thật đúng như người xưa nói: “Chỉ ư chí thiện”. Dùng tâm Thanh Tịnh để niệm “A Di Đà Phật” là “chỉ ư chí thiện”. Nếu chúng ta dùng tâm hư danh để làm việc thiện thì đó không phải là thiện. Việc thiện tương ưng với tự tánh là “chỉ ư chí thiện”. Hòa Thượng nói: “Chí thiện” viên mãn, cái thiện đạt đến cứu cánh viên mãn, không hề có một chút kém khuyết chính là nhất tâm xưng niệm “A Di Đà Phật”. Cách nói này của chúng ta, nếu bạn giới thiệu cho một số người niệm Phật khác thì họ sẽ lắc đầu, không cho là như vậy. Nhưng chúng ta đọc qua nhiều Kinh Luận C, chúng ta thể hội được đây nhất định là chân thật. Nếu không đạt đến cảnh giới này thì bất đắc dĩ mới cầu đến thứ khác”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook