Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 09/07/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 940
“NGHE PHÁP PHẢI CÓ THỂ HÓA NHẬP VÀO TỰ TÁNH”
Chúng ta tu học Phật pháp, nghe pháp, tụng Kinh, niệm Phật, nếu có thể thể hội được từ tự tánh thì chúng ta mới có pháp hỉ, có niềm vui từ nội tâm. Như vậy chúng ta mới có thể học được nhiều, nghe được nhiều mà không mệt mỏi. Nếu chúng ta nghe với tâm phân biệt, nghe bằng tâm ý thức thì chúng ta sẽ rất mệt.
Trong một buổi nói chuyện cũng vậy, nếu dùng tâm ý thức để nói thì chúng ta sẽ rất mệt, cảm thấy thời gian của buổi nói chuyện rất dài. Nếu dùng sóng tâm để nói chuyện thì chúng ta không mệt mỏi và cảm thấy thời gian trôi đi rất nhanh. Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, mỗi ngày Ngài giảng Kinh từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ, Ngài có mệt mỏi không?”. Hòa Thượng nói: “Tôi không giảng Kinh thì mới bị mệt, nếu giảng Kinh thì tôi không mệt”.
Chúng ta thấy người ta làm Phật sự, chúng ta tưởng rằng họ rất mệt. Khi làm Phật sự, nếu chúng ta vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chúng ta rất mệt. Nếu chúng ta làm Phật sự mà không vọng tưởng, không phân biệt, không chấp trước thì chúng ta không mệt. Mỗi chúng ta đều có sự thể hội này. Hôm nào chúng ta xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì hôm đó chúng ta làm việc rất hoan hỉ, hiệu quả. Nếu chúng ta làm việc với tâm đầy vọng tưởng, đầy phân biệt, đầy chấp trước thì chúng ta luôn cảm thấy mệt mỏi, hiệu suất công việc thấp, thậm chí làm việc mà quên trước quên sau.
Trong cách làm việc của tôi, tôi không có kế hoạch, không tính toán, không họp bàn. Ai đã nhận trách nhiệm, nhận nhiệm vụ nào thì tận trách nhiệm với công việc đó, không đùn đẩy nhau. Vừa qua, tôi đi Đà Nẵng. Trước khi đi Đà Nẵng, tôi chưa nắm được lịch trình cụ thể. Khi tôi đến nơi thì mọi việc cứ diễn ra nhịp nhàng. Thứ Bảy tôi đi Huế để làm lễ động thổ xây dựng trường học. Chủ nhật tôi kết thúc khóa học hè của các con ở Đà Nẵng. Thứ Hai tôi đi Quảng Trị. Thứ Ba tôi quay lại Hòa Phú – Đà Nẵng để làm những việc cần làm. Khi ra Hà Nội, tôi thấy khóa học “Trại Hè Nhớ Bác” có rất đông các con học sinh. Tôi chưa hề bàn bạc với Ban Tổ chức về việc tổ chức khóa hè này cho các con. Tôi chỉ đến để làm việc của tôi, mọi người vẫn làm việc của mọi người. Mọi người chuẩn bị chương trình, chuẩn bị tài liệu rất đầy đủ nhưng tôi không chuẩn bị gì cả. Mọi việc rất tốt, rất vừa vặn, khế hợp.
Chúng ta thấy: Tất cả mọi việc Phật sự, nghe pháp, niệm Phật, tụng Kinh đều phải có thể “tiêu quy tự tánh”, tiêu vào, hóa nhập vào tự tánh của mình rồi lưu xuất ra. Vậy thì không hề có sự chướng ngại, không hề có sự khẩn trương. Mỗi chúng ta tuy có những cảnh giới sâu cạn khác nhau nhưng ai cũng đều có sự thể hội này. Ví dụ khi chúng ta nói chuyện rất hăng say thì một giờ đồng hồ, hai giờ đồng hồ bỗng chốc trôi qua rất nhanh. Cho nên nghe pháp, niệm Phật, tụng Kinh hoặc làm bất cứ việc gì đều phải có thể hóa nhập vào nơi tự tánh, gọi là “tiêu quy tự tánh”. “Tiêu quy tự tánh” không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước.
Chúng ta luôn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, luôn khởi tính thiệt hơn. Nếu chúng ta triệt tiêu được ý niệm được mất, lời lỗ, không sợ bị lỗ, không sợ thiệt thòi thì tự khắc mọi thứ sẽ bình lặng lại. Nếu chúng ta lo sợ bản thân bị thiệt thòi, sợ thiệt thòi nhân lực của mình, sợ thiệt thòi tài lực của mình thì tự khắc vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sẽ kéo theo. Khi làm, chúng ta rời xa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không nghĩ đến được mất, tốt xấu, thành bại, hơn thua, chỉ khởi tâm làm lợi ích cho tất cả mọi người, dốc tâm sức để làm thì mới có cảnh giới “tiêu quy tự tánh”. Chúng ta dốc tâm đến mức độ nào thì tự khắc sự việc sẽ thành tựu đến mức độ đó.
Hàng ngày, chúng ta luôn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, luôn ở trong trạng thái so đo tính toán cho nên không thể tiêu vào tự tánh, không thể hóa nhập vào nơi tự tánh, không thể “tiêu quy tự tánh”. Tự tánh vốn dĩ là Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi. Muốn hóa nhập vào tự tánh thì phải xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước vì còn phân biệt thì chưa Chân Thành, còn vọng tưởng thì chưa Thanh Tịnh. Thật ra chỉ cần lắng tâm một chút thì chúng ta sẽ có sự thể hội. Thật ra mà nói, chúng ta xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, làm với tâm Chân Thành thì tự khắc sẽ có một sự an bài rất vi diệu.